MWG: Thăng trầm những mô hình bán lẻ
Chủ tịch MWG cho rằng doanh nghiệp sẽ cần hai năm nữa để về lại mức lợi nhuận kỷ lục gần 5.000 tỷ đồng của năm 2021. Công ty vẫn đang trong lộ trình hiện thực hoá mục tiêu doanh thu 10 tỷ USD.
CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán MWG) là một trong các doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024. Trong 6 tháng đầu năm, MWG mang về tổng doanh thu 65.621 tỷ đồng, tăng 16% so với nửa đầu năm 2023; lợi nhuận sau thuế đạt 2.075 tỷ đồng, gấp 53 lần. Với kết quả này, công ty đã hoàn thành 52% kế hoạch doanh thu (125.000 tỷ đồng, tương ứng 5 tỷ USD) và 86% kế hoạch lợi nhuận sau thuế (2.400 tỷ đồng) đặt ra cho cả năm 2024.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch MWG tại buổi họp nhà đầu tư giữa tháng 8 vừa qua, nhu cầu tiêu dùng trong năm 2025 sẽ tốt hơn năm 2024 giúp thúc đẩy ngành bán lẻ. Với tốc độ tăng trưởng 15-30% mỗi năm, MWG sẽ cần hai năm nữa để về lại mức lợi nhuận kỷ lục (xấp xỉ 5.000 tỷ đồng) của năm 2021. “MWG vẫn đang trong lộ trình hiện thực hóa mục tiêu doanh thu 10 tỷ USD, đòi hỏi Bách hoá Xanh phải phát triển mạnh mẽ, cộng thêm đó là vài mô hình kinh doanh mới khác,” ông Nguyễn Đức Tài nói về tầm nhìn dài hạn của MWG.
MWG được sáng lập bởi doanh nhân Nguyễn Đức Tài (SN 1969). Ông có bằng cử nhân ngành Tài chính – Kế toán, bằng Thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh.
Từ siêu thị đầu tiên ở số 89A Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TP HCM) mở năm 2005, MWG dần nhân rộng các cửa hàng điện thoại ra khắp các tỉnh, thành và còn “lấn sân” các mảng bán lẻ khác như điện máy, bách hoá, nhà thuốc, mẹ và bé… Giai đoạn đỉnh cao lợi nhuận năm 2021 (gần 5.000 tỷ đồng), MWG có 970 siêu thị Thế giới di động trên toàn quốc; 2.106 cửa hàng Bách hoá Xanh. Điện máy Xanh có 1.992 siêu thị trên toàn quốc, trong đó có 800 cửa hàng mô hình supermini.
Đi cùng với việc tăng tốc mở rộng quy mô, doanh thu và lợi nhuận của MWG cũng liên tục tăng trưởng. Công ty đạt mức doanh thu hơn 100.000 tỷ đồng vào năm 2019, gấp 7 lần năm 2014. Năm 2015, lần đầu tiên công ty đạt mức lợi nhuận ròng hơn 1.000 tỷ đồng, gấp 8 lần năm 2012. Đỉnh cao là năm 2021, công ty đạt lợi nhuận gần 5.000 tỷ đồng, với mức doanh thu hơn 122.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên không phải mô hình nào của MWG cũng thành công và sự tăng trưởng như một con đường bằng phẳng. Sau giai đoạn đỉnh cao năm 2021, MWG bước vào thời kỳ suy thoái do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và sự bão hoà của thị trường điện thoại, điện máy. Doanh thu năm 2022 vẫn đạt mức đỉnh 133.000 tỷ đồng nhưng lợi nhuận đi xuống mức 4.100 tỷ đồng, do công ty phải chi nhiều hơn cho các hoạt động thu hút khách hàng. Năm 2023 còn tồi tệ hơn khi MWG phát động cuộc chiến giá rẻ để tranh giành thị phần. Doanh thu của công ty vẫn đạt mức hơn 118.000 tỷ đồng nhưng lợi nhuận lao dốc chỉ còn 168 tỷ đồng.
Bách hoá Xanh dù mở rộng quy mô nhưng vận hành chưa tối ưu lên liên tục thua lỗ, với số lỗ luỹ kế lên đến hơn 8.600 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2023. Chuỗi nhà thuốc An Khang cũng tương tự với số lỗ lũy kế hơn 660 tỷ đồng. Chuỗi điện máy tại Campuchia lỗ luỹ kế hơn 703 tỷ đồng và đã phải đóng cửa vào năm 2023.
Trước nguy cơ trượt dài, MWG đã phải nhanh chóng lên chiến lược tái cấu trúc, xác định “con cưng” trong giai đoạn tới là chuỗi bách hóa, còn hai chuỗi điện máy tối ưu lợi nhuận bằng việc đóng cửa các cửa hàng kém hiệu quả. Tại thời điểm cuối tháng 8/2024, chuỗi Thế giới di động (bao gồm Topzone) của MWG còn 1.023 cửa hàng, giảm 157 cửa hàng so với thời điểm cuối tháng 6/2023. Chuỗi Điện máy Xanh cũng giảm 258 cửa hàng so với cuối tháng 6/2023, còn 2.031 cửa hàng.
Với chuỗi nhà thuốc An Khang liên tục thua lỗ, MWG cũng đang thu hẹp quy mô. Riêng trong 3 tháng (6,7,8/2024), 210 nhà thuốc đã đóng cửa, đưa số lượng xuống còn 326 cửa hàng. MWG dự kiến số lượng nhà thuốc cuối năm 2024 dự kiến sẽ còn khoảng 300 cửa hàng.
Với Bách hoá Xanh, MWG tiến hành cơ cấu lại hệ thống cửa hàng trong năm 2022-2023, với sự điều hành trực tiếp của ông Nguyễn Đức Tài. Chuỗi đã đạt lợi nhuận cấp độ cửa hàng vào cuối năm 2023 và có lãi 7 tỷ đồng trong quý 2/2024. Chuỗi cũng mở mới trở lại từ tháng 6/2024 và đặt mục tiêu mở mới ít nhất 50-100 cửa hàng trong năm nay.
MWG còn đang đặt kỳ vọng lớn vào EraBlue – chuỗi điện máy liên doanh với Erafone Artha Retailindo (công ty con của Tập đoàn Erajaya) tại thị trường Indonesia. Tại thời điểm cuối tháng 8/2024, EraBlue có 71 cửa hàng, có lợi nhuận cấp độ công ty trước quý 4 năm nay. Kế hoạch của chuỗi liên doanh này là đạt 500 cửa hàng vào năm 2027 và sẽ IPO khi đủ điều kiện.
Giữa tháng 8 vừa qua, MWG đã giải thể Thế giới số Trần Anh, sau 6 năm thâu tóm chuỗi điện máy từng nổi tiếng thị trường miền Bắc. Trước đó không lâu, MWG cũng đã giải thể hai công ty con khác là Logistics Toàn Tín (thành lập năm 2021) và 4K Farm (thành lập năm 2020).
Các ngành hàng công ty đã “khai tử” là mắt kính, chuỗi điện thoại siêu rẻ, trang thương mại điện tử vuivui.com, AVAFashion – chuỗi thời trang gia đình, chuỗi trang sức AVAJi, chuỗi đồ thể thao AvaSport…
NỘI DUNG: PHẠM NGỌC; THIẾT KẾ: THU TRANG
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận