Ngân hàng, công ty tài chính “chơi lớn” với thẻ tín dụng nội địa
Thẻ tín dụng nội địa là sản phẩm thẻ chính ở nhiều công ty tài chính hiện nay. Một số ngân hàng nhỏ cũng đang ưu tiên phát triển loại thẻ này, thậm chí một nhà băng gần đây đã dừng hoàn toàn thẻ tín dụng quốc tế để tập trung phát triển thẻ tín dụng nội địa.
Thẻ tín dụng nội địa còn nhiều dư địa phát triển
Theo số liệu từ Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), đến tháng 3/2024 có 15 tổ chức tín dụng tại Việt Nam đã phát hành thẻ tín dụng nội địa.
Số lượng thẻ tín dụng nội địa đạt trên 904,7 nghìn thẻ (tăng 18,37% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn mức tăng thẻ tín dụng quốc tế là 9,53%). Giao dịch thẻ tín dụng nội địa trong đạt 1,3 triệu giao dịch, với giá trị đạt 10 nghìn tỷ đồng (tăng 75,43% về số lượng và 89,85% về giá trị, cao hơn mức tăng tương ứng của thẻ tín dụng quốc tế là 27,26% và 25,1%).
Dù tăng trưởng đầy ấn tượng, số lượng thẻ nội địa hiện nay chiếm chưa đến 1% tổng dân số Việt Nam, chỉ bằng 8% số lượng thẻ tín dụng quốc tế và 0,6% thẻ toàn thị trường, doanh số thanh toán mới chỉ đạt 0,5% – 0,9% doanh số thanh toán thẻ toàn thị trường.
Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường còn rất nhiều tiềm năng để các tổ chức tín dụng có thể khai thác, đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng nội địa.
Thẻ tín dụng quốc tế tuy có độ phủ rộng, nhưng đi kèm nhiều khoản phí, chỉ phù hợp với khách hàng có thu nhập khá trở lên, có nhu cầu mua sắm cao, thường xuyên đi lại ở nước ngoài. Trong khi đó, Việt Nam với gần 63 triệu người dân ở nông thôn là thị trường tiềm năng cho việc phát triển các sản phẩm thẻ thanh toán nội địa.
Hơn nữa, với cơ cấu dân số trẻ và thu nhập ngày càng tăng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử và kinh tế số, thị trường thẻ tín dụng nội địa hứa hẹn sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Dù mới được triển khai trong những năm trở lại đây nhưng thẻ tín dụng nội địa có tốc độ phát triển tốt, với những ưu thế nổi bật về chi phí lẫn trải nghiệm, phù hợp với đặc điểm riêng của thị trường Việt Nam.
Về mặt chi phí, hiện nay, cơ cấu phí của các tổ chức thẻ quốc tế như Visa hay Mastercard áp dụng cho các ngân hàng tại Việt Nam rất phức tạp, với số lượng phí thu lớn.
Trung bình mỗi năm, tổ chức thẻ quốc tế Visa và Mastercard thu từ một ngân hàng khoảng 270 đầu phí các loại/1 tổ chức thẻ quốc tế, với tổng giá trị mỗi tổ chức thẻ quốc tế thu của các ngân hàng Việt Nam lên tới hàng trăm triệu USD/năm. Điều này khiến ngân hàng phải tăng chi phí hoạt động, khách hàng cũng phải tăng phí duy trì cho mục đích tiêu dùng trong nước.
Lựa chọn của nhiều công ty tài chính
Hiện nay, thẻ tín dụng quốc tế được phát hành với số lượng lớn tại thị trường Việt Nam và được coi là sản phẩm thanh toán chủ yếu dành cho phân khúc khách hàng có thu nhập khá trở lên.
So với thẻ tín dụng quốc tế, đẩy mạnh thẻ tín dụng nội địa là hướng đi phù hợp hơn với các nhà phát hành nhỏ, phục vụ nhóm khách hàng khó tiếp cận được các kênh tín dụng chính thức, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, hướng tới tài chính toàn diện và ngăn ngừa tín dụng đen.
Điều kiện mở thẻ tín dụng nội địa cũng dễ dàng hơn và chi phí sử dụng thẻ khá thấp. Đồng thời ưu đãi cho chi tiêu trong nước thậm chí còn cao hơn thẻ tín dụng quốc tế ở một số dòng thẻ.
Bên cạnh đáp ứng đầy đủ tính năng như chi tiêu trước trả tiền sau, thời gian miễn lãi dài từ 45 đến 55 ngày, cũng như tuân thủ tiêu chuẩn an toàn, bảo mật theo chuẩn EMV của quốc tế, các nhà phát hành thẻ còn “đua nhau” triển khai những tiện ích, ưu đãi.
Chẳng hạn, Mirae Asset Finance đã đưa ra chính sách ưu đãi lớn cho dòng thẻ tín dụng nội địa, cho phép khách hàng rút tiền mặt miễn phí, rút lên đến 50% hạn mức và trả góp 0% lãi suất. VietCredit cũng miễn hầu hết các loại phí như phí mở thẻ, phí sao kê, phí thanh toán qua POS/MPOS, và phí thanh toán trực tuyến, cùng khả năng rút tiền mặt với lãi suất chỉ trên số tiền thực rút.
Một ngân hàng nhỏ là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bảo Việt (BAOVIET Bank) vừa qua cũng đã dừng các dịch vụ liên quan tới thẻ tín dụng quốc tế Visa trên toàn hệ thống và tập trung triển khai duy nhất một dòng thẻ tín dụng nội địa với phạm vi thanh toán trong nước. Dòng thẻ này có hạn mức lên tới 4 tỷ đồng, miễn lãi đến 55 và phí rút tiền chỉ 1%/số tiền giao dịch.
Agribank với nhóm khách hàng chính ở địa bàn nông nghiệp – nông thôn, học sinh, sinh viên, mới đây vừa ra mắt dòng thẻ tín dụng nội địa Lộc Việt và miễn toàn bộ phí phát hành và phí thường niên ngân hàng.
Về khoản ưu đãi hoàn tiền, một số dòng thẻ tín dụng nội địa của ngân hàng có mức cashback “khủng” không hề thua kém thẻ tín dụng quốc tế. Chẳng hạn như ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) phối hợp cùng NAPAS triển khai chương trình ưu đãi hoàn tiền lên tới 35% cho khách hàng thanh toán bằng thẻ tín dụng nội địa OCB NAPAS.
Trong thời gian tới, với nền tảng dân số trẻ, thu nhập tăng cao và sự bùng nổ của thương mại điện tử, thẻ tín dụng nội địa được kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng tại Việt Nam.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận