7-Eleven đóng cửa 444 chi nhánh: Chuyện gì đang xảy ra với chuỗi siêu thị tiện lợi lớn nhất thế giới?
Phải chăng xu thế trả mặt bằng của các chuỗi kinh doanh đã lan đến thương hiệu nổi tiếng Nhật Bản?
Hãng tin CNN cho hay công ty mẹ Seven & I Holdings của chuỗi siêu thị 7-Eleven trong báo cáo tài chính mới nhất đã tuyên bố đóng cửa 444 chi nhánh vì doanh số giảm, lượng khách đi xuống, áp lực lạm phát và đặc biệt là lượng người mua thuốc lá giảm.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, mô hình kinh doanh dần lỗi thời của 7-Eleven mới là nguyên nhân chính khi nhiều người đến đây không phải vì hết thứ gì hay cần mua gấp thực phẩm gì mà chỉ để giải trí, thư giãn trong lúc bơm xăng hoặc đơn giản là để mua thứ gì đó không quan trọng.
Điều này khiến chiến lược phủ sóng dọc các trạm xăng ở Bắc Mỹ hay len lỏi vào từng ngóc ngách ở các thị trường Châu Á trở nên bất hợp lý. Chi phí mặt bằng tăng cao cùng sự sụt giảm tiêu dùng khiến 7-Eleven hụt hơi trong cuộc đua cùng các siêu thị khác.
Hiện 7-Eleven có hơn 13.000 cửa hàng trên toàn nước Mỹ, Canada và Mexico, qua đó giữ ngôi vị chuỗi siêu thị tiện lợi lớn nhất thế giới. Bởi vậy việc đóng cửa này chỉ chiếm 3% tổng số chi nhánh.
Tuy nhiên thông tin này cũng gây lo lắng cho thị trường bởi trong báo cáo tài chính, Seven & I Holdings thừa nhận nền kinh tế Mỹ dù đang phục hồi mạnh mẽ nhưng người tiêu dùng lại vẫn hạn chế chi tiêu do lạm phát dai dẳng, lãi suất cao còn cơ hội việc làm thì xấu đi.
Những yếu tố trên đã khiến lượng khách đến 7-Eleven giảm 7,3% vào tháng 8/2024, đánh dấu 6 tháng giảm lưu lượng khách liên tiếp.
Ngoài ra, doanh số thuốc lá vốn là mặt hàng bán chạy nhất của mảng siêu thị tiện lợi cũng đã giảm 26% kể từ năm 2019.
Đặc biệt việc Couche-Tard nâng giá đấu thầu thu mua lại 7-Eleven lên 47,2 tỷ USD càng khiến nhiều chuyên gia lo lắng hơn cho tình hình của chuỗi siêu thị này.
Xin được nhắc 7-Eleven không chỉ là chuỗi siêu thị tiện lợi lớn nhất thế giới mà còn là một biểu tượng của Nhật Bản, tương tự như tượng đài Toshiba trong mảng điện tử. Nhiều chuyên gia cho rằng chính quyền Tokyo sẽ phải xem xét rất kỹ lưỡng tác động của việc bán 7-Eleven cho người nước ngoài.
Trước tình hình trên, phía 7-Eleven cho biết sẽ chuyển hướng kinh doanh, chuyển từ hợp tác với các trạm xăng để bán thuốc lá sang đầu tư cho thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm tươi.
Thế nhưng, chiến lược này cũng vấp phải nhiều nghi vấn.
Định vị thương hiệu
“Chúng tôi tin rằng chúng tôi cần thay đổi mô hình kinh doanh của mình từ dựa vào các trạm xăng và bán thuốc lá sang mô hình siêu thị mà khách hàng lựa chọn chúng tôi dựa trên sản phẩm khác. Chìa khóa cho sự thay đổi này là thực phẩm tươi”, giám đốc điều hành Ryuichi Isaka của Seven & I Holdings cho biết.
Cổ phiếu Seven & I Holdings có thành tích kém hơn so với mức bình quân thị trường
Ít ai ngờ rằng chuỗi siêu thị tiện lợi lớn nhất thế giới với 72 tỷ USD doanh số năm 2023 lại đang phải tìm cách chuyển đổi mô hình kinh doanh sau nhiều năm thành công với chiến lược dựa vào các trạm xăng ở Mỹ.
Trên thực tế, doanh số bán thuốc lá đã giảm trong nhiều thập kỷ. Suốt 20 năm qua, doanh số mặt hàng này đã giảm hơn một nửa trong khi doanh số bán xăng chỉ giảm nhẹ. Dẫu vậy, quá trình chuyển đổi sang xe Hybrid và xe điện vẫn đang diễn ra nên mô hình dựa vào trạm xăng bán thuốc lá của 7-Eleven đã không còn hiệu quả.
Điều này cũng tương tự như ở các thị trường Châu Á khác. Thương hiệu 7-Eleven từng dùng chiến lược phủ sóng rộng khắp để tạo sự “tiện lợi” hết mức cho khách hàng ở bất kỳ đâu trong thành phố. Thế nhưng khi kinh tế dần khó khăn, mô hình kinh doanh này bắt đầu gặp vấn đề với chi phí mặt bằng tăng cao, giá sản phẩm không đủ thấp để cạnh tranh và dần mất khách.
Tại quê hương Nhật Bản, 7-Eleven thậm chí chỉ còn là biểu tượng và là điểm đến giải trí thay vì hoạt động như một siêu thị đúng nghĩa. Chuỗi bán lẻ này chỉ là lựa chọn cuối cùng trong danh sách cung ứng thực phẩm, đồ uống với giá cả phải chăng, đa dạng hàng hóa với dịch vụ giao hàng.
Tờ Inc nhận định người Nhật Bản giờ đây đến 7-Eleven không phải vì hết thứ đồ gì đó hay đang cần gấp loại thực phẩm nào mà chỉ đơn giản là đến giải trí, mua sắm những thứ không thực sự quan trọng.
Quay trở lại với chiến lược chuyển đổi tập trung đầu tư sang thực phẩm tươi tại Mỹ, nhiều chuyên gia lo ngại kế hoạch của 7-Eleven khó thành công bởi trên thực tế khó lòng khiến khách hàng mua nhiều thực phẩm hơn tại đây.
Định vị thương hiệu của 7-Eleven tại Mỹ không phải là một siêu thị để khách hàng mua thực phẩm với mức giá cạnh tranh hay tìm kiếm các món đồ nhu yếu phẩm như Walmart hay Costco. Do đó để tạo lý do cho người tiêu dùng mua thêm thực phẩm ở đây là điều khó làm.
7-Eleven đóng góp doanh thu chính cho công ty mẹ Seven & I Holdings
Năm 2023, tổng doanh số của 7-Eleven tại Mỹ là 17 tỷ USD, trong đó gần ¼ đến từ 315 triệu tách cà phê, 153 triệu ly si rô đá bào, 99 triệu chiếc pizza, 100 triệu chiếc xúc xích. Bởi vậy chuỗi siêu thị này kỳ vọng sẽ bán được nhiều thực phẩm hơn nữa do nhu cầu của chúng không dễ giảm như xăng hay thuốc lá.
Đây là lý do 7-Eleven đang hợp tác với nhà cung cấp thực phẩm Warabeya nhằm tạo nên chuỗi cung ứng đồ tươi sống nhiều lần trong ngày.
Thế nhưng theo tờ Inc, nhận thức về định vị thương hiệu của khách hàng không dễ thay đổi. Mọi người sẽ dừng ở 7-Eleven để uống cà phê, mua đồ ăn vặt nhưng khi nói đến thực phẩm tươi, họ sẽ nghĩ đến những cái tên khác.
Cái giá của phủ sóng nhiều
Chiến lược phủ sóng nhiều của 7-Eleven từng đem lại thành công cho chuỗi siêu thị tiện lợi này, nhưng chính điều đó đang trở thành bất lợi khi hãng muốn chuyển đổi tập trung đầu tư.
Đầu tiên, thay đổi chuỗi cung ứng hậu cần là một khó khăn lớn khi 7-Eleven muốn tập trung nhiều hơn vào thực phẩm tươi. Dù hãng có bộ dữ liệu khổng lồ thông qua các chi nhánh và hơn 95 triệu khách hàng thành viên thì việc đảm bảo cân bằng được chuỗi cung ứng cho số lượng khổng lồ các siêu thị cũng là vấn đề không đơn giản.
Tiếp đó, vấn đề giao hàng là thách thức thứ 2. Mảng giao hàng đang phát triển nhanh nhờ có lợi nhuận cao hơn nhưng người tiêu dùng không định vị thương hiệu 7-Eleven như một nơi bán hàng trực tuyến. Thay vào đó, mọi người chỉ đơn giản đến thẳng siêu thị được phủ sóng rộng khắp của 7-Eleven hoặc trong lúc bơm xăng để mua đồ.
Một vấn đề nữa là khả năng bảo trì khi rất nhiều chi nhánh 7-Eleven xuống cấp hoặc không kham nổi tiền thuê mặt bằng trong bối cảnh hiện nay.
Rất rõ ràng khi số trạm xăng và doanh số bán thuốc lá giảm thì 7-Eleven cần một phương án thay thế, đó là thực phẩm. Thế nhưng liệu kế hoạch này có thành công hay không thì cần thời gian mới trả lời được.
*Nguồn: CNN, Inc
Băng Băng
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận