Long An phấn đấu trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế của ĐBSCL
Long An đang triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện quy hoạch, tổ chức các hoạt động kinh tế-xã hội theo mô hình “1 trung tâm – 2 hành lang – 3 vùng kinh tế – 6 trục động lực.”
Công trình trung tâm thương mại hơn 1.000 tỷ đồng của Aeon tại thành phố Tân An, Long An dự kiến sẽ khánh thành vào năm 2025. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)
Là tỉnh cửa ngõ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Long An cũng là tỉnh đầu tiên ở vùng này được phê duyệt quy hoạch phát triển thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Với mục tiêu đến năm 2030 là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam, đến năm 2050 là tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu cả nước, Long An đang tập trung triển khai quy hoạch, tạo đà phát triển bền vững, phấn đấu trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Đồng bằng sông Cửu Long.
Bám sát định hướng cốt lõi
Để thực hiện được các mục tiêu trên, theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An, tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện quy hoạch, tổ chức các hoạt động kinh tế-xã hội theo mô hình “1 trung tâm – 2 hành lang – 3 vùng kinh tế – 6 trục động lực.”
Thành phố Tân An là trung tâm chính trị-hành chính-đô thị hạt nhân-đô thị vệ tinh của Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm thương mại, dịch vụ công nghiệp công nghệ cao, hiện đại phía Đông Bắc Đồng bằng sông Cửu Long. Hai hành lang kinh tế gồm hành lang đường Vành đai 3-4, bám dọc theo các trục đường Vành đai 3-Vành đai 4 của Thành phố Hồ Chí Minh.
Còn hành lang phát triển phía Nam bám dọc theo trục động lực liên tỉnh từ Thành phố Hồ Chí Minh đi qua Long An và kết nối với tỉnh Tiền Giang (qua trục Quốc lộ 50B).
Ba vùng kinh tế-xã hội tại Long An gồm: vùng đô thị và công nghiệp; vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch và kinh tế cửa khẩu; vùng đệm sinh thái.Bên cạnh đó, sáu trục động lực kinh tế được hình thành, gồm: trục động lực Vành đai 3-Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh; trục động lực Quốc lộ 50B; trục động lực song hành Quốc lộ 62; trục động lực Mỹ Quý Tây-Lương Hòa-Bình Chánh; trục động lực Quốc lộ N1; trục động lực Đức Hòa.
Là đô thị trẻ của tỉnh Long An, thành phố Tân An với định hướng phát triển là trung tâm chính trị-hành chính, đô thị hạt nhân đang có những đổi thay đáng kể, nỗ lực trở thành đô thị loại 1 trước năm 2030.
Bí thư Thành ủy Tân An Lê Công Đỉnh cho hay thành phố đã được đầu tư nhiều công trình trọng điểm, điển hình là nút giao đường Hùng Vương-Quốc lộ 62, đường Vành đai thành phố Tân An và cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Hai nhánh sông chính là Vàm Cỏ Tây và Bảo Định được thành phố khai thác tốt, bước đầu tạo trục cảnh quan đặc trưng cho vùng sông nước, diện mạo đô thị năng động đang dần trở nên hiện thực.
Đồng thời, thành phố Tân An thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp-xây dựng, thương mại dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp.
Hiện, thành phố có trên 1.990 doanh nghiệp đăng ký thành lập và hoạt động với tổng số vốn đăng ký trên 5.900 tỷ đồng. Sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp từng bước ổn định, phát triển.
Kiểm tra sản phẩm trước khi đóng gói tại nhà máy Sung Hwa Vina tại Khu công nghiệp Hòa Bình (Long An). (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)
Thành phố có 3 cụm công nghiệp trên địa bàn xã Lợi Bình Nhơn và 19 hợp tác xã hoạt động ổn định.
Thành phố đã đưa vào vận hành hệ sinh thái số với Trung tâm Điều hành thông minh, là hạt nhân gắn kết các dịch vụ đô thị thông minh thiết yếu của thành phố thông qua các dịch vụ như: giám sát an ninh trật tự thông minh, an toàn giao thông thông minh, quản lý chiếu sáng thông minh, giám sát hành chính công, giám sát trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân trên môi trường số.
Thời gian tới, Tân An tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, đưa thành phố trở thành đô thị loại 1 trước năm 2030, góp phần thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh Long An.
Xác định rõ nguồn lực
Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở quan trọng để tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Kế hoạch thực hiện Quy hoạch cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đối với dự án đầu tư công, Long An ưu tiên đầu tư các dự án có kết cấu hạ tầng có sức lan tỏa lớn, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, liên thông, thúc đẩy kết nối giữa hai vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng thời, kết nối nội vùng, kết nối ba vùng kinh tế và các trung tâm đô thị gắn với hai hành lang kinh tế là hành lang đường Vành đai 3-Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh và hành lang phát triển phía Nam là đường tỉnh 827 E.
Ngoài ra, hạ tầng lưới điện, hạ tầng y tế, giáo dục, an sinh xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị tại ba vùng động lực cũng đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh để thu hút nguồn vốn tư nhân và nước ngoài, phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội quan trọng của tỉnh và liên vùng.
Đồng thời, bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả giữa các vùng, lĩnh vực, vừa tạo động lực tăng trưởng, vừa bảo đảm an sinh xã hội.
Đường Hùng Vương, cửa ngõ vào thành phố Tân An, Long An được đầu tư mở rộng, mang lại bộ mặt mới cho thành phố. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An Nguyễn Văn Út, tỉnh đã xác định 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần triển khai, như: phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng; quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn và các khu chức năng; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kết cấu hạ tầng xã hội; quy hoạch xây dựng vùng huyện; bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học.
Tỉnh phân công trách nhiệm cụ thể đối với từng sở, ngành, địa phương nhằm thống nhất từ nhận thức đến hành động trong quá trình triển khai quy hoạch. Đồng thời, xác định cụ thể tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án để xây dựng các chính sách, giải pháp thu hút nguồn lực xã hội trong thực hiện Quy hoạch.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An Trương Văn Liếp cho hay: “Long An huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực theo phương châm nội lực là căn bản, ngoại lực là quan trọng, kết hợp chặt chẽ nội lực với ngoại lực, tạo ra nguồn lực tổng hợp tối ưu, lấy đầu tư công làm vốn mồi, dẫn dắt, kích hoạt đầu tư ngoài xã hội để tạo đột phá thu hút vốn đầu tư trong phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể.”
Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư Long An còn phối hợp với các sở, ngành, các địa phương thực hiện rà soát, lập mới, điều chỉnh các quy hoạch mang tính chất chuyên ngành kỹ thuật, quy hoạch đô thị, nông thôn để cụ thể hóa quy hoạch tỉnh, làm cơ sở triển khai thực hiện và thu hút đầu tư.
Hiện các cơ quan đang triển khai lập quy hoạch đô thị Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức; rà soát điều chỉnh quy hoạch đô thị thành phố Tân An. Đồng thời, rà soát điều chỉnh, lập mới quy hoạch vùng của các huyện, quy hoạch chung xây dựng các xã để cụ thể hóa quy hoạch tỉnh.
Cùng với đó, Long An tiếp tục cải cách hành chính, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, bền vững môi trường đầu tư kinh doanh,tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh thích ứng với xu thế phát triển trong tình hình mới.
Cụ thể là mới đây, ngày 23/9/2024, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An Nguyễn Văn Út đã ký ban hành Kế hoạch tiếp tục cải thiện và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024, phấn đấu nâng điểm số PCI năm 2024 đạt từ 73,95 điểm (tăng 3,015 điểm so với năm 2023), duy trì vị trí Top 3 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước.
Trước đó, năm 2023, Long An đã vươn lên 8 bậc so với với năm 2022, xếp vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố cả nước, dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về chỉ số PCI.
Ông Lê Trường Chinh, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An, thông tin triển khai Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Long An ưu tiên phát triển các khu công nghiệp xanh và khu công nghiệp thông minh, khu công nghiệp sinh thái. Trong số đó, nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu trở nên thông minh hơn. Cùng với đó, tỉnh quy hoạch các khu công nghiệp mới hướng đến hiện đại, sinh thái theo hướng xanh hóa.
Do đó, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, cơ quan đại diện cho tỉnh trực tiếp làm việc, cung cấp các dịch vụ công cho doanh nghiệp trong và ngoài nước khi đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Bên cạnh đó, đơn vị tham mưu lãnh đạo tỉnh chỉ đạo việc nâng cấp chỉnh trang các khu công nghiệp đang hoạt động.
Đồng thời, quy hoạch, xây dựng các khu công nghiệp mới theo mô hình xanh-sạch-đẹp-thông minh, góp phần thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050./.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận