Nền môi trường kinh doanh tốt sẽ tạo ra doanh nghiệp lớn
DN Việt cần cơ chế rõ ràng, phân cấp mạnh mẽ để bung sức “làm lớn”. Nhiều DN Việt Nam có đủ năng lực để làm các dự án, công trình lớn, quan trọng, nhưng vẫn đang đợi cơ chế.
“DN không cần hỗ trợ tiền, chỉ cần cơ chế rõ ràng và thái độ ủng hộ hàng Việt Nam, chính sách nuôi dưỡng DN Việt, DN sẽ sẵn sàng bỏ công, bỏ sức” – ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát chia sẻ.
Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát nhắc tới hàng loạt chậm trễ mà ông cho rằng, đang gây thiệt hại lớn cho DN. Ví dụ, Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chưa được thông qua, khiến “nhà máy thì xây rồi, cảng thì chưa có”, trong khi tổng lượng nguyên vật liệu thông qua cảng chuyên dùng của Hòa Phát lên tới 70 triệu tấn/năm, ông Long lo ngại khi Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 sắp xây xong…
Hay như đề xuất xây dựng quy định quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và nhập khẩu của Hiệp hội Thép Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản giao Bộ KH&CN từ tháng 10/2023, đến giờ vẫn chưa có thông tin.
Vietjet là một trong những tập đoàn tư nhân của Việt Nam đã khẳng định được vị thế và vươn tầm quốc tế. Ảnh: Phạm Hùng
Đây không phải câu hỏi của riêng ông chủ Hòa Phát. Bà Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ điện lạnh, cũng mang đến nhiều trăn trở, khi đã 3 năm đợi được làm các dự án điện gió.
“Các DN Việt Nam đã có đủ năng lực để thực hiện các dự án điện gió trên bờ, gần bờ và thậm chí là ngoài khơi. Chúng tôi có thể gánh vác vài dự án, nhưng chúng tôi đang “đói” giấy phép đầu tư, chứ không phải là thiếu tiền hay năng lực. Đề nghị Chính phủ mạnh dạn trao cho DN nhiệm vụ này” – bà Mai Thanh tha thiết.
Đáng chú ý, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco, còn đưa đề nghị phân cấp, phân quyền lên vị trí đầu tiên trong số các kiến nghị mà ông gửi Chính phủ. Vì có phân cấp, phân quyền thì mới đơn giản hóa thủ tục hành chính được.
“Tôi làm mấy dự án nên biết, khổ lắm. Hành trình từ địa phương, đến các bộ, ngành rồi lên tới Thủ tướng, quay đi quay lại không biết bao nhiêu lần. Thủ tướng và các phó thủ tướng động viên chúng tôi rất nhiều, nhưng ở dưới có cả rừng cơ chế, chính sách, chúng tôi vào đấy không biết là đi lối nào, đến nơi nào…”- ông Tiền nói.
“Cần một “nền” môi trường kinh doanh thực sự tốt để DN phát triển, từ đó mới tạo ra được những DN lớn”- TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, bình luận.
TS. Võ Trí Thành cho rằng để các DN trong nước thực sự lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, có hai việc cần làm. Thứ nhất, phải tái cấu trúc DN, phát triển theo hướng hợp thời và đón đầu tương lai. Thứ hai, đón nhận hỗ trợ nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu cạnh tranh, phù hợp với cam kết quốc tế.
TS. Nguyễn Minh Thảo – Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) bình luận: nhìn vào các tập đoàn kinh tế lớn thuộc sở hữu của các tỷ phú USD hiện nay, chúng ta cần tôn vinh những DN trực tiếp tham gia sản xuất. “Trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, chỉ những DN sản xuất mới lan tỏa, dẫn dắt các DN trong chuỗi cung ứng, sản xuất”- TS. Nguyễn Minh Thảo khẳng định.
Bên cạnh sự nỗ lực từ cộng đồng DN, Đảng, Nhà nước cũng cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng bảo vệ, khuyến khích doanh nhân, DN làm ăn chân chính, đổi mới sáng tạo, đồng thời thường xuyên lắng nghe và giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng của DN, tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất – kinh doanh. Từ đó, khơi dậy, khuyến khích, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, khát vọng làm giàu chân chính trong xã hội. Một thể chế nuôi dưỡng, tạo điều kiện, ắt DN sẽ phát triển.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận