Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Định vị phân khúc sản xuất lúa gạo xuất khẩu phù hợp
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), sau khi Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati với mức giá sàn 490 USD/tấn, thị trường gạo toàn cầu đang có nhiều biến động. Việt Nam buộc phải điều chỉnh giá gạo để cạnh tranh và nguồn cung vẫn duy trì mức ổn định.
Xuất khẩu gạo Việt Nam vượt 5 tỷ USD?
Sự trở lại của nguồn gạo từ Ấn Độ có thể buộc các quốc gia như Việt Nam, Pakistan, Thái Lan… phải điều chỉnh giá để cạnh tranh, điều này làm “giảm nhiệt” giá gạo trên thị trường toàn cầu.
Hiện nay, Ấn Độ có nguồn cung gạo dồi dào với dự trữ lên đến 32,3 triệu tấn, tăng 39% so với năm trước. Ấn Độ đang bước vào mùa vụ thu hoạch nên dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati, kèm theo điều kiện áp dụng giá sàn 490 USD/tấn. Bên cạnh việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati, nước này cũng giảm thuế xuất khẩu gạo basmati từ 20% xuống còn 10%. Trong năm tài khóa 2023 – 2024, Ấn Độ xuất khẩu gạo trắng basmati với tổng trị giá 852 triệu đô la, chủ yếu sang các nước châu Phi như Kenya, Mozambique and Cameroon.
Chính sách hạn chế xuất khẩu gạo của đất nước đông dân nhất thế giới được xem là thành công khi giúp kiềm chế giá cả trong nước. Tuy nhiên, chính sách này dẫn đến một vấn đề khác là lượng gạo dự trữ đang quá nhiều. Điều này giúp Chính phủ Ấn Độ yên tâm nới lỏng hạn chế xuất khẩu gạo.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện còn 560 USD/tấn, giảm 20 USD so với tuần trước. Tương tự, giá gạo của Thái Lan cũng giảm về mức 550 USD/tấn, mức thấp nhất trong hơn một năm qua. Tuy Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo, nhưng các chuyên gia cho rằng, xu hướng thị trường từ nay đến cuối năm, giá gạo Việt Nam khó có thể xuống sâu hơn, bởi nhu cầu tại nhiều thị trường vẫn đang tăng.
Vì vậy, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2024 dự báo sẽ vượt con số 5 tỷ USD. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam nhận định, việc Ấn Độ quay lại thị trường sẽ gây áp lực giảm giá lên các loại gạo phổ thông như gạo 5% và 25% tấm của Việt Nam.
Tránh đối đầu về xuất khẩu gạo với Ấn Độ
Theo báo cáo từ Bộ NN&PTNT Việt Nam, năm 2024, sản xuất lúa gạo ước đạt khoảng 43,4 triệu tấn, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và có thể dành khoảng 7,6 triệu tấn gạo cho xuất khẩu. Trong đó, nhóm gạo chất lượng cao khoảng 3,2 triệu tấn, nhóm gạo thơm, đặc sản đạt 2,5 triệu tấn; nhóm gạo chất lượng trung bình đạt 1,15 triệu tấn; nhóm nếp đạt 0,75 triệu tấn.
Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường cho hay, đến thời điểm này, chúng ta xuất khẩu được khoảng 7 triệu tấn gạo, lượng gạo xuất khẩu còn ở vụ thu đông và một ít ở vụ đông xuân sớm, số lượng không còn nhiều. Vụ đông xuân 2024 – 2025, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (nơi chiếm 90% lượng gạo xuất khẩu cả nước) có kế hoạch xuống giống 1,49 triệu héc ta.
Để hạn chế tác động từ việc Ấn Độ cho phép xuất khẩu trở lại gạo trắng (non- basmati), chiến lược sản xuất vụ đông xuân 2024 – 2025 của Việt Nam cần tiếp tục hạn chế phát triển phân khúc sản phẩm chất lượng thấp. Cụ thể, là các dòng sản phẩm như IR 50404, OM 380, bởi đây là các giống nằm cùng phân khúc với IRA-64 hay Swarna của Ấn Độ.
Theo đó, cơ cấu giống lúa được khuyến cáo, gồm 60% diện tích gieo sạ các giống chất lượng cao như: OM 18; OM 5451; OM 4900; Jasmine 85; Đài Thơm 8, Nàng Hoa 9… Trong khi đó, 30% diện tích tập trung vào các nhóm thơm đặc sản và nếp như các giống ST, RVT, nếp An Giang, nếp IR 4625 và còn lại 10% tập trung vào nhóm giống phục vụ cho phân khúc chế biến như IR 50404, OM 380.
Việc ngành trồng trọt có định hướng và phân chia diện tích sản xuất như đã nêu là phù hợp với bối cảnh hiện nay. Thế nhưng, vấn đề cần quan tâm là đẩy mạnh phổ biến để các địa phương thực hiện nghiêm định hướng này, nhất là khi Ấn Độ “cường quốc số 1 về xuất khẩu gạo” đã trở lại “đường đua”. Dễ thấy việc phân chia như trên sẽ giúp ngành lúa gạo Việt Nam đỡ áp lực, tránh đối đầu bất lợi với Ấn Độ.
Những dòng sản phẩm như Đài Thơm 8, OM 18 hay OM 5451 là lợi thế riêng của Việt Nam, được thị trường các nước chấp nhận. Bởi lẽ, đây là phân khúc được định vị cao hơn phân khúc cấp thấp của các quốc gia xuất khẩu gạo khác (bao gồm cả Ấn Độ), nhưng lại nằm dưới phân khúc gạo thơm của Thái Lan nên có giá hợp lý, được thị trường chấp nhận tốt…
Hiện, nhu cầu nhập khẩu từ các khách hàng truyền thống của Việt Nam như: Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ghana, Malaysia, Singapore… đang ở mức cao và tăng lên. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng đang tích cực mở rộng sang các thị trường mới như: Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã đề xuất thành lập Hội đồng Lúa gạo quốc gia. Hội đồng là tổ chức phối hợp liên ngành, tham mưu giúp Thủ tướng nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết các vấn đề quan trọng, liên ngành đối với sự phát triển ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Cả nước có 7 – 8 triệu tấn gạo để xuất khẩu
Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, đến năm 2030, việc giữ diện tích gieo trồng lúa khoảng 7 triệu ha sẽ cho sản lượng khoảng 43 triệu tấn lúa/năm, tương đương 27 – 28 triệu tấn gạo. Trong đó, lượng lúa dùng cho bảo đảm an ninh lương thực của 100 triệu dân và các nhu cầu tiêu thụ nội địa khác (dùng chế biến thức ăn chăn nuôi, dự trữ trong dân, dự trữ quốc gia, làm giống…) khoảng 29,5 triệu tấn lúa/năm. Cả nước sẽ có khoảng 13,5 triệu tấn lúa, tương đương 7 – 8 triệu tấn gạo dành cho xuất khẩu.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận