‘Cạnh tranh giá thép thành phẩm tại thị trường nội địa ngày càng khốc liệt hơn’

‘Cạnh tranh giá thép thành phẩm tại thị trường nội địa ngày càng khốc liệt hơn’

Việc Trung Quốc tăng xuất khẩu sẽ gia tăng áp lực lên thị trường thép thế giới và Việt Nam, đồng nghĩa cuộc chiến cạnh tranh về giá thép thành phẩm tại thị trường nội địa ngày càng khốc liệt hơn.

9 tháng, sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm toàn hệ thống VNSTEEL đạt 2,61 triệu tấn tăng 26% so với cùng kỳ năm 2023. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Ngoài sức ép cạnh tranh trong nước, thị trường nội địa còn phải chịu áp lực từ thép nhập khẩu. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản và xây dựng dân dụng chưa có sự phục hồi rõ nét, khiến thị trường thép nội địa quý 4 sẽ đối diện với cả thách thức và thuận lợi đan xen.

Đây là nhận định của ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) khi trao đổi với VietnamPlus về bức tranh của ngành thép trong những tháng cuối năm 2024.

– Xin ông cho biết những thuận lợi và khó khăn của ngành thép thế giới trong 9 tháng năm 2024 và kết quả sản xuất-kinh doanh của Tổng Công ty?

Ông Phạm Công Thảo: Có thể thấy, tình hình thế giới vẫn diễn biến phức tạp do biến động địa chính trị, dù nền kinh tế toàn cầu đã có những dấu hiệu khởi sắc nhưng tốc độ phục hồi còn chậm, mặt khác, do tác động của thiên tai đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế và xã hội của nhiều nước khiến thị trường toàn cầu nói chung và thị thép nói riêng trở nên ảm đạm.

Thực tế cho thấy, giảm giá là xu hướng chủ đạo của thị trường thép thế giới trong 9 tháng năm 2024. Đơn cử, giá một số nguyên liệu chính như: giá thép phế giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2023, giá quặng sắt giảm 4,7%, giá phôi thép giảm 7,5%, giá thép cán nóng (HRC) giảm 11%. Giá một số mặt hàng thép thành phẩm như: giá thép xây dựng giảm 10,3%, giá thép cán nguội (CRC) giảm 10,3%. Theo thống kê của Hiệp hội thép thế giới, sản lượng thép thô toàn cầu 8 tháng năm 2024 ở mức 1.251 triệu tấn, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Còn trong nước, tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng năm 2024 duy trì xu hướng tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Theo Tổng cục Thống kê, GDP 9 tháng năm 2024 ước tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,19%.

Số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy tổng tiêu thụ thép các loại trong 9 tháng vừa qua tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2023. Cũng theo VSA, tổng tiêu thụ thép xây dựng 9 tháng qua tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó tiêu thụ nội địa đạt trên 7,1 triệu tấn tăng 11,1%.

Thị trường tôn mạ năm nay khá khởi sắc nhờ đẩy mạnh xuất khẩu. Cụ thể, 9 tháng năm 2024, tổng sản lượng xuất khẩu tôn mạ đạt gần 2,4 triệu tấn, tăng mạnh 44% so với cùng kỳ năm 2023. Thị trường tôn mạ thuận lợi đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cán nguội đẩy mạnh tiêu thụ thép chính phẩm và gia công theo.

– Về giá bán các sản phẩm thép trong nước 9 tháng vừa qua có biến động như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Công Thảo: Tương tự như xu hướng thị trường thế giới, giá các mặt hàng trên thị trường thép nội địa trong 9 tháng đầu năm cũng có diễn biến giảm giá là chủ đạo và giá nguyên cho lò điện có tỷ lệ giảm ít hơn so với giá bán thép thành phẩm, điều này ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong nước. Giá thép thành phẩm giảm sâu hơn giá nguyên liệu đầu vào cho thấy áp lực cạnh tranh gay gắt về giá trên thị trường nội địa.

Ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Cũng chịu ảnh hưởng theo xu thế chung của thị trường, tổng sản lượng tiêu thụ tháng 9/2024 của toàn hệ thống Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) chỉ đạt trên 304.000 tấn. Luỹ kế 9 tháng, sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm toàn hệ thống VNSTEEL đạt 2,61 triệu tấn tăng 26% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó sản lượng tiêu thụ thép cán nguội đạt hơn 570 nghìn tấn và tôn mạ đạt hơn 344.000 tấn với mức tăng trưởng lần lượt là 66,2% và 71,5%. Thép cán dài đạt gần 1,7 triệu tấn tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023.

– Tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng đã có nhiều khởi sắc. Vậy với ngành thép, ông dự báo thế nào về tiêu thụ mặt hàng này các tháng cuối năm 2024?

Ông Phạm Công Thảo: Ngoài các biến động về địa chính trị, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục hạ lãi suất vẫn chưa rõ ràng, lãi suất USD thế giới neo ở mức cao. Các yếu tố khác như gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu do xung đột tại một số khu vực; các tác động từ kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới cũng sẽ tác động tới thị trường thế giới nói chung và thị trường thép nói riêng.

Bên cạnh đó các thị trường xuất khẩu của Việt Nam như EU, Mỹ tiếp tục đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại và các rào cản liên quan đến vấn đề về môi trường, tình hình thời tiết diễn biến cực đoan cũng là yếu tố tác động tới thị trường thép.

Theo thông lệ, thị trường dịp quý 4 hàng năm thường sẽ phục hồi cả về giá và nhu cầu nhưng với diễn biến khó lường hiện nay, công tác nhận định thị trường sẽ gặp nhiều bất lợi, gây ảnh hưởng cho công tác chuẩn bị kế hoạch điều hành sản xuất tại các doanh nghiệp thép.

Sản xuất thép tại Công ty Tisco. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Trong khi đó, các nhà sản xuất thép Trung Quốc tiếp tục tăng cường xuất khẩu sẽ gia tăng áp lực lên thị trường thép thế giới và khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đồng nghĩa với cuộc chiến cạnh tranh về giá thép thành phẩm tại thị trường nội địa sẽ ngày càng khốc liệt hơn.

Mặt khác, thị trường bất động sản và xây dựng dân dụng chưa có sự phục hồi rõ nét, khiến thị trường thép nội địa các tháng cuối năm sẽ đối diện với nhiều khó khăn, thách thức hơn là thuận lợi.

Trên cơ sở quan điểm, định hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và các cơ quan quản lý cấp trên, Tổng công ty Thép Việt Nam tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 27/8/2024 về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước thông qua các nhiệm vụ và giải pháp về tập trung đổi mới quản trị, nâng cao sức cạnh tranh, tiết giảm chi phí, hạ giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

Lãnh đạo Tổng Công ty cũng chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên phối hợp tăng cường sử dụng nguyên liệu, sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất trong nước (đặc biệt là các nguyên liệu, sản phẩm mà trong hệ thống Tổng công ty đã sản xuất được).

Cùng với đó, xây dựng kế hoạch sản xuất-kinh doanh hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, tập trung khai thác tối đa khu vực thị trường trong nước, đồng thời, các đơn vị trong toàn hệ thống tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh công tác phối hợp trong chuỗi cung ứng và tiêu thụ để phát huy sức mạnh hệ thống tối đa, phấn đấu hoàn thành tốt nhất các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất-kinh doanh năm 2024.

– Xin trân trọng cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Xuân Quảng-Link gốc

MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH

  • Tài sản bỏ tiền vào túi bạn, còn tiêu sản thì lôi tiền ra khỏi túi bạn. Để được giàu có, bạn phải mua tài sản.
  • Mời bạn cùng tìm mua đất nền tiềm năng tăng giá cao, giá trị đầu tư ban đầu thấp tại đây: https://tritininvest.com/loai-bat-dong-san/dat-nen-tay-ninh/

Bài viết liên quan

Thị trường bất động sản tại Hà Nội: Chung cư vào “sóng” mới, đất nền giảm hấp dẫn

Đón đầu cơ hội tăng trưởng thị trường căn hộ trên địa bàn thành phố Hà Nội, với lượng hấp thụ lên tới 80-90%, nhiều chủ đầu tư đã ra hàng ngay từ quý IV-2024, thay vì năm 2025 như kế hoạch.

Tiếp tục đọc

Cơ chế hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Mỹ phát huy hiệu quả trong năm 2024

Các cơ chế hợp tác hiện nay về kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Mỹ đang được vận dụng tương đối hiệu quả, tích cực, chủ động, đáp ứng được những nhiệm vụ đề ra trong mối quan hệ song phương.

Tiếp tục đọc

Năm 2024, thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt khoảng 420 nghìn tỷ đồng

Tổng cục Hải quan cho biết, thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2024 dự kiến đạt 418.000 - 420.000 tỷ đồng, bằng 111,5 % - 112 % dự toán được giao, tăng 13,4% - 13,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Tiếp tục đọc

Tham gia thảo luận

Chat zalo với Trí Tín
Chat ngay