Đình công lịch sử tại cảng biển đe dọa nền kinh tế Mỹ

Đình công lịch sử tại cảng biển đe dọa nền kinh tế Mỹ

Gần 50.000 công nhân tại các cảng lớn dọc Bờ Đông và Bờ Vịnh Mỹ đã bắt đầu đình công từ ngày 1/10 để đòi tăng lương và bảo vệ khỏi việc tự động hóa.

Cuộc đình công lần đầu tiên trong vòng gần 50 năm qua có thể gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế lớn nhất thế giới và diễn ra ngay trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 5/11.

Vì sao công nhân cảng tại Mỹ lại đình công?

Bất đồng về mức tăng lương là nguồn cơn dẫn đến cuộc đình công trên diện rộng ở các cảng biển Mỹ.

Cuộc đàm phán giữa Hiệp hội Công nhân Cảng Quốc tế (ILA) – đại diện cho hàng chục ngàn công nhân bốc dỡ và người lao động tại các cảng và Hiệp hội với Liên minh Hàng hải Mỹ (USMX), một liên minh gồm các cảng và hãng tàu, tiếp tục bế tắc về vấn đề lương, giữa lúc hợp đồng hiện tại đã hết hạn vào ngày 30/9. ILA đang tìm kiếm mức lương cao hơn cho người lao động và xóa bỏ “ngôn từ về tự động hóa” trong hợp đồng mới với các chủ lao động hàng hải do USMX đại diện.

Theo Bloomberg, Chủ tịch ILA, ông Harold Daggett, trước đó đã đe dọa sẽ bắt đầu đình công từ ngày 1/10 và kéo dài trong nhiều tháng nếu không đạt được thỏa thuận nào trước thời hạn. Lần cuối cùng công nhân bốc xếp ở các cảng Bờ Đông và Bờ Vịnh tiến hành đình công là vào năm 1977.

Phía ILA cho rằng đề xuất mới nhất từ các chủ lao động hàng hải “không đáp ứng được những gì mà các thành viên cơ sở của hiệp hội này đề nghị về mức lương và biện pháp bảo vệ chống lại tự động hóa”. Đại diện ILA đã đề nghị tăng lương 5 USD/giờ mỗi năm trong hợp đồng mới kéo dài 6 năm, tương đương với mức tăng khoảng 77% so với hợp đồng vừa hết hạn hôm 30/9.


Công nhân đình công tại Cảng Newark, Mỹ. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, các hãng vận tải biển và nhà khai thác cảng biển do USMX đại diện đã cáo buộc ILA từ chối đàm phán kể từ khi liên minh này hủy bỏ các cuộc đàm phán vào tháng 6. Trong thông báo đưa ra hôm 30/9, các nhà tuyển dụng cho biết họ đã đưa ra một đề nghị mới cho ILA, bao gồm mức tăng tiền công bốc dỡ gần 50% trong thời hạn hợp đồng. Tuy nhiên, đề nghị này đã bị phía ILA bác bỏ.

GDP Mỹ sẽ mất tới 5 tỷ USD/ngày

Giới chuyên gia cho rằng cuộc đình công mô lớn tại các cảng biển dọc Bờ Đông và Bờ Vịnh Mỹ đe dọa thiếu hụt hàng hóa và giá cả tăng cao trong lúc thị trường đang hối hả chuẩn bị nguồn hàng vào kỳ nghỉ cuối năm. Cuộc đình công lần này cũng đánh dấu một bước thụt lùi đối với nền kinh tế Mỹ, vốn đã ghi nhận những dấu hiệu phục hồi sau những gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19.

Theo Bloomberg, 36 cảng bị đình công có năng lực xử lý tới một nửa khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Mỹ và việc đóng cửa các cảng này khiến hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng container và xe tải lập tức bị tê liệt. Trong các cảng đang đình công có cả New York-New Jersey – cảng biển lớn thứ ba tại Mỹ, xét theo năng lực xử lý hàng hóa.

Đài CNN đưa tin, thiệt hại kinh tế từ việc đóng cửa các cảng, bắt đầu lúc 12h01 sáng 1/10 theo múi giờ miền Đông Bắc Mỹ, sẽ gây ra thiệt hại kinh tế từ 3,8 – 4,5 tỷ USD mỗi ngày, theo ước tính của JPMorgan Chase.

Chuyên gia Grace Zwemmer tại Công ty Nghiên cứu kinh tế vĩ mô Oxford Economics cảnh báo rằng, tình trạng tắc nghẽn vận chuyển do cuộc đình công tại các cảng kéo dài một tuần sẽ cần khoảng một tháng để giải quyết.

“Sẽ là vô tâm nếu để một tranh chấp hợp đồng gây ra cú sốc như vậy đến nền kinh tế của chúng ta” – Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ Suzanne Clark viết trong lá thư gửi Tổng thống Joe Biden hôm 1/10.

Trong khi đó, PGS Gregory DeYong từ Đại học Carbondale ở Nam Illinois (Mỹ) nói rằng đây là cuộc đình công nghiêm trọng nhất tại Mỹ trong hơn 40 năm qua. “Chúng ta không biết có bao nhiêu hàng hóa đi qua các cảng đó, nhưng thực tế là hàng nghìn tỷ USD mỗi năm được chi cho cả hàng nhập khẩu và xuất khẩu. Mỗi ngày đều là một mất mát lớn cho nền kinh tế và có khả năng thiếu hụt cho những người mua sắm tại các cửa hàng bán lẻ” – ông DeYong cảnh báo.

Theo ước tính từ Hiệp hội các nhà sản xuất chế tạo quốc gia (NAM), cuộc đình công gây tổn thất 2,1 tỷ USD giao dịch thương mại mỗi ngày và tổng thiệt hại kinh tế là GDP của Mỹ có thể bị kéo giảm tới 5 tỷ USD mỗi ngày.

Thời gian là yếu tố quyết định

Lisa DeNight, Giám đốc điều hành Công ty Nghiên cứu công nghiệp quốc gia Newmark, nhận định với đài CNBC: “Điểm mấu chốt ở đây là thời gian sẽ khuếch đại tác động… Nếu cuộc đình công này diễn ra trong vòng vài ngày thì mức độ ảnh hưởng không lớn. Nhưng nếu kéo dài, mức độ ảnh hưởng sẽ lan tỏa đến toàn bộ nền kinh tế toàn cầu mà không chỉ riêng nền kinh tế Mỹ, có nguy cơ gây ra sự xáo trộn lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Theo vị chuyên gia này, ngay cả một sự gián đoạn nhỏ chỉ trong ngắn hạn cũng thể có “tác động đáng kể đối với một số ngành công nghiệp nhất định”, bao gồm lĩnh vực dược phẩm, ô tô và sản xuất.

Cũng có quan điểm tương tự, giáo sư về quản lý chuỗi cung ứng Amir Mousavian tại Trường Đại học New England cho biết, trong trường hợp cuộc đình công chỉ kéo dài trong vài ngày, nguồn cung cấp một số loại hàng hóa dễ hỏng tại Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng ngay lập tức. Do đó, các mặt hàng dễ hỏng nhập khẩu vào Mỹ như cà phê, chuối và thực phẩm đông lạnh sẽ rơi vào trạng thái không sẵn hàng hoặc tăng giá tại cửa hàng tạp hóa ngay tuần tới.

Giáo sư Mousavian cho rằng, nếu cuộc đình công tại các cảng tiếp tục kéo dài, mức độ ảnh hưởng sẽ lan rộng ra tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo ông Mousavian, thời điểm công nhân cảng biển Mỹ đình công diễn ra ngay trước mùa mua sắm dịp lễ cuối năm và sau đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong 4 năm qua – tin vui đối với người Mỹ vốn đang phải vật lộn với việc chi phí sinh hoạt tăng cao.

“Một cuộc đình công kéo dài có thể đảo ngược những thành quả này, buộc Fed phải điều chỉnh kế hoạch nới lỏng chính sách tiền tệ, thậm chí có thể áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế để kiểm soát lạm phát” – chuyên gia Mousavian lưu ý thêm.

Dựa trên thẩm quyền từ Đạo luật Taft – Hartley, Tổng thống Joe Biden có thể can thiệp và buộc các công nhân tạm thời quay trở lại làm việc trong lúc công đoàn đàm phán với chủ lao động. Tuy nhiên, có rất ít khả năng người đứng đầu Nhà Trắng sẽ làm việc đó.

Hy vọng duy nhất lúc này là ILA và USMX có thể đi đến thỏa thuận để nhanh chóng khôi phục hoạt động và không gây thêm rắc rối cho nền kinh tế trước mùa vận chuyển quan trọng cho dịp nghỉ lễ.

“Điều quan trọng nhất là các hãng vận tải, bên giao hàng và người lao động phải đi đến thống nhất” – Bộ trưởng Giao thông Mỹ Pete Buttigieg phát biểu với hãng tin Bloomberg. “Thực sự không có gì thay thế được việc các cảng biển được đưa vào hoạt động” – ông Buttigieg lưu ý.

Nguyễn Phương-Link gốc

MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH

  • Tài sản bỏ tiền vào túi bạn, còn tiêu sản thì lôi tiền ra khỏi túi bạn. Để được giàu có, bạn phải mua tài sản.
  • Mời bạn cùng tìm mua đất nền tiềm năng tăng giá cao, giá trị đầu tư ban đầu thấp tại đây: https://tritininvest.com/loai-bat-dong-san/dat-nen-tay-ninh/

Bài viết liên quan

OPEC+ lục đục: Nga và một quốc gia đang cân nhắc gia nhập BRICS bất ngờ mâu thuẫn, đẩy “quyền lực thống trị giá dầu” vào tình cảnh mông lung

Trong bối cảnh thị trường dầu mỏ toàn cầu đối mặt với nhiều biến động, những căng thẳng giữa Saudi Arabia và Nga, hai thành viên chủ chốt của liên minh OPEC+, đang đẩy tổ chức này vào trạng thái bất ổn.

Tiếp tục đọc

Shell và Petronas tăng tốc các dự án dầu khí ngoài khơi tại Suriname

Shell dự kiến khoan 4 giếng dầu ngoài khơi vào năm 2025 tại lô 65, trong khi Petronas tìm kiếm nguồn tài nguyên khí mới tại lô 52 ở Suriname, nhấn mạnh tiềm năng năng lượng của quốc gia này.

Tiếp tục đọc

Doanh nghiệp vận tải ‘đón đầu’ xu hướng giao thông xanh

Nhiều doanh nghiệp vận tải taxi ở miền Trung - Tây Nguyên đã chuyển đổi từ xe chạy xăng truyền thống sang sử dụng xe điện. Bình Định cũng là địa phương tiên phong phát triển giao thông xanh, hỗ trợ các hãng taxi chuyển đổi.

Tiếp tục đọc

Tham gia thảo luận

Chat zalo với Trí Tín
Chat ngay