Chính sách thuế với đồ uống có cồn: Cần nghiên cứu kỹ lộ trình tăng
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, đối với bia và rượu trên 20 độ, phương án 2 đề xuất tăng thuế từ mức 65% hiện tại lên 80% ngay từ 2026 và mỗi năm tăng đều đặn 5% để lên mức 100% vào 2030.
2 phương án đánh thuế với đồ uống có cồn
Sáng 15/10, tại tọa đàm “Đối thoại chính sách: Phục hồi tăng trưởng – Triển vọng và Thách thức” của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức, các chuyên gia đã có phiên thảo luận về cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn.
Sau 8 năm kể từ lần sửa đổi gần nhất vào 2016, năm nay, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội trong Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024 và thông qua tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2025.
Đáng chú ý tại dự thảo này, về mức thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia, cơ quan soạn thảo là Bộ Tài chính đề xuất quy định áp thuế suất theo tỉ lệ %, tăng theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030.
Phiên thảo luận về Cải cách Thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn (Ảnh: VEPR).
Đối với bia và rượu trên 20 độ, phương án 1 đề xuất tăng từ mức 65% hiện tại lên 70% vào năm 2026 và mỗi năm sau đó đều đặn tăng thêm 5% để đạt mức thuế suất 90% vào năm 2030. Phương án 2 đề xuất tăng từ mức 65% hiện tại lên 80% ngay từ 2026 và mỗi năm tăng đều đặn 5% để lên mức 100% vào 2030.
Đối với rượu dưới 20 độ, phương án 1 đề xuất tăng từ mức hiện tại 35% lên 40% vào năm 2026, và tăng lên 60% vào năm 2030. Phương án 2 đề xuất tăng từ mức hiện tại 35% lên 50% vào năm 2026 và tăng lên 70% vào năm 2030.
Dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của nhiều doanh nghiệp, chuyên gia.
Tuy nhiên, cũng còn không ít ý kiến khác nhau liên quan đến một số quy định cụ thể như lộ trình tăng thuế, mức thuế suất và phương pháp tính thuế đối với các sản phẩm đồ uống có cồn.
Mức tăng cần sát với tình hình thực tế trên thị trường
Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát (VBA) cho biết các tác động kéo dài hậu Covid-19 và việc thực thi quyết liệt Nghị định 100 xử lý vi phạm nồng độ cồn khi lái xe mặc dù tạo được hiệu ứng rất tốt trong xã hội, nhưng đồng thời cũng tạo ra tác động kép khiến các doanh nghiệp rượu bia bị thiệt hại nặng nề.
Năm 2020, thị trường tiêu thụ bia rượu giảm khoảng 30%. Gần đây, các xung đột địa chính trị thế giới kéo giá nguyên nhiên liệu, chi phí logistics tăng đột biến khiến doanh thu ngành bia rượu sụt giảm hàng chục nghìn tỷ đồng năm 2023.
Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, thậm chí đóng cửa nhà máy, cắt giảm hàng nghìn lao động, tạo sức ép lớn lên ngân sách địa phương và an sinh xã hội.
Trước thực trạng này, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát (VBA) đã đề xuất giãn thời gian áp dụng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thêm 1 năm và giảm mức thuế suất tối đa là 80% vào năm 2031 thay vì 100% như đề xuất của Bộ Tài chính.
Phát biểu tại Tọa đàm, bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam cho biết vấn đề cải cách thuế ngành đồ uống là một chuỗi cung ứng gán liền với dịch vụ ăn uống, du lịch. Vì vậy, nếu có tăng thì mức tăng như nào và lộ trình tăng cũng cần nghiên cứu kỹ, sát với tình hình thực tế trên thị trường.
Bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam (Ảnh: VEPR).
“Nếu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt nhanh quá sẽ dẫn đến tình trạng phản ứng ngược tới thị trường. Với những người có mức thu nhập thấp và trung bình, nếu giá thành tăng thì họ sẽ tìm tới những nguồn hàng giá rẻ hơn như nhập lậu, hàng gia công kém chất lượng. Từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và gây mất kiểm soát thị trường”, bà Cúc nhấn mạnh.
Theo TS. Nguyễn Thị Minh Thảo – Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), mục tiêu của việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn là làm hạn chế hành vi của người tiêu dùng và đảm bảo cân đối nguồn thu ngân sách Nhà nước.
TS. Nguyễn Thị Minh Thảo – Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Ảnh: VEPR).
Tuy nhiên, năm đầu tiên thuế tăng nhưng thuế thu nhập doanh nghiệp giảm. Tình hình sản xuất của doanh nghiệp, khấu hao tài sản giảm kéo theo lợi nhuận doanh nghiệp giảm. Từ đó, dẫn đến nguồn nộp thuế từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ giảm.
Đặc biệt điều này sẽ tác động tới thu nhập của người lao động. Khi cắt giảm sản xuất thì sẽ phải kéo theo cắt giảm người lao động. Từ đó ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động và ước tính thu nhập sẽ giảm thiểu gần 2.000 tỷ đồng.
“Như vậy, nguồn thu từ việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cũng không bù lại được những tổn hại trong nền kinh tế, liên quan đến lợi nhuận, liên quan đến thu nhập của người lao động hướng đến giá trị gia tăng của nền kinh tế cũng như GDP”, bà Thảo nêu rõ.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận