Phát triển nền tảng số: Động lực, giải pháp phát triển kinh tế số Việt Nam
Tại hội thảo “Chuyển đổi số 2024 – Động lực phát triển kinh tế số Việt Nam”, các chuyên gia khẳng định, phát triển nền tảng số chính là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả. Đó cũng là một quan điểm cơ bản trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Ngày 30/9 tại Hà Nội, Báo Đầu tư đã tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi số 2024 – Động lực phát triển kinh tế số Việt Nam” nhằm ghi nhận thông tin cập nhật về những động thái mới trong phát triển hạ tầng số, hệ sinh thái số và kinh tế số Việt Nam.
Tổng Biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh phát biểu khai mạc hội thảo.
Hướng tới mục tiêu kinh tế số đóng góp 30% GDP
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh cho biết, việc tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số 2024 – Động lực phát triển kinh tế số Việt Nam” ở thời điểm trước thềm Ngày hội đổi mới sáng tạo Việt Nam (ngày 1-2/10) và Ngày Chuyển đổi số Quốc gia (10/10) vô cùng ý nghĩa. Đồng thời, là dịp để chúng ta cùng lắng nghe, ghi nhận những thông tin cập nhật về những động thái mới trong phát triển hạ tầng số, hệ sinh thái số và kinh tế số Việt Nam.
“Chúng tôi hy vọng sẽ được các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp cùng chia sẻ thêm những kinh nghiệm, bài học hay rút ra từ thực tiễn trong và ngoài nước và những kiến giải, khuyến nghị, giải pháp để giải quyết thành công những nhiệm vụ nói trên, góp phần tạo lực đẩy cho chuyển đổi số và tăng tốc kinh tế số tại Việt Nam”, Tổng biên tập Báo Đầu tư bày tỏ.
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, phát triển số với tạo tăng trưởng dựa trên yếu tố đầu vào là công nghệ số và dữ liệu số trở thành một trong những phương thức phát triển chủ đạo mới để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, thích ứng và kiên cường trước các thách thức trong thế giới nhiều biến động và khó dự báo trước. Phát triển kinh tế số giúp người dân giàu có hơn, góp phần đưa Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025, đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đạt mức thu nhập cao vào năm 2045.
Kinh tế số là hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin – viễn thông để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hoá cấu trúc nền kinh tế.
Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 và 2030, kinh tế số sẽ đóng góp tương ứng 20% và 30% GDP. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10% vào năm 2025, tăng lên gấp đôi vào năm 2030 và Việt Nam sẽ nằm trong số 30 quốc gia dẫn đầu về công nghệ thông tin, chỉ số cạnh tranh và đổi mới sáng tạo vào cuối thập kỷ này.
Phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả. Đó cũng là một quan điểm cơ bản trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong các nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng chuyển đổi số, thì việc phát triển hạ tầng số, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu có vai trò quan trọng. Đây cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm, đề cập đáng chú ý của đại diện các doanh nghiệp.
Các đại biểu chia sẻ tại hội thảo
Chia sẻ về tầm quan trọng của chuyển đổi số, Trưởng Ban Chuyển đổi số – Tổng công ty Viễn thông MobiFone Nguyễn Tuấn Huy cho rằng: Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số.
Mục tiêu của chuyển đổi số là tăng cường hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, tăng cường năng suất lao động, hiệu suất làm việc và nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách hàng. Chuyển đổi số là tối ưu hoá các quy trình nghiệp vụ của doanh nghiệp trong tất cả các bộ phận hoạt động loại bỏ các công việc không đem lại giá trị cho doanh nghiệp.
Chuyển đổi số không đơn thuần là việc dùng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế – xã hội mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến hiện đại, phương thức sản xuất số”.
5G sẽ đóng vai trò quan trọng cho Việt Nam thúc đẩy hạ tầng số
Phó Tổng Thư ký, Hội Truyền thông số Việt Nam Hoàng Việt Tiến nhận định, Internet Việt Nam đã trải qua rất nhiều giai đoạn phát triển, chuyển đổi số, kinh tế số, thị trường số, đặc biệt là sự phát triển của AI trong vài năm tới sẽ như vũ bão. Đồng hành với sự phát triển đấy, cần có nền tảng, đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ phát triển hạ tầng số.
Thời gian gần đây, Việt Nam đang xóa sổ mạng 2G, tiến tới 5G. Bộ TT&TT đã cấp phép cho 3 nhà mạng để triển khai 5G, bước đầu thử nghiệm đã có những thành công nhất định.Theo ông Hoàng Việt Tiến, trong giai đoạn tới, để triển khai chuyển đổi số và hạ tầng số thành công, cần 3 nhà: nhà quản lý, nhà mạng, đơn vị cung cấp giải pháp và người dùng cuối.
Ông Hoàng Việt Tiến cho rằng: Chính sách phát triển hạ tầng số là một bài toán lớn, cần chiến lược chuyển đổi số tổng thể của cả nước. Bài toán lớn thì không thể giải quyết ngay được mà phải thực hiện từng bước, sao cho phù hợp với thị trường, phù hợp với từng bên liên quan.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của 5G trong việc thúc đẩy chuyển đổi số, Chủ tịch Ericsson Việt Nam Rita Mokbel đánh giá, 5G sẽ đóng vai trò quan trọng cho Việt Nam thúc đẩy hạ tầng số. 5G có tiềm năng trở thành một nhân tố chuyển đổi quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp, cho phép tự động hóa, nâng cao năng suất và tối ưu hóa quản lý tài nguyên. Các ngành như sản xuất, logistics và thành phố thông minh sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.
Việt Nam đang từng bước xây dựng hạ tầng số hiện đại với dấu ấn quan trọng là cơ quan quản lý nhà nước đã tổ chức đấu giá và cấp phép các băng tần 5G. 5G sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy công nghiệp 4.0, thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, hạ tầng mạng 5G dùng riêng sẽ cho phép các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và giảm chi phí, đồng thời, mang lại cơ hội doanh thu mới cho các nhà mạng viễn thông.
“Nhìn chung, 5G sẽ là công cụ quan trọng để Việt Nam đạt được mục tiêu xây dựng nền kinh tế số, dự kiến sẽ đóng góp 20% GDP của đất nước vào năm 2025”, bà Rita Mokbel nhận định.
Bàn về xu hướng chuyển đổi trí tuệ nhân tạo (AI), bà Rita Mokbel cho rằng AI đang tạo ra những bước chuyển mình mạnh mẽ trong nhiều ngành công nghiệp trên toàn cầu, đặc biệt là sản xuất, chăm sóc sức khỏe và logistics. Công nghệ này không chỉ tự động hóa quy trình mà còn nâng cao khả năng ra quyết định và cải thiện tương tác với khách hàng.
“Tại Việt Nam, chúng ta đã chứng kiến sự ứng dụng của AI trong các nhà máy thông minh. Khi hạ tầng số tiếp tục mở rộng, AI sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Khả năng phân tích dữ liệu theo thời gian thực của AI mở ra nhiều cơ hội mới, từ cung cấp dự báo trong sản xuất, trải nghiệm khách hàng cá nhân hóa đến quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả hơn. Những thay đổi này sẽ có tác động sâu sắc đến nền kinh tế số của Việt Nam trong tương lai”, bà Rita Mokbel khẳng định.
Trong khi đó, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) Nguyễn Phong Nhã cho hay, tháng 4/2024 Bộ TT&TT đã chính thức cấp phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất sử dụng công nghệ 5G cho các nhà mạng viễn thông thông qua việc đấu giá các băng tần với số tiền ấn tượng lên tới 12.700 tỷ đồng. Đây là minh chứng cho cam kết của các doanh nghiệp trong việc đầu tư vào công nghệ 5G và đây mới chỉ là khoản kinh phí ban đầu.
Trong những tháng vừa, qua cácdoanh nghiệp đã bắt đầu đầu tư các phần hạ tầng của mình. Cụ thể, trước mắt các doanh nghiệp sẽ xây dựng hệ thống 5G để phục vụ các khu vực có lưu lượng 4G bị nghẽn và tập trung vào các khu vực có khu công nghệ cao, nhà máy thông minh (những khu vực mà công nghệ 4G không đáp ứng được yêu cầu về độ trễ thấp và tốc độ cao).
“Công nghệ 5G với vai trò xây dựng hạ tầng đi trước chắc chắn sẽ tạo ra một hạ tầng sẵn sàng cho các thành phần kinh tế tham gia vào ứng dụng, sử dụng công nghệ 5G”, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã nhấn mạnh.
Theo Vụ trưởng Vụ Kinh tế số, Xã hội số (BộTT&TT) Trần Minh Tuấn, tính tới thời điểm hiện nay, kinh tế số tiếp tục lan toả tới các ngành, lĩnh vực trong cuộc sống. Theo số liệu của BộTT&TT, đến năm 2023, kinh tế số chiếm khoảng 16,5% GDP; trong đó, ngành ICT chiếm khoảng gần 60%, kinh tế số ngành/lĩnh vực chiếm hơn 40%. Tuy nhiên, kinh tế số tại các ngành/lĩnh vực sẽ tiếp tục tăng trưởng và sẽ có những mô hình kinh tế mới khi ứng dụng kinh tế số trong cuộc sống ngày càng gia tăng.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận