Doanh nghiệp ‘nhức đầu’ vì giá điện tăng
Việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 4,8% kể từ ngày 11-10 đang tạo ra áp lực không nhỏ cho các doanh nghiệp sản xuất, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn và đơn hàng giảm sút.
Tăng giá điện từ 11-10 đang tạo ra áp lực lớn cho các doanh nghiệp sản xuất – Ảnh: CÔNG TRUNG
Lo tăng chi phí sản xuất
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online vào sáng 12-10, ông Lê Mai Hữu Lâm – tổng giám đốc Công ty Cát Vạn Lợi – cho biết khi giá điện tăng tác động mạnh mẽ đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp.
Trong thời điểm đơn hàng vẫn chưa phục hồi và thị trường đang đối mặt với nhiều khó khăn, việc chi phí điện tăng sẽ khiến giá thành sản phẩm leo thang, đẩy các doanh nghiệp vào thế khó.
Ông Lâm chia sẻ rằng các doanh nghiệp đang buộc phải cạnh tranh khốc liệt để duy trì thị phần. Họ không thể dễ dàng tăng giá bán do sợ mất khách hàng, trong khi chi phí sản xuất ngày càng cao.
Việc tiết giảm tối đa các chi phí, tối ưu hóa quy trình sản xuất là lựa chọn bắt buộc, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời.
Ông Lâm cũng nhấn mạnh căng thẳng chính trị toàn cầu có thể đẩy giá nhiên liệu lên cao hơn nữa, khiến chi phí đầu vào tiếp tục tăng, gây thêm gánh nặng cho các nhà sản xuất.
“Giá điện tăng gần 5% buộc chúng tôi phải thắt chặt chi tiêu, tối ưu quy trình. Nhưng về lâu dài, doanh nghiệp phải chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo để bớt phụ thuộc vào giá điện biến động” – ông Lâm phân tích.
Nhiều doanh nghiệp cảng biển sẽ bị tăng thêm chi phí điện, một số phương tiện như cẩu container thường sử dụng điện 3 pha hoạt động liên tục – Ảnh: Q.ĐỊNH
Qua trao đổi với Tuổi Trẻ Online, nhiều doanh nghiệp đều nhìn nhận sẽ tăng thêm chi phí, song tùy quy mô và ngành nên tác động sẽ khác nhau.
Ông Nguyễn Thành Trung – lãnh đạo doanh nghiệp logistics tại TP.HCM – cho rằng ở lĩnh vực kho bãi sẽ không tăng đáng kể chi phí điện, mỗi tháng thêm vài triệu sẽ không đáng kể. Tuy nhiên, với các thiết bị sử dụng điện nhiều như cẩu container ở cảng biển dùng điện 3 pha, chi phí mỗi tháng sẽ tăng lên khá nhiều.
Trong bối cảnh thị trường chưa hồi phục, nhiều doanh nghiệp không chỉ đối mặt với việc tăng chi phí sản xuất, mà còn bị ảnh hưởng bởi việc thiếu thông tin rõ ràng về lộ trình tăng giá.
Với doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu, tăng giá điện khiến họ gặp khó. Ông Nguyễn Tuấn Nam – giám đốc một doanh nghiệp sản xuất tại TP.HCM – nói dù doanh nghiệp đã có dự phòng cho việc tăng giá điện, nhưng vẫn khá bất ngờ khi không có thông tin chính xác về lộ trình điều chỉnh.
Với đơn hàng thường được đàm phán trong khoảng 3-6 tháng, việc giá điện tăng không có cảnh báo trước gây khó khăn trong việc tính toán chi phí.
“EVN cần có lộ trình tăng giá rõ ràng để doanh nghiệp chủ động trong kế hoạch sản xuất và xuất khẩu. Tình trạng tăng giá đột ngột như thế này khiến doanh nghiệp rất khó xoay xở”, ông Nam nói.
Việc không có thông tin cụ thể về lộ trình khiến các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu, khó điều chỉnh hợp đồng và kế hoạch sản xuất kịp thời.
Sự ổn định về nguồn cung cấp điện là điều doanh nghiệp quan tâm nhất, bởi cúp điện đột ngột gây thiệt hại nhiều hơn việc giá điện tăng – Ảnh: CÔNG TRUNG
Tìm các giải pháp tiết kiệm điện
Trong khi đó ông Trương Công Vũ, tổng giám đốc Global Energy, cho rằng với việc EVN đang lỗ và điều chỉnh giá điện định kỳ mỗi ba tháng, khả năng giá điện tiếp tục tăng trong tương lai là rất cao. Đối với những doanh nghiệp tiêu thụ nhiều điện năng, họ cần sớm tìm ra các giải pháp tiết kiệm điện. Chẳng hạn, sử dụng năng lượng mặt trời để giảm bớt áp lực về chi phí dài hạn.
Ông Vũ cũng chỉ ra rằng các doanh nghiệp đạt được chứng chỉ xanh không chỉ có lợi thế về tiết kiệm chi phí, mà còn mở ra nhiều cơ hội cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế. Đây không chỉ là yêu cầu của thời đại, mà còn là một lợi thế dài hạn trong bối cảnh các tiêu chuẩn bền vững ngày càng được chú trọng.
Không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng tài chính mạnh để đối phó với tình trạng tăng giá điện.
Giám đốc sản xuất của một công ty giày da cho biết việc giá điện tăng 4,8% đã làm đội chi phí vận hành của công ty lên rất nhiều, đặc biệt là trong bối cảnh sản lượng đã giảm tới 70%. “Chúng tôi vẫn phải sử dụng lượng điện tương tự như trước, nhưng sản lượng sụt giảm nghiêm trọng khiến chi phí vận hành trở nên quá cao”, vị này chia sẻ.
Công ty của ông đã phải cắt giảm công suất và điều chỉnh quy trình sản xuất để phù hợp với tình hình thực tế, nhưng điều này vẫn chưa đủ.
Vị giám đốc cho biết thêm việc đầu tư nâng cấp máy móc, tái cấu trúc hoặc chuyển sang các giải pháp năng lượng thay thế đòi hỏi nguồn lực tài chính rất lớn, điều mà nhiều doanh nghiệp hiện nay chưa thể đáp ứng được.
Doanh nghiệp sợ cúp điện không báo trước
Ông Nguyễn Văn Khánh – phó chủ tịch thường trực Hội Da giày TP.HCM – cũng bày tỏ lo ngại rằng việc tăng giá điện sẽ khiến toàn bộ chi phí sản xuất của các doanh nghiệp da giày tăng lên, tạo thêm gánh nặng cho một ngành đã phải đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian qua.
Trong khi đó ông Phạm Quang Anh, giám đốc Công ty TNHH may mặc Dony, nhấn mạnh rằng dù chi phí điện trong ngành may mặc không chiếm tỉ trọng lớn, nhưng sự tăng giá điện và nhiên liệu có tác động lan tỏa, gây áp lực lên giá nguyên liệu và chi phí khác.
“Điều chúng tôi lo lắng nhất không phải là giá điện tăng, mà là tình trạng cúp điện đột ngột. Một ngày mất điện không báo trước có thể gây thiệt hại kinh tế lớn hơn nhiều so với việc giá điện tăng”, ông Quang Anh nhận định.
Ông cho rằng nếu việc tăng giá điện đồng hành với sự cải thiện về ổn định nguồn cung, doanh nghiệp sẽ sẵn sàng chấp nhận mức tăng.
Một hệ thống điện ổn định, không bị ngắt quãng sẽ mang lại lợi ích lớn hơn so với việc giữ giá điện rẻ nhưng lại phải đối mặt với tình trạng mất điện thường xuyên.
Đồ họa: TTXVN
NGỌC HIỂN – NHẬT XUÂN – CÔNG TRUNG
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận