Mỹ cấm nhập khẩu Uranium từ Nga: Bước đi lớn để tự chủ năng lượng
Mỹ cấm nhập khẩu uranium từ Nga, mở ra cơ hội sản xuất trong nước, nhưng cũng đặt ra những thách thức lớn về môi trường.
Trong bối cảnh nhu cầu về năng lượng không phát thải đang ngày càng tăng, các công ty khai thác khoáng sản tại Mỹ đang chạy đua để đáp ứng nhu cầu này, đặc biệt là với uranium – nguyên tố phóng xạ quan trọng để sản xuất điện hạt nhân.
Các thùng tại nhà máy chế biến uranium White Mesa gần Blanding, Utah. Ảnh: The New York Times
Hiện tại, các hoạt động khai thác uranium đang diễn ra mạnh mẽ trên khắp miền Tây nước Mỹ, được thúc đẩy bởi nhu cầu điện năng ngày càng tăng và những nỗ lực của chính phủ nhằm loại Nga ra khỏi chuỗi cung ứng nhiên liệu hạt nhân của Mỹ.
Theo công ty tư vấn TradeTech, giá uranium đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 15 năm qua, mở ra hy vọng cho sự phục hồi của các khu vực khai thác từng bị đình trệ sau Chiến tranh Lạnh.
Năng lượng hạt nhân đang dần lấy lại vị thế tại Mỹ, khi các chính trị gia và nhà đầu tư coi đây là giải pháp để đáp ứng nhu cầu năng lượng mà không gây ra khí thải nhà kính – nguyên nhân chủ yếu dẫn đến biến đổi khí hậu. Gần đây, Microsoft, với hệ thống trung tâm dữ liệu tiêu tốn nhiều năng lượng, đã quyết định tài trợ cho việc tái mở cửa nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island tại Pennsylvania, vốn đã ngừng hoạt động từ năm 2019.
Trong khi đó, các công ty khai thác uranium tại Mỹ cũng đang cố gắng tận dụng cơ hội này để khởi động lại các mỏ cũ. Một ví dụ điển hình là Ur-Energy, công ty khai thác đang đẩy mạnh sản xuất tại Wyoming. Ông John W. Cash, CEO của Ur-Energy, so sánh ngành khai thác uranium hiện tại như “một cánh tay gãy lâu ngày không vận động,” cần thời gian để phục hồi.
Mỹ từng sản xuất gần 44 triệu pound uranium dưới dạng yellowcake vào năm 1980, đủ để vận hành hầu hết các lò phản ứng hạt nhân trong nước. Tuy nhiên, sự cố hạt nhân như vụ nổ tại Chernobyl vào năm 1986 và sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island vào năm 1979 đã khiến năng lượng hạt nhân mất đi vị thế, và ngành khai thác uranium rơi vào suy thoái. Sau sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991, Nga bắt đầu cung cấp uranium cấp độ vũ khí đã được pha loãng cho các lò phản ứng tại Mỹ, tạo ra nguồn cung dư thừa trên thị trường.
Năm ngoái, Mỹ chỉ sản xuất được 50.000 pound yellowcake, phần lớn uranium được khai thác từ các mỏ ở Canada, Kazakhstan và được làm giàu ở các quốc gia như Nga. Đặc biệt, khoảng 25% lượng uranium làm giàu sử dụng trong các lò phản ứng hạt nhân tại Mỹ đến từ Nga.
Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng sau khi Nga xâm lược Ukraine, Mỹ đã tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn uranium của Nga. Một đạo luật có hiệu lực từ năm nay sẽ cấm các nhà máy điện tại Mỹ mua uranium từ Nga từ năm 2028.
Các nhà tư vấn dự báo rằng hoạt động khai thác uranium nội địa của Mỹ sẽ phục hồi mạnh mẽ, với sản lượng dự kiến đạt khoảng 6 triệu pound yellowcake vào năm 2028. Tuy nhiên, nhiều người dân sống gần các mỏ uranium, đặc biệt là các cộng đồng thổ dân, lo ngại về những hệ lụy môi trường và sức khỏe từ việc khai thác khoáng sản phóng xạ.
Trong giai đoạn bùng nổ khai thác uranium từ những năm 1950 đến 1980, nhiều mỏ đã bị bỏ hoang sau khi giá uranium sụt giảm, để lại hàng trăm khu vực khai thác chưa được xử lý. Điều này khiến người dân tại các khu vực này tiếp xúc với mức phóng xạ cao hơn, làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh như ung thư phổi và xương.
Quặng Uranium đang được cầm trên tay Matthew Germansen, trợ lý giám đốc mỏ tại Pinyon Plain. Ảnh: The New York Time
Một trong những khu vực nổi bật đang được khai thác là mỏ Pinyon Plain tại Arizona, thuộc sở hữu của công ty Energy Fuels. Các công nhân tại đây đang tiến hành khai thác sâu dưới lòng đất và chuyển uranium lên mặt đất để chế biến. Sau đó, khoáng sản này được vận chuyển đến nhà máy tại Utah để tinh chế thành yellowcake.
Tuy nhiên, hoạt động khai thác này đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các cộng đồng bản địa, những người coi khu vực này là đất thiêng.
Dù những mối lo ngại về môi trường vẫn còn, ngành khai thác uranium hiện nay đã có những cải tiến rõ rệt về công nghệ và an toàn. Các công ty khai thác như Energy Fuels hiện buộc phải giám sát mức độ phóng xạ trong đất và nước xung quanh các khu vực khai thác, đồng thời đặt cọc để đảm bảo chi phí xử lý môi trường sau khai thác. Ngoài ra, các quy định về an toàn lao động và môi trường như Đạo luật An toàn và Sức khỏe trong Mỏ Liên bang cũng góp phần giảm thiểu rủi ro cho công nhân.
Một kỹ thuật khai thác phổ biến hiện nay là khoan giếng và bơm nước trộn với oxy và carbon dioxide vào các tầng đá chứa uranium để hòa tan và sau đó bơm dung dịch này trở lại mặt đất. Phương pháp này giúp giảm chi phí và cần ít nhân lực hơn so với khai thác truyền thống. Đây cũng là lý do khiến ngành khai thác uranium khó có thể trở lại quy mô kinh tế như trước đây. Vào năm 1979, có khoảng 22.000 người làm việc trong ngành này, nhưng con số này đã giảm xuống chỉ còn dưới 400 người vào năm ngoái.
Bước đi của Mỹ trong việc cấm nhập khẩu uranium từ Nga là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm tự chủ năng lượng và giảm sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên nước ngoài. Tuy nhiên, với những thách thức từ các vấn đề môi trường và xã hội, cùng với sự thay đổi trong công nghệ khai thác, ngành khai thác uranium của Mỹ sẽ cần nhiều nỗ lực để có thể phục hồi và phát triển bền vững trong tương lai.
Byron T. Seeley, một thợ gốm sống ở phía bắc Lost Creek, trong thị trấn Jeffrey City từng phất lên nhờ khai thác uranium, chia sẻ rằng gió ở đây thường xuyên thổi hơn 30 dặm/giờ, lùa qua những ngôi nhà bị bỏ hoang. “Tôi nghi ngờ thị trấn này sẽ không bao giờ hồi sinh” – ông Seeley nói. “Chẳng ai muốn sống ở một nơi như thế này”.
Dũng Phan (Theo The New York Times)
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận