Lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran không đạt được hiệu quả mong muốn
Lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran không đạt được hiệu quả mong muốn, buộc chính quyền Biden phải cân nhắc đến các biện pháp quân sự.
Cách đây hai tuần, Iran đã nhắm hơn 180 tên lửa đạn đạo vào Israel. Hiện tại, Israel sắp đáp trả và cả thế giới đang theo dõi từng động thái. Điều mà Israel làm tiếp theo và phản ứng của Iran sẽ quyết định liệu khu vực Trung Đông có rơi vào một cuộc xung đột toàn diện hay không.
Hình minh họa sự ‘kiểm soát’ của Mỹ đối với hoạt động dầu tại Iran. Ảnh: Satoshi Kambayashi
Đối với Mỹ, vấn đề là làm thế nào để khuyến khích Israel kiềm chế, hạn chế leo thang, giảm ảnh hưởng của Iran và ngăn chặn nước này phát triển vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, theo điều tra của chúng tôi, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã làm suy yếu một trong những công cụ quan trọng của Mỹ.
Năm 2018, dưới thời cựu Tổng Thống Donald Trump, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran và sau đó áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt nhất, nhằm trừng phạt chế độ này và ngăn chặn họ tài trợ cho các lực lượng ủy nhiệm và khủng bố ở nước ngoài.
Mỹ cấm công dân nước mình giao dịch với Iran hoặc xử lý tiền bạc của Iran; đồng thời tái áp dụng các lệnh trừng phạt “thứ cấp”, nhằm trừng phạt các thực thể từ các nước thứ ba có giao dịch với Iran, chẳng hạn bằng cách cắt họ khỏi hệ thống ngân hàng đô la.
Xuất khẩu dầu thô Iran. Ảnh: Kpler
Tổng thống Joe Biden đã nhiều lần bỏ qua việc thực thi những lệnh trừng phạt này. Ông muốn đưa Iran trở lại bàn đàm phán và lo ngại rằng việc mạnh tay trừng phạt xuất khẩu dầu của Iran có thể khiến giá dầu tăng cao, nhất là khi thị trường năng lượng đang bất ổn bởi cuộc chiến ở Ukraine.
Chính quyền Biden đã cấp các miễn trừ trừng phạt cho các thực thể nước ngoài, cân nhắc việc cho phép Iran tiếp cận nguồn tiền bị đóng băng và thường bỏ qua các hoạt động buôn lậu dầu của Iran.
Hiệu quả của các lệnh trừng phạt luôn có khả năng bị suy giảm. Trước những rào cản, con người sẽ tìm ra cách khác để vận chuyển tiền và hàng hóa trên toàn cầu. Các tàu chở dầu thường xuyên được đổi tên.
Một cá nhân của Iran có thể nhanh chóng thành lập công ty ở Hồng Kông hoặc Dubai, trong khi Bộ Tài chính Mỹ phải mất nhiều thời gian hơn để điều tra các hành vi trốn tránh. Điều không thể tránh khỏi là dòng tiền sẽ rời khỏi hệ thống ngân hàng đô la và chuyển sang các cơ chế thanh toán thay thế.
Tuy nhiên, với việc Mỹ không nghiêm ngặt trong việc thực thi các lệnh trừng phạt, hiệu quả của chúng đã bị suy yếu trong ngắn hạn, có thể dẫn đến việc Trung Quốc và Iran xích lại gần nhau hơn. Một cơ sở hạ tầng phức tạp đã được phát triển để giúp Iran chuyển dòng tiền ra khắp thế giới. Tháng trước, Iran đã bán 1,8 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, chủ yếu cho Trung Quốc – mức cao nhất trong sáu năm qua.
Các báo cáo của The Economist cho thấy, một mạng lưới các công ty bình phong sử dụng các ngân hàng ở Trung Quốc, Hồng Kông, vùng Vịnh và thậm chí cả phương Tây, trong đó nhiều ngân hàng vô tình xử lý tiền của Iran. Năm ngoái, nguồn thu của Iran được ước tính từ 50 đến 70 tỷ đô la. Tuy chưa rõ chính xác số tiền này được sử dụng vào đâu, nhưng chắc chắn rằng doanh thu từ dầu mỏ đang giúp Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này trang bị vũ khí.
Giờ đây, khi cơ sở hạ tầng tài chính này đã tồn tại, khả năng răn đe tài chính mà Mỹ từng có không dễ gì phục hồi. Để ngăn chặn guồng máy chiến tranh của Iran, Mỹ sẽ phải trừng phạt các ngân hàng vi phạm nghiêm trọng, chẳng hạn ở Trung Quốc hoặc vùng Vịnh, hoặc gây sức ép lên chính phủ của họ để buộc các ngân hàng tuân thủ các quy định của Mỹ.
Mặc dù vậy, điều này đồng nghĩa với việc Mỹ có thể phải đối đầu với Trung Quốc về mặt tài chính, điều mà nước này có thể không sẵn sàng, hoặc siết chặt đồng minh như các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Việc gây áp lực lên các đồng minh để họ kiểm soát ngân hàng của mình hoặc đưa một số ngân hàng vào danh sách đen sẽ tiêu tốn không ít vốn ngoại giao của Mỹ.
Hậu quả đáng tiếc là nhiệm vụ ảnh hưởng đến hành vi của Iran giờ đây càng trở nên khó khăn hơn. Mỹ vẫn có các công cụ như đe dọa thực thi lệnh trừng phạt (hoặc hứa hẹn dỡ bỏ chúng) và đe dọa tham chiến. Những lựa chọn này luôn tiềm ẩn rủi ro, nhưng giờ đây, cái giá phải trả đã cao hơn nhiều so với việc Mỹ thực thi nghiêm ngặt các lệnh trừng phạt từ đầu.
Mỹ cũng có ít sự lựa chọn hơn để thuyết phục Israel kiềm chế các hành động trả đũa đối với cuộc tấn công tên lửa của Iran. Khi một cuộc chiến giữa Israel và Iran đang cận kề, điều mà khu vực Trung Đông cần nhất lúc này là các lựa chọn tốt hơn để ngăn chặn xung đột leo thang.
Dũng Phan (Theo The Economist)
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận