Tự doanh giảm hàng nghìn tỷ, Chứng khoán KB Việt Nam báo lãi đi lùi
Thời điểm cuối quý III/2024, danh mục FVTPL của Chứng khoán KB giảm tới 2.835 tỷ đồng so với đầu năm xuống 450 tỷ đồng, đây cũng là nguyên nhân chính kéo lùi lợi nhuận của công ty.
Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2024 với nhiều chỉ tiêu đi lùi.
Theo đó, Chứng khoán KB ghi nhận doanh thu hoạt động 223,6 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ. Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) chỉ ghi nhận 7,3 tỷ đồng, “bốc hơi” tới 89% so với con số 65,5 tỷ đồng đạt được cùng kỳ.
Lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn cũng giảm 68% xuống còn gần 20 tỷ đồng. Cùng chiều, doanh thu môi giới giảm 41% xuống 53,6 tỷ đồng. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu chiếm tỉ trọng cao nhất nhưng cũng giảm nhẹ xuống gần 140 tỷ đồng.
Trong kỳ, Chứng khoán KB cũng tiết giảm chi phí giúp chi phí hoạt động thu hẹp 37% xuống 64,2 tỷ đồng. Chủ yếu là nhờ chi phí môi giới giảm 30% xuống 61 tỷ đồng, lỗ từ các tài sản chính FVTPL giảm 99% xuống gần 80 triệu đồng.
Song chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 3 tỷ đồng lên 33,6 tỷ đồng do KBSV đầu tư vào công nghệ, quảng cáo, truyền thông cho ứng dụng giao dịch mới.
Kết quả, Chứng khoán KB ghi nhận lợi nhuận sau thuế 48,6 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất kể từ quý IV/2022 đến nay.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2024, Chứng khoán KB ghi nhận doanh thu hoạt động 798,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 176 tỷ đồng, lần lượt giảm 14% và 5% so với cùng kỳ.
Tại thời điểm 30/9/2024, tổng tài sản của Chứng khoán KB ở mức 9.289,8 tỷ đồng, thu hẹp 23% so với đầu năm và là mức thấp nhất kể từ quý I/2022.
Phần giảm chủ yếu từ danh mục FVTPL có giá gốc 450 tỷ đồng, giảm tới 2.835 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu do lượng chứng chỉ tiền gửi nắm giữ tại BIDV giảm từ 1.983 tỷ đồng xuống chỉ còn 101 tỷ đồng. Công ty cũng không ghi nhận chứng chỉ tiền gửi tại HDBank, MBB.
Các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) cũng giảm từ 3.229 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 1.972 tỷ đồng ở cuối kỳ. Trong đó toàn bộ là tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng đến 1 năm, gồm 690 tỷ đồng ở VPBank, Techcombank 707 tỷ đồng, MSB 205 tỷ đồng, Việt Á Bank 50 tỷ đồng và 320 tỷ đồng các ngân hàng khác.
Nợ vay ngắn hạn của Chứng khoán KB ở thời điểm cuối quý III/2024 ở mức 4.880 tỷ đồng.
Nợ phải trả của Chứng khoán KB cũng giảm mạnh từ 7.851 tỷ đồng xuống 4.974,5 tỷ đồng ở thời điểm 30/0/2024. Nợ vay ngắn hạn của Chứng khoán KB ở mức 4.880 tỷ đồng, trong đó công ty nợ Vietcombank 2.400 tỷ đồng, Sumitomo Mitsui chi nhánh Singapore 1.210 tỷ đồng và Kookmin chi nhánh Tokyo gần 1.840 tỷ đồng.
Các khoản vay được đảm bảo bởi chứng chỉ tiền gửi và tiền gửi nêu trên, hoặc bảo lãnh bởi công ty mẹ. Gốc vay được trả một lần vào cuối thời hạn của từng lần giải ngân, lãi suất từ 3,15 – 6,8%/năm.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận