Quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới phát 50 triệu đồng cho mỗi người dân: GDP nhảy vọt 50% trong nửa đầu năm, sắp bước vào hàng ngũ ‘ông lớn’ dầu mỏ
Quốc gia Nam Mỹ này đang tặng khoản tiền tương đương 2.000 USD cho mỗi hộ gia đình, trong bối cảnh nước này giàu lên nhờ các mỏ dầu mới và giảm bớt áp lực từ việc chi phí sinh hoạt gia tăng.
Tổng thống Mohamed Irfaan Ali của Guyana, quốc gia chỉ có 800.000 dân, đã thông báo về bước đi này vào tuần trước. Ông cho biết chính phủ sẽ bắt đầu phát tiền mặt ngay lập tức và mục đích là để giảm tình trạng chênh lệch về kinh tế của Guyana, cùng những căng thẳng tài chính của các địa phương. Hơn nữa, số tiền tương đương 287 triệu USD thu nhập khả dụng cũng sẽ được bơm vào nền kinh tế.
Ngoài ra, chính quyền Guyana cũng thực hiện một số động thái khác nhằm ứng phó với tình trạng phí sinh hoạt tăng cao. Họ đã xoá bỏ hơn 200 loại thuế, bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhiên liệu và thuế GTGT với nước, điện và một số thực phẩm cơ bản.
Chính phủ của ông Ali cũng trao một khoản trợ cấp miễn thuế 1 lần trị giá khoảng 120 USD/người cho nhóm bao gồm các giáo viên và công chức vào năm ngoái.
Nicolas Suarez, nhà kinh tế cấp cao tại khu vực Mỹ Latinh của S&P Global Market Intelligence, cho biết khoản trợ cấp mới nhất sẽ giúp “tăng thu nhập khả dụng trung bình của hộ gia đình, giảm bớt một số hạn chế về ngân sách.”
Dựa theo số liệu điều tra dân số gần đây nhất với 264.000 hộ gia đình, Suarez ước tính quy mô của chương trình này là 1,5% GDP và 7,9% Quỹ Tài nguyên Thiên nhiên (NRF) – được thành lập năm 2019 để quản lý doanh thu từ dầu mỏ, của Guyana.
Suarez nhận định rằng, về ngắn hạn, biện pháp này có thể thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng tư nhân nhưng không thể giảm áp lực lạm phát. Ngược lại, chính phủ chi tiêu nhiều hơn có thể làm tăng tỷ lệ lạm phát trong 12 tháng tới.
Ông lưu ý rằng, lạm phát ở Guyana đã tăng từ mức trung bình trước đại dịch là 2,3%/năm lên 3,3% vào tháng 8.
Guyana từng là thuộc địa của Anh và giành độc lập vào năm 1966. Quốc gia này nằm giáp với Venezuela ở phía tây và Brazil ở phía Nam, Surname ở phía đông.
Quỹ NRF có vai trò tương tự như quỹ dầu mỏ của Na Uy (GPFN), được thành lập vào những năm 1990 để đầu tư lợi nhuận từ ngành dầu khí của quốc gia Bắc Âu này. Theo đó, quỹ của Na Uy sẽ hỗ trợ nền kinh tế nhằm tránh khỏi những biến động về doanh thu từ năng lượng và đóng vai trò dự trữ tài chính, kế hoạch tiết kiệm dài hạn cho người dân.
Exxon Mobil đã phát hiện một mỏ dầu có khả năng mang lại sản lượng 11 tỷ thùng ở ngoài khơi bờ biển Guyana kể từ năm 2015. Gã khổng lồ này dự báo Guyana có thể sản xuất khoảng 1,3 triệu thùng/ngày sau khi 6 dự án của công ty đi vào hoạt động từ năm 2027. Con số này tương đương với sản lượng hiện tại của Qatar và sẽ giúp Guyana vào danh sách 20 nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới.
Guyana đã tăng sản lượng lên hơn 600.000 thùng/ngày vào đầu năm nay, thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt khoảng 50% trong nửa đầu năm. Theo dự báo, GDP Guyana tăng khoảng 43% trong năm nay, theo ông Ali.
Dữ liệu của IMF cho thấy, GDP thực tế của nước này tăng vọt khoảng 62% vào năm 2022, 33% vào năm 2023, trong khi GDP bình quân đầu người đã tăng từ 7.000 USD vào năm 2020 lên khoảng 26.000 USD trong năm nay.
Cleo Goodman, trưởng nhóm nghiên cứu về thu nhập cơ bản tại Autonomy Institute, nhận định rằng khoản trợ cấp tiền mặt một lần, không điều kiện của Guyana là một “bước tiến tích cực và là khoản tiền được người dân mong đợi.”
Tuy nhiên, bà lưu ý rằng việc thu nhập được đảm bảo, ổn định mới là “cam kết toàn diện hơn nhiều trong việc phân phối lại nguồn tài sản mới tìm thấy này”.
Tham khảo BI
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận