Nhu cầu vay vốn của thị trường đang phục hồi, các ngân hàng tăng mạnh nguồn vốn qua kênh trái phiếu
Việc các ngân hàng thương mại phát hành trái phiếu “dồn dập” vào những tháng cuối năm cho thấy nhu cầu vốn cấp 2, vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế đang là vấn đề cần thiết trong thời gian tới.
Các ngân hàng thương mại tiếp tục chiếm phần lớn trong các đợt phát hành mới. (Ảnh: Int)
Từ sau khi trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của các tổ chức phát hành lĩnh vực bất động sản mất ngôi vị “quán quân”, thì TPDN của các tổ chức tín dụng luôn đứng đầu bảng, bởi được đánh giá là an toàn mặc dù đa phần đều không có tài sản đảm bảo.
Trong tháng 11/2024, tổng lượng phát hành trái phiếu 23,4 nghìn tỷ đồng, trong đó các ngân hàng thương mại đã phát hành tổng cộng 17,4 nghìn tỷ đồng, tiếp tục chiếm phần lớn trong các đợt phát hành mới.
Trong số các trái phiếu do các ngân hàng phát hành vào tháng 11/2024, 40% là trái phiếu thứ cấp đủ điều kiện tính vào vốn cấp 2, được phát hành bởi Ngân hàng TMCP Phát triển thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng TMCP Á Châu, Ngân hàng TMCP Tiên Phong, Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam và Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam. Các trái phiếu vốn cấp 2 này có kỳ hạn từ 5 đến 10 năm và lãi suất từ 6,0% đến 7,6% trong năm đầu tiên.
Trong tháng 12/2024, chưa có số liệu tổng hợp các ngân hàng thương mại phát hành trai phiếu, nhưng một số ngân hàng phát hành số lượng lớn trái phiếu cho thấy các ngân hàng này bổ sung vốn cho hoạt động thời gian tới.
Đơn cử như Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) công bố vừa phát hành lô trái phiếu riêng lẻ đợt 9 với mã VIBL2431010 có kỳ hạn 7 năm. Trái phiếu có mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu và số lượng phát hành là 2.000 trái phiếu. Tổng cộng, VIB huy động được 2.000 tỷ đồng, với lãi suất 7,48%/năm.
Trước đó, vào đầu tháng 12, VIB cũng đã hoàn tất đợt phát hành riêng lẻ đợt 8 lô trái phiếu mã VIBL2727008 với kỳ hạn 3 năm, lãi suất 5,3%/năm. Trái phiếu cũng có mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu và tổng cộng ngân hàng huy động được 2.000 tỷ đồng.
Đầu tháng 12, MSB cũng chào bán riêng lẻ thành công lô trái phiếu MSBH2429011 kỳ hạn 5 năm và huy động được 1.000 tỷ đồng. Trái phiếu có mệnh giá 1 tỷ đồng, lãi suất 6,2%/năm.
Trong tháng 12, hàng loạt nhà băng khác cũng phát hành nhiều đợt trái phiếu giúp huy động được hàng trăm tỷ đồng. Điển hình là TPBank, OCB, Vietinbank, ACB, Eximbank… Đa số các nhà băng này huy động với lãi suất dao động từ 5,6-6,5%/năm, kỳ hạn từ 3-5 năm.
Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) cho biết, đến 19/12, tín dụng toàn hệ thống tăng trưởng 13,1% so với đầu năm, nhanh hơn so với năm ngoái và tiến gần mục tiêu 14-15% cho cả năm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Trong khi đó, với dữ liệu thông báo mới nhất, tín dụng nền kinh tế đến 7/12 đạt khoảng 12,5%.
Chuyên gia Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, nếu giữ được xu hướng tăng tương tự tháng 12 của các năm trước, tín dụng cả năm 2024 ước tăng khoảng 16%.
Theo chuyên gia của FiinRatings, việc các ngân hàng thương mại đẩy mạnh huy động vốn qua kênh trái phiếu dù chi phí vốn đắt đỏ hơn so với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng được cho là nhằm bổ sung cơ cấu vốn trung, dài hạn trong bối cảnh nhu cầu vay vốn đang dần phục hồi.
Bên cạnh đó, hoạt động phát hành trái phiếu sôi nổi hơn vào cuối năm, khi nhu cầu vốn của doanh nghiệp phục hồi trong bối cảnh thị trường bất động sản bắt đầu ấm dần cũng như nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh đang tích cực theo đà phục hồi của nền kinh tế. Các ngân hàng thương mại gia tăng phát hành trái phiếu giúp họ có điều kiện gia tăng tín dụng, khi nhu cầu vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh cao hơn.
Sự gia tăng trong hoạt động phát hành trái phiếu cuối năm có thể được giải thích bởi các ngân hàng tuân thủ quy định về tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn ở mức 30%.
Thực tế, trong đợt phát hành trái phiếu mới đây, BVBank cho biết mục tiêu của đợt phát hành là gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn, phục vụ hoạt động kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tín dụng của khách hàng, đồng thời bổ sung vốn cấp 2 theo các quy định hiện hành.
Tương tự, Vietinbank cũng cho hay, mục đích chào bán trái phiếu ra công chúng năm 2024 là tăng quy mô vốn hoạt động, tăng vốn cấp 2 và đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của NHNN, đồng thời thực hiện cho vay nền kinh tế.
Hiện tại, Vietinbank đang huy động tiền gửi kỳ hạn trên 36 tháng với lãi suất chỉ 4,8%/năm. Như vậy, nhà đầu tư mua trái phiếu của nhà băng này sẽ lợi hơn nhiều so với gửi tiết kiệm.
Bên cạnh đó, thông thường lãi suất huy động trên thị trường chỉ là nguồn vốn ngắn hạn, chủ yếu là dưới 9 tháng đến 1 năm. Trong khi việc huy động trái phiếu là cách mà các ngân hàng huy động nguồn vốn dài hạn. Đây là nguồn vốn ổn định để nhiều ngân hàng yên tâm quay vòng vốn cho vay để thu về lợi nhuận.
VIS Rating dự báo, ngành ngân hàng sẽ phát hành hơn 283.000 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 trong 3 năm tới. Trong đó, khoảng 55% trái phiếu tăng vốn cấp 2 mới sẽ được phát hành bởi các ngân hàng quốc doanh.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận