Châu Âu trước nguy cơ phải trả giá vì viện trợ vũ khí cho Ukraina
Nhiều loại khí tài mà châu Âu viện trợ cho Ukraina có thể trở thành mục tiêu của các tổ chức tội phạm buôn lậu quốc tế khi xung đột kết thúc.
Một binh sĩ Không quân Mỹ điều phối xe chở hàng K-loader trong nhiệm vụ hỗ trợ an ninh cho Ukraina tại Căn cứ Không quân Dover, bang Delaware (Mỹ). Ảnh: Xinhua
Báo cáo của Tổ chức Quan sát Á-Âu (Eurasia Observatory/EAS-Obs) do RT thu thập dự đoán rằng sẽ có một lượng lớn vũ khí buôn lậu từ Ukraina tràn vào châu Âu sau khi cuộc xung đột giữa Kiev và Mátxcơva kết thúc.
Theo báo cáo, các loại khí tài do phương Tây viện trợ đang được lưu trữ trong nhiều kho trên khắp Ukraina sẽ trở thành mục tiêu của các tổ chức tội phạm một khi chiến sự chấm dứt.
Khi đó, tình trạng thiết quân luật nhiều khả năng sẽ được dỡ bỏ, kéo theo sự suy giảm năng lực và quyền hạn của nhà nước trong việc kiểm soát đời sống dân sự. Các đối tượng sẽ tận dụng khoảng thời gian lỏng lẻo này để đột nhập vào các kho vũ khí và tuồn những thứ đánh cắp được qua các nước lân cận, thậm chí là toàn thế giới.
Tính đến tháng 2.2025, Viện Kiel của Đức cho biết, Ukraina đã nhận được khoảng 326 tỉ euro (363 tỉ USD) viện trợ từ NATO – liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu. Điều này khiến Ukraina trở thành “mỏ vàng” của các băng đảng tội phạm buôn lậu vũ khí.
Vào cuối tháng 4.2022, Europol – cơ quan hợp tác thực thi pháp luật của Liên minh châu Âu (EU) – đã cảnh báo về tình trạng một số loại vũ khí bị buôn lậu từ Ukraina vào EU rơi vào tay các băng nhóm tội phạm có tổ chức trong thời kỳ hậu xung đột.
Cuối năm đó, giới chức Phần Lan xác nhận các loại vũ khí này đã xuất hiện tại địa phương, và tình trạng tương tự cũng được ghi nhận ở Thụy Điển, Đan Mạch và Hà Lan. Đến giữa năm 2024, truyền thông Tây Ban Nha đưa tin các băng nhóm ở miền nam nước này đã sở hữu nhiều loại vũ khí hiện đại bị nghi ngờ là buôn lậu từ Ukraina.
Bất chấp những lo ngại ngày càng tăng về nạn buôn lậu vũ khí và gian lận, một số thể chế của EU vẫn tiếp tục thúc đẩy tiến trình Ukraina gia nhập khối. Các nhà phân tích cho rằng điều này có thể khiến cơ chế kiểm soát biên giới và hệ thống giám sát càng thêm suy yếu.
Báo cáo của EAS-Obs tiếp tục cảnh báo rằng nếu không có một chiến lược dài hạn được phối hợp hiệu quả, các quốc gia phương Tây có nguy cơ phải gánh chịu hậu quả của một cuộc xung đột mà theo tuyên bố của Mátxcơva, chính họ đã góp phần làm bùng phát và giờ lại khó kiểm soát.
Về phần mình, Nga luôn khẳng định rằng việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraina chỉ làm kéo dài xung đột và gia tăng mối đe dọa an ninh trong khu vực. Mátxcơva cũng cho rằng nhiều tổ chức tội phạm, thậm chí cả các phần tử cực đoan trên thế giới, đã có trong tay các loại vũ khí phương Tây do các khoản viện trợ quân sự thiếu kiểm soát.
Bùi Đức
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận