Một doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái FLC lỗ 5 quý liên tiếp
Vào thời hoàng kim, FLC GAB từng có doanh thu vài trăm tỷ đồng/quý, tuy nhiên, sau biến cố liên quan ông Trịnh Văn Quyết, hoạt động kinh doanh của công ty này đã sa sút.
Sau biến cố xảy ra với ông Trịnh Văn Quyết, hoạt động kinh doanh của FLC GAB cũng lao dốc. Ảnh: Nam Khánh.
CTCP Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC – FLC GAB (UPCoM: GAB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III với doanh thu thuần chỉ đạt gần 1,9 tỷ đồng. Dù vậy, so với cùng kỳ năm trước, con số này đã tăng gấp 20 lần.
Trong quý vừa qua, hoạt động tài chính gần như không mang về cho doanh nghiệp bất kỳ khoản thu nào, trong khi chi phí tài chính lại tăng 21%. Kết quả là doanh nghiệp tiếp tục báo lỗ ròng hơn 1,4 tỷ đồng (cùng kỳ công ty lỗ ròng 1,8 tỷ đồng).
FLC GAB lý giải dù nhu cầu sửa chữa nhà cửa và kho bãi tăng cao sau cơn bão số 3 (bão Yagi), giúp công ty giảm bớt số lỗ, nhưng chi phí sản xuất cũng tăng, dẫn đến lợi nhuận vẫn ở mức âm.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn chịu ảnh hưởng từ vụ việc liên quan đến cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết, khi nhiều đối tác và ngân hàng tạm ngưng hoặc hạn chế giao dịch với doanh nghiệp do lo ngại các liên hệ rủi ro.
Trên thực tế, trong thời kỳ hoàng kim, doanh nghiệp này từng đạt doanh thu vài trăm tỷ đồng mỗi quý. Tuy nhiên, sau biến cố xảy ra với ông Trịnh Văn Quyết, hoạt động kinh doanh của FLC GAB theo đó cũng sa sút, gần như “trắng” doanh thu và chìm trong thua lỗ.
Hiện công ty này đã trải qua 5 quý thua lỗ liên tiếp. Lũy kế 9 tháng, doanh nghiệp này chỉ ghi nhận 3,7 tỷ đồng doanh thu thuần và lỗ ròng 4,7 tỷ đồng.
CTCP Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC là một trong những doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái doanh nghiệp liên quan đến Tập đoàn FLC và cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết.
Công ty từng đưa cổ phiếu GAB lên giao dịch trên thị trường chứng khoán ngày 11/7/2019 với giá 14.400 đồng/cổ phiếu. Sau đó mã chứng khoán này tạo nên con sóng lớn leo đỉnh lịch sử gần 197.000 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, sau sự kiện ông Trịnh Văn Quyết vướng vòng lao lý, cổ phiếu GAB đã bị mất thanh khoản. Trước đó, vị doanh nhân này nắm quyền chi phối tại GAB với tỷ lệ sở hữu 55% cổ phần nhưng không giữ vị trí quản lý, điều hành.
Cổ phiếu GAB sau đó cũng bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) hủy niêm yết bắt buộc. Không lâu sau, GAB đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM, song cũng bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đưa vào diện cảnh báo và hạn chế giao dịch.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận