Thị trường dầu mỏ đi qua ‘bão tố Trung Đông’

Thị trường dầu mỏ đi qua ‘bão tố Trung Đông’

Căng thẳng địa chính trị tại các khu vực giàu dầu mỏ thường là nguyên nhân khiến giá dầu tăng mạnh. Chẳng hạn cuộc xung đột Nga – Ukraine bùng phát năm 2022 đã đẩy giá dầu tăng vượt ngưỡng 100 USD/thùng.

Nhưng bất chấp chiến sự đang leo thang tại Trung Đông và các cuộc tấn công vào hoạt động vận tải biển ở Biển Đỏ trong thời gian qua, thị trường dầu mỏ dường như không diễn biến theo xu hướng tương tự.

Vòi bơm dầu tại một cây xăng ở Tehran, Iran. Ảnh: IRNA/TT

Diễn biến ngược chiều lịch sử

Khi các lực lượng Israel, Anh và Pháp tấn công Ai Cập vào năm 1956 khiến Kênh đào Suez bị chặn, cả Anh và Pháp đều phải áp dụng chế độ phân phối xăng dầu trong nước. Trong cuộc chiến năm 1973, một cuộc tẩy chay của người Arập đã khiến giá dầu tăng hơn gấp đôi. Cuộc cách mạng năm 1979 của Iran cũng khiến giá dầu toàn cầu tăng gấp đôi. Giá dầu cũng đạt đỉnh trong thời gian ngắn khi xung đột giữa Iraq và Kuwait xảy ra vào năm 1990.

Cuộc khủng hoảng địa chính trị tại dải Gaza ban đầu cũng diễn ra theo hướng quen thuộc: Sau khi xảy ra xung đột Israel-Hamas vào ngày 7/10/2023, giá dầu đã tăng vọt từ khoảng 70 USD/thùng lên hơn 90 USD/thùng. Tuy nhiên, chưa đầy hai tuần sau đó giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ đã giảm trở lại dưới 74 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Brent lại hạ xuống dưới 80 USD/thùng.

Giá dầu đã tăng khoảng 2,5% sau khi Iran phóng một loạt tên lửa tấn công Israel vào ngày 1/10 vừa qua. Israel đe dọa trả đũa và Iran có thể sẽ đáp trả. Về cơ bản diễn biến này cho thấy cuộc xung đột ở Trung Đông đang lan rộng. Tuy nhiên, tác động của diễn biến đó tới giá dầu lại không lớn như dự báo, khi giá “vàng đen” chỉ tăng rất ít, và nó phản ánh niềm tin của thị trường rằng dòng dầu mỏ Trung Đông vẫn tiếp tục chảy ngay cả khi căng thẳng địa chính trị leo thang. 

Các bên tham chiến trong khu vực Trung Đông có thể muốn trả đũa lẫn nhau, nhưng mong muốn của hầu hết các nước là ngăn chặn sự gián đoạn nguồn cung dầu mỏ, điều có thể khiến giá dầu tăng vọt. Tại Mỹ, nơi một số người suy đoán rằng một cuộc xung đột ở Trung Đông lan rộng hơn có thể là một “bất ngờ không mong muốn của tháng 10”, dẫn tới nguy cơ gián đoạn nguồn cung năng lượng và đẩy giá xăng dầu tăng vọt. Điều này ảnh hưởng đến cơ hội tranh cử của Phó Tổng thống Kamala Harris. 

Kịch bản trên có khả năng xảy ra. Nhưng kịch bản nhiều khả năng xảy ra hơn là xung đột giữa Israel và Iran, cũng như các quốc gia hoặc phe phái liên minh với mỗi bên, sẽ không dẫn tới một cuộc chiến năng lượng.

Đi tìm lời giải 

Một cơ sở khai thác dầu của Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Để lý giải vì sao thị trường dầu mỏ không diễn biến như những gì lịch sử từng ghi nhận phải đề cập tới những nguyên nhân sau:

Đầu tiên, đồng minh quan trọng nhất của Israel là Mỹ chắc chắn đang gây áp lực buộc giới lãnh đạo Israel không tấn công các cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran. Lý do là trong cuộc đối đầu trực diện với Iran, Israel sẽ cần sự trợ giúp của Mỹ hơn bao giờ hết, bao gồm cả tình báo, hỗ trợ quân sự phòng thủ, các thiết bị vũ trang và đoàn kết ngoại giao. Đổi lại, Israel ít nhất có thể loại các cơ sở dầu mỏ của Iran khỏi danh sách mục tiêu.

Iran chỉ cung cấp khoảng 1,5% sản lượng dầu của thế giới. Nhưng giá dầu có thể biến động mạnh do những thay đổi nhỏ về nguồn cung và nếu dầu của Iran biến mất khỏi thị trường, giá sẽ tăng cao hơn 2,5%, do lo ngại về sự gián đoạn chứ không phải tình trạng gián đoạn thực tế. Nếu Iran không thể xuất khẩu dầu được nữa, nước này sẽ có động cơ mạnh mẽ hơn nhiều để tấn công các nhà sản xuất dầu khác bằng cách cố gắng đóng cửa eo biển Hormuz, điều mà hải quân của nước này có thể thực hiện trong một thời gian. Khoảng 21% lượng dầu của thế giới đi qua eo biển này và bất cứ điều gì đe dọa nguồn cung đó sẽ đẩy giá dầu lên trên 100 USD/thùng, thậm chí là trên 150 USD/thùng. Khi đó, giá xăng ở Mỹ sẽ đạt mức 5 USD/gallon (3,78 lít) hoặc có thể là 6-7 USD/gallon. Không cần bàn cãi, chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ làm bất cứ điều gì để ngăn điều đó xảy ra trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang cận kề và ứng cử viên đảng Dân chủ Harris về cơ bản đang tranh cử dựa trên thành tích của Chính phủ đương nhiệm.

Nguyên nhân thứ hai phải kể tới là Trung Quốc, nước mua phần lớn dầu của Iran và đang xây dựng quan hệ đối tác với nhiều nhà sản xuất dầu trong khu vực. Trung Quốc là nước nhập khẩu ròng dầu mỏ và muốn giữ giá ở mức thấp.

Trung Quốc có thể chưa hiện diện mạnh mẽ ở Trung Đông như Mỹ, nhưng nước này có ảnh hưởng đối với Iran vì cung cấp phần lớn doanh thu từ dầu mỏ mà Iran đang rất cần. Trung Quốc không thể chi phối hành động của Israel, nhưng họ có thể tuyên bố rõ ràng rằng bất kỳ hành động nào đe dọa nguồn cung dầu của bất kỳ quốc gia nào đều đơn giản là “không thể chấp nhận được”.

Các nhà sản xuất dầu khác trong khu vực, chẳng hạn như Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), cũng không thực sự muốn chứng kiến một cú sốc dầu mỏ. Chắc chắn, họ được hưởng lợi khi giá tăng và doanh thu từ dầu mỏ tăng. Nhưng sự bất ổn mang lại rủi ro và có thể đe dọa các ưu tiên khác. Chỉ 5 năm trước, Iran đã tấn công các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia, gây ra một trong những đợt gián đoạn nguồn cung dầu ngắn hạn lớn nhất trong lịch sử. Hai nước đã đẩy lùi những bất đồng một năm trước với sự hòa giải của Trung Quốc, cho thấy cả hai đều không coi cuộc chiến năng lượng là kết cục nên có.

Nguyên nhân thứ ba là nguồn cung. Tổ chức các Nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) có đủ năng lực dự trữ dầu mỏ để bù đắp cho việc mất hoàn toàn nguồn cung từ Iran nếu Israel tấn công cơ sở hạ tầng của nước này. Tuy nhiên, OPEC sẽ gặp khó khăn nếu Iran trả đũa bằng cách tấn công cơ sở hạ tầng của các nước láng giềng vùng Vịnh. Cuộc họp của OPEC và các đối tác còn gọi là OPEC+ hôm 2/10 không đề cập đến xung đột giữa Israel và Iran, nhưng một số thành viên hy vọng tình hình sẽ không trở nên tồi tệ hơn. Theo ông Giovanni Staunovo, nhà phân tích tại ngân hàng UBS, công suất dầu mỏ dự phòng có thể giảm đáng kể nếu các cơ sở sản xuất năng lượng trong khu vực bị tấn công. Trong trường hợp đó, phương Tây có thể phải sử dụng kho dự trữ chiến lược. Mặc dù vậy, ông Rhett Bennett, Giám đốc điều hành (CEO) của công ty kinh doanh năng lượng Black Mountain, cho rằng sự gia tăng sản lượng dầu từ Mỹ đang giúp thị trường giảm bớt lo ngại về các cú sốc nguồn cung.

Ngân hàng Wells Fargo dự báo năm 2025 giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 70 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) dự kiến đạt mức trung bình 65 USD/thùng. Tuy nhiên, Wells Fargo thừa nhận rằng một số yếu tố có thể làm thay đổi diễn biến của giá dầu, trong đó có sự phục hồi nhu cầu dầu mỏ toàn cầu nhanh hơn dự kiến.

Minh Trang (TTXVN)

Link gốc

MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH

  • Tài sản bỏ tiền vào túi bạn, còn tiêu sản thì lôi tiền ra khỏi túi bạn. Để được giàu có, bạn phải mua tài sản.
  • Mời bạn cùng tìm mua đất nền tiềm năng tăng giá cao, giá trị đầu tư ban đầu thấp tại đây: https://tritininvest.com/loai-bat-dong-san/dat-nen-tay-ninh/

Bài viết liên quan

Cựu lãnh đạo của ông lớn ngành thép bị bắt, mở rộng vụ án hối lộ tại Quảng Ngãi

Ông Đinh Văn Chung đã tham gia trực tiếp vào công tác quản lý, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng trong quá trình xây dựng và vận hành các siêu dự án thép của Hòa Phát.

Tiếp tục đọc

Vì sao thị trường bất động sản phục hồi chậm?

Một số chuyên gia kinh tế nhận định, có nhiều nguyên nhân khiến cho thị trường bất động sản phục hồi chậm hơn so với dự kiến, trong đó tâm lý "chờ đợi" của nhà đầu tư được xem là nguyên nhân chính. Bên cạnh đó, vướng mắc trong khâu cấp phép dự án vẫn tiếp tục gây sức ép lên doanh nghiệp cũng như nguồn cung mới đưa ra thị trường.

Tiếp tục đọc

‘Doanh nghiệp của người Việt ở nước ngoài đã mở rộng sang công nghiệp số’

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, thay vì tập trung chủ yếu vào kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ, doanh nghiệp của người Việt Nam ở nước ngoài đã mở rộng sang công nghiệp số, công nghệ thông tin.

Tiếp tục đọc

Tham gia thảo luận

Chat zalo với Trí Tín
Chat ngay