Áp lực nợ xấu tiếp tục gia tăng
Nợ xấu có thể tiếp tục gia tăng khi quy mô dư nợ bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 lên tới 165 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 1,12% tổng dư nợ của nền kinh tế.
Công ty Cảng Sài Gòn: Lợi nhuận suy giảm, nợ xấu tăng mạnhChất lượng tài sản ngân hàng vẫn là ‘quan ngại’ lớn với tăng trưởng kinh tếChủ tịch VIB: Không nới lỏng điều kiện cấp tín dụng để cho vay bằng mọi giá
9 tháng đầu năm, thị trường tiền tệ ghi nhận có nhiều tín hiệu tích cực như: Mặt bằng lãi suất cơ bản ổn định, tỷ giá hạ nhiệt, góp phần hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; tín dụng đang dần phục hồi. Theo đó, lãi suất cho vay tiếp tục giảm nhẹ (-0,86%) dù lãi suất huy động tăng 0,3 – 0,5% so với cuối năm 2023. Tín dụng ước tăng gần 9% so với cuối năm 2023 nhờ sự khởi sắc của các hoạt động đầu tư, tiêu dùng và thị trường bất động sản. Tỷ giá liên ngân hàng tăng khoảng 2% từ đầu năm đến nay, hạ nhiệt đáng kể so với mức tăng gần 5% cuối tháng 6/2024.
Theo TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, cùng với tín hiệu tích cực của phục hồi tín dụng thì trong 9 tháng đầu năm nay, nợ xấu tăng trong tầm kiểm soát. Cụ thể, nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 7/2024 ở mức 4,75%, cao hơn mức 4,55% cuối năm 2023 và 2% cuối năm 2022, song nếu loại trừ nợ xấu của 5 tổ chức tín dụng yếu kém thì tỷ lệ nợ xấu khoảng 2,3%.
Mặc dù vậy, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, bức tranh nợ xấu cần được nhìn tổng thể và nợ xấu tăng cũng như còn vướng mắc khi xử lý.
Nợ xấu có thể tiếp tục gia tăng khi quy mô dư nợ bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 lên tới 165 nghìn tỷ đồng
Theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến hết tháng 7/2024 ở mức 4,75%, cao hơn mức 4,55% cuối năm 2023 và 2% cuối năm 2022, nhưng nếu tách nợ xấu của 5 tổ chức tín dụng yếu kém thì nợ xấu nội bảng ở mức 2,3%, trong tầm kiểm soát.
Mặc dù vậy, theo TS. Cấn Văn Lực, nợ xấu có thể tiếp tục gia tăng khi quy mô dư nợ bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 lên tới 165 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 1,12% tổng dư nợ của nền kinh tế, chưa kể lượng nợ cơ cấu lại đang là trên 2% tổng dư nợ. Trong khi đó, theo Luật Tổ chức tín dụng 2024, quyền thu giữ tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng bị hạn chế nhiều so với Nghị quyết 42/2017 của Quốc Hội, khiến việc xử lý nợ xấu khó khăn hơn, nếu không được tháo gỡ.
Tại hội thảo “Gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam do GS & SSI tổ chức năm 2024” vừa diễn ra mới đây, nhiều ngân hàng cũng đã công bố “sức khỏe” của mình thông qua những con số lợi nhuận và nợ xấu. Đơn cử như tại BIDV, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này là dưới 1,4%. Trong đó, tỷ lệ nợ xấu tại lĩnh vực xây dựng là 2,8% trong quý III. Nợ tái cơ cấu theo Thông tư 06 giảm còn 13.000 nghìn tỷ đồng vào quý III (so với 14 nghìn tỷ đồng trong quý II), tương đương với 0,68% tổng dư nợ.
Đối với VietinBank, ngân hàng đặt mục tiêu tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5% trong quý III/2024. Nợ tái cơ cấu chiếm 1,5% tổng dư nợ, đặc biệt từ những lĩnh vực bất động sản, xây dựng, và dịch vụ.
Tại VPBank, trong quý III/2024, tổng nợ tái cơ cấu đạt 12 nghìn tỷ đồng, chủ yếu từ phân khúc khách hàng doanh nghiệp.
Còn tại Techcombank, tỷ lệ nợ xấu năm 2024 ước tính đạt khoảng 1,3%-1,4%, với khách hàng bán lẻ chiếm phần lớn tổng nợ xấu.
Nhận diện sâu hơn về ảnh hưởng của nợ xấu tới phát triển kinh tế vĩ mô, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, việc cơ cấu lại, xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm so với yêu cầu do quy trình, thủ tục phức tạp, khó khăn trong định giá tài sản và tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp. Sự chậm trễ này làm tăng nợ xấu, nợ tồn đọng trong nền kinh tế khiến việc phân bổ nguồn lực khó đạt hiệu quả cao và chi phí tốn kém, đòi hỏi quyết liệt hơn thời gian tới.
Để đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng kinh tế vĩ mô trong thời gian tới, theo các chuyên gia kinh tế, chính sách tài khóa cần mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, gắn với đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; chính sách tiền tệ được điều hành theo hướng chủ động, linh hoạt, tăng khả năng tiếp cận tín dụng gắn với kiểm soát rủi ro và xử lý nợ xấu.
Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, nợ xấu đang có xu hướng tăng là một vấn đề cần lưu ý. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng cởi mở hơn để đảm bảo vốn hỗ trợ nền kinh tế. Đồng thời, sẽ đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận