Xây dựng thị trường kinh doanh xăng dầu cạnh tranh, minh bạch và ổn định
Bộ Công Thương xây dựng 2 phương án về thương nhân phân phối xăng dầu để xin ý kiến của các thành viên Chính phủ. Chỉ với 30 thương nhân đầu mối hiện nay, chúng ta có thể tạo ra thị trường kinh doanh xăng dầu cạnh tranh. Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chia sẻ với báo chí chiều 23/10.
Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội. Ảnh minh họa: DĐDN
Thị trường đang tồn tại nhiều bất cập
Để thúc đẩy sự minh bạch, ổn định và phát triển bền vững của thị trường xăng dầu, Bộ Công Thương đã xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu.
Dự thảo Nghị định này được xây dựng trong bối cảnh thị trường xăng dầu trong nước tồn tại nhiều bất cập. Theo đúc rút của Bộ Công Thương, các vi phạm chủ yếu là không duy trì các điều kiện cần thiết trong quá trình hoạt động, không đăng ký hệ thống phân phối đối với các thương nhân phân phối xăng dầu, mua bán xăng dầu ngoài hệ thống, kinh doanh xăng dầu kém chất lượng…
Chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm 2024, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã tiến hành kiểm tra 1.355 vụ việc liên quan đến kinh doanh xăng dầu, xử lý 274 vụ vi phạm; thu nộp vào ngân sách nhà nước hơn 8,3 tỷ đồng.
Trong các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị xử phạt thời gian qua có Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức, Công ty Cổ phần Appollo Oil và Công ty TNHH Trung Linh Phát do vi phạm các quy định pháp luật liên quan đến điều kiện kinh doanh xăng dầu của thương nhân đầu mối.
Ngoài việc xử phạt doanh nghiệp vi phạm, cơ quan chức năng của Bộ Công Thương cũng nhận thấy rằng, còn có sự chồng chéo và thiếu nhất quán trong các quy định pháp lý liên quan đến kinh doanh xăng dầu, tạo “lỗ hổng” cho các doanh nghiệp lợi dụng và vi phạm điều kiện kinh doanh.
Trước thực trạng này, cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, cũng như nâng cao năng lực quản lý, giám sát và tăng mạnh các mức xử phạt để đảm bảo ngăn chặn, răn đe. Từ đó sẽ giúp thị trường vận hành ổn định, minh bạch, tránh những tác động tiêu cực đến an ninh năng lượng quốc gia.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, Dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu là một bước tiến quan trọng nhằm đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của thị trường. Khi được ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc giám sát và xử lý các sai phạm, giúp giảm thiểu tình trạng bất ổn trong thị trường và nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng.
Quy định mở hơn với thương nhân phân phối nhưng chặt chẽ hơn với thương nhân đầu mối
Theo ông Phan Văn Chinh – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), khi xây dựng Dự thảo Nghị định, Bộ Công Thương đã cân nhắc rất kỹ nội dung các thương nhân phân phối không mua hàng chéo của nhau.
Qua thực tiễn thanh tra, kiểm tra và điều tra, các cơ quan chức năng đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương cần phải có quy định đảm bảo cho việc quản lý xăng dầu tiến dần tới thị trường nhưng phải cắt bỏ khâu trung gian để giảm chi phí. Vì vậy, Bộ Công Thương đã xác định rõ đây là định hướng xuyên suốt trong quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định.
Cũng theo ông Phan Văn Chinh, Bộ Công Thương đã nhận được nhiều ý kiến của các doanh nghiệp và thương nhân phân phối. Tuy nhiên, cần phải thấy rõ, các doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm, nhưng với ngành nghề kinh doanh có điều kiện như xăng dầu, doanh nghiệp phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện.
Với đối tượng thương nhân phân phối xăng dầu, trong Dự thảo Nghị định đã rà soát và cắt bỏ rất nhiều điều kiện, như loại bỏ quy định thương nhân phân phối phải dự trữ xăng dầu 5 ngày, loại bỏ 1 số quy định về kho chứa…
Ông Phan Văn Chinh – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương)
Ngược lại, thương nhân đầu mối xăng dầu lại tăng thêm các điều kiện để gắn trách nhiệm của đầu mối và tạo nguồn cho hoạt động phân phối. Đồng thời, thương nhân đầu mối phải áp dụng số hoá trong công tác kiểm soát cả chuỗi cung ứng xăng dầu, như vậy vừa gia tăng tính hiệu quả, vừa dễ cho công tác quản lý.
Với yêu cầu cắt giảm khâu trung gian, trong Nghị định số 80/2023/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Chính phủ đã cắt bỏ bớt khâu trung gian như tổng đại lý, chuyển sang quản lý theo chuỗi dọc, chứ không quản lý theo chuỗi ngang; điều kiện trở thành nhà phân phối và doanh nghiệp bán lẻ cũng khác nhau. Do đó, doanh nghiệp ở phân khúc nào thì phải đáp ứng đúng điều kiện của phân khúc đó, không có sự phân biệt đối xử.
Khi xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đã rất cầu thị và tổ chức nhiều hội nghị, tọa đàm lấy ý kiến đóng góp. Bộ Công Thương sẽ xây dựng 2 phương án về thương nhân phân phối xăng dầu và xin ý kiến của các thành viên Chính phủ. Chỉ với 30 thương nhân đầu mối hiện nay, chúng ta có thể tạo ra thị trường kinh doanh xăng dầu cạnh tranh – Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh./.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận