EVF: Hé lộ “sợi dây liên kết” tín dụng giữa Amber và EVNFinance
Theo dữ liệu của VietTimes, nhiều doanh nghiệp được EVNFinance cấp vốn tín dụng có mối liên hệ chặt chẽ với nhóm Amber Holdings.
Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVN Finance, HOSE: EVF) vừa công bố BCTC quý III/2024 với lãi trước thuế gần 227 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước, nhờ thu nhập lãi thuần tăng mạnh.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của EVF đạt hơn 537 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tăng 56% lên gần 430 tỷ đồng. Công ty thực hiện được 92% mục tiêu 585 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đề ra cho cả năm.
Tính đến ngày 30/09/2024, tổng tài sản của EVF đạt 51.448 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Cho vay khách hàng tăng 15% lên 38.588 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trước khi công bố BCTC quý III/2024, mới đây trong BCTC bán niên 2024, kiểm toán đã chỉ ra việc EVNFinance cho một nhóm khách hàng vay 24.901 tỷ đồng là những pháp nhân có cùng người đại diện hoặc cùng tòa nhà làm việc.
Không chỉ vậy, kiểm toán cũng đã có ý kiến nhấn mạnh và lưu ý về khoản mục cho vay khách hàng và góp vốn, đầu tư dài hạn của EVNFinance, trong đó mô tả các yếu tố có thể dẫn đến tính không chắc chắn của lợi ích kinh tế thu được trong tương lai của các khoản mục cho vay và đầu tư dài hạn khác của EVNFinance.
Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực có có mối liên hệ chặt chẽ với nhóm Amber Holdings.
Dù BCTC không nêu rõ danh tính các doanh nghiệp trong danh sách các khoản cho vay, góp vốn đầu tư dài hạn kể trên, song dữ liệu cho thấy EVNFinance vào năm 2024 đã cấp vốn tín dụng cho loạt doanh nghiệp có cùng liên hệ với nhau.
Cái tên đầu tiên phải nhắc đến là CTCP Tập đoàn Hasco. Vào tháng 6/2024, doanh nghiệp này đã thế chấp ở EVF toàn bộ các khoản lợi thu được từ việc đầu tư, kinh doanh, khai thác giá trị quyền sử dụng đất, cơ sở hạ tầng và tài sản gắn liền với đất phát sinh tại Dự án Khu nhà ở cao cấp và thương mại ở thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Điều đáng chú ý ở khoản vay này là Tập đoàn Hasco đã lỗ 3 năm liên tiếp trong giai đoạn 2020-2022. Cụ thể, Hasco vào năm 2021 lỗ 25,8 tỷ đồng, năm 2022 lỗ 35,8 tỷ đồng và năm 2023 lỗ gần 75,3 tỷ đồng.
Tháng 9/2024, Công ty TNHH Tư vấn và Thiết Kế Phú An thế chấp tại EVF quyền thụ hưởng lợi ích phát sinh từ Hợp đồng nguyên tắc số 03/2024/HDNT/AP-DI ngày 31/7/2024 với Công ty TNHH Achelous Power.
Chưa hết, chính Công ty TNHH Achelous Power cũng phát sinh loạt giao dịch thế chấp ở EVF từ tháng 6 – tháng 9/2024. Cụ thể, Achelous Power thế chấp Hợp đồng nguyên tắc số 1006/2024/HĐNT/AP-ABT ký ngày 10/6/2024 với Công ty TNHH Phát triển công nghệ ABTech.
Đáng chú ý, đó còn là loạt doanh nghiệp cùng trụ sở tại phường 1, quận Tân Bình, TP.HCM gồm Công ty TNHH Phát triển công nghệ ABTech, CTCP Thương mại Dịch vụ và Đầu tư Ánh Sao, Công ty TNHH Bất động sản Southern Park đều phát sinh loạt giao dịch thế chấp tại EVF.
Sợi dây liên hệ với EVNFinance
Nhiều cái tên trong danh sách các doanh nghiệp kể trên có sự liên hệ đến chính nhóm Amber Holdings – đơn vị có mối quan hệ khăng khít với EVNFinance. Những phân tích sau đây sẽ làm rõ hơn luận điểm này.
Chẳng hạn, Hasco là doanh nghiệp thành lập vào tháng 11/2004 có người đại diện theo pháp luật/Tổng giám đốc Hasco là bà Nguyễn Thị Hải Yến (SN 1994). Hồi tháng 7 vừa qua, nữ CEO này còn thay thế ông Ngô Hải Đăng để trở thành Tổng Giám đốc/người đại diện theo pháp luật Công ty TNHH Tư vấn và Thiết kế Phú An. Như đã biết, cả Hasco và Phú An đều là đối tác tín dụng của EVF như đề cập phần đầu bài viết.
Đáng chú ý, ông Ngô Hải Đăng – cựu CEO Phú An, hiện còn đứng tên tại Công ty TNHH Amber SG, CTCP Ba Năm Ba, CTCP Kho vận và Dịch vụ Hải Nam. Trong đó, cả CTCP Ba Năm Ba, CTCP Kho vận và Dịch vụ Hải Nam cũng đều là những đối tác tín dụng của EVF.
Cụ thể, hồi tháng 2/2019, Năm Ba Năm đã thế chấp tại EVF một lô đất (được UBND quận Tân Bình – TP.HCM cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tháng 8/2016). Giá trị tài sản này được xác định đạt gần 210 tỷ đồng.
Tương tự, CTCP Kho vận và Dịch vụ Hải Nam cũng là một đối tác tín dụng được EVF cấp vốn. Trong ngày 26/6/2024, doanh nghiệp này đã chấp tài sản tại EVF Hợp đồng Phát triển dự án số 0406/2024/HĐPTDA/IDK-HN ký ngày 4/6/2024 với Công ty TNHH Bất động sản IDK.
Sự liên hệ với nhóm Amber Holdings được thể hiện rõ hơn ở CTCP Amber Power với người đại diện theo pháp luật là ông Hoàng Thế Anh (SN 1983). Vị doanh nhân này là “mắt xích” quan trọng của nhóm Amber Holdings khi từng được đề cử vào ghế Thành viên HĐQT CTCP Quản lý Quỹ Amber nhiệm kỳ 2015 – 2020, thời điểm đó quỹ này có tên gọi là CTCP Quản lý quỹ Hữu Nghị.
Hồi đầu năm 2024, Amber Power cầm cố ở EVF Hợp đồng cung cấp và thi công lắp đặt số 01/2023/HĐCCLĐ/HL2-AP ngày 15/12/2023 với CTCP Điện gió Hướng Linh 2. Đáng chú ý, người đại diện theo pháp luật Hướng Linh 2 là ông Phan Thành Đạt (SN 1983) – cá nhân này là Thành viên HĐQT CTCP Helio Energy (HoSE: HIO). Tính đến giữa năm 2024, cổ đông góp hơn 69,3% vốn HIO là CTCP Helio Power – doanh nghiệp khác do ông Phan Thành Đạt là Tổng Giám đốc, kiêm người đại diện theo pháp luật.
Ít ai biết, ông Trần Anh Thắng (SN 1984) từng có giai đoạn là Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, kiêm người đại diện theo pháp luật tại Helio Power (không còn nắm các chức vụ này từ tháng 3/2021). Đây là tên tuổi không quá xa lạ trong giới tài chính, hiện là Thành viên HĐQT độc lập tại một ngân hàng tư nhân.
Theo tìm hiểu, ông Trần Anh Thắng từng là Chủ tịch HĐQT CTCP Amber Capital Holdings (đã thôi chức vào tháng 4/2024), cựu Chủ tịch HĐQT CTCP Quản lý quỹ Amber (từ nhiệm vào tháng 10/2019). Hiện tại, ông Thắng là Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT – Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Nhất Việt. Đây đều là các pháp nhân có sự liên hệ nhất định với nhóm Amber Holdings.
Những nghiệp vụ cho vay đề cập trong bài viết chỉ là lát cắt nhỏ trong một hệ sinh thái khổng lồ của “Group” này. Với vai trò cấp vốn tín dụng của mình, EVNFinance thậm chí đã trở thành “bệ đỡ” quan trọng cho nhóm Amber Holdings trong quá trình mở rộng sang một tập đoàn đa ngành với nòng cốt là địa ốc, năng lượng tái tạo, và tài chính.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận