Dồi dào nguồn vốn lãi suất thấp cho mùa kinh doanh cuối năm
Những tháng cuối năm, nhu cầu về vốn của người dân, doanh nghiệp thường tăng mạnh. Các ngân hàng thương mại tung ra thị trường nhiều chương trình cho vay vốn với các ưu đãi khác nhau, thủ tục thuận tiện để đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp phát triển kinh tế.
Với những tín hiệu tích cực hiện tại, các chuyên gia cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm nay là hoàn toàn có thể đạt được.
Ngân hàng “may đo” tín dụng cho từng khách hàng
Hiện đang là thời điểm các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hóa phục vụ nhu cầu cho mùa Noel, chào năm mới 2025 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ, nên có nhu cầu vốn rất cao, vì thế ngân hàng cũng thiết kế nhiều sản phẩm tín dụng phù hợp với từng nhóm khách hàng.
Đơn cử, MB đang có gói tín dụng phục vụ cho các cá nhân, tiểu thương, hộ kinh doanh vay vốn với lãi suất từ 6,5%/năm, hạn mức cho vay lên đến 90% tài sản đảm bảo.
Tương tự, BVBank cho vay bổ sung vốn lưu động hạn mức vay vốn lên đến 80% giá trị tài sản đảm bảo, bên vay có thể chọn trả góp và lãi định kỳ theo tháng hoặc 6 tháng phụ thuộc vào dòng tiền của mình.
Các chuyên gia cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm nay là hoàn toàn có thể đạt được.
Trong khi đó, BacABank đang áp dụng chương trình cho vay bổ sung vốn kinh doanh cho các đơn vị phát triển các sản phẩm nông nghiệp với hạn mức vay lên đến 10 tỷ đồng/đơn vị. Thời gian duy trì hạn mức tín dụng và ân hạn nợ gốc tối đa lần lượt là 36 tháng và 12 tháng, quy trình xử lý hồ sơ, giấy tờ đơn giản, linh hoạt phương thức trả nợ gốc lãi phù hợp với dòng tiền và khả năng thanh toán của khách hàng…
Hàng loạt ngân hàng khác như: Sacombank, VPBank, Techcombank, Pvcombank, ACB… cũng có gói tín dụng cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực đời sống, tiêu dùng.
Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB cho biết trong 9 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng của ACB tăng 14% so với đầu năm.
“Chúng tôi hy vọng trong thời gian từ nay đến cuối năm, tăng trưởng tín dụng dần được cải thiện. ACB tiếp tục đẩy mạnh cung ứng vốn, với lãi suất ưu đãi ra thị trường, cho vay linh hoạt để làm sao vừa hỗ trợ được doanh nghiệp, vừa thúc đẩy tăng trưởng của ngân hàng. ACB cam kết cho vay 5.000 tỷ đồng vốn giá rẻ thông qua các hiệp hội doanh nghiệp và sẽ tiếp tục nâng gói vốn tín dụng lên 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp trong dịp cuối năm nay”, ông Phát nói.
Đại diện Sacombank cho biết, quý IV là thời điểm nhu cầu vốn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng cao, phục vụ cho mùa lễ tết sắp đến. Việc kịp thời triển khai các gói tín dụng ưu đãi, giảm lãi suất là sự chia sẻ của Sacombank nhằm đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng chung cho toàn nền kinh tế.
Mở rộng quy mô các gói tín dụng
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, các chỉ số kinh tế 9 tháng 2024 cho thấy môi trường kinh doanh đang phục hồi tích cực là điều kiện thuận lợi để hấp thụ vốn tín dụng.
Tại TP. Hồ Chí Minh, đến cuối tháng 9/2024, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt 3.748 nghìn tỷ đồng, tăng 5,83% so với cuối năm và tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước (trong đó khối ngân hàng thương mại cổ phần tăng 8,5%). Riêng tháng 9/2024, tín dụng đạt tốc độ tăng trưởng cao, tăng 1,1% so với tháng trước (tháng 8 tăng 0,75%, tháng 7 giảm 0,09%, tháng 6 tăng 2,03%.
Đặc biệt, tăng trưởng tín dụng tại Hà Nội bứt phá mạnh mẽ. Cuối tháng 9/2024, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP. Hà Nội ước đạt 4.072 nghìn tỷ đồng, tăng 0,78% so với cuối tháng trước và tăng 12,59% so với thời điểm cuối năm 2023.
Hiện nay, lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước với các khoản vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,9 – 9,3%/năm. Trong đó, lãi suất cho vay ngắn hạn dao động từ 4,5-6,5%/năm, lãi suất trung dài hạn dưới 9%/năm; hạn mức cho vay dựa trên giá trị tài sản đảm bảo hoặc mức độ ngân hàng kiểm soát dòng tiền.
Lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) bình quân khoảng 3,6%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (4%/năm).
Tại họp báo mới đây, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thông tin, đến nay, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 9%, cao hơn nhiều so với cuối tháng 8 nhờ một số dự án lớn được giải ngân trong giai đoạn cuối quý III. Nếu so với cùng kỳ năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế hiện đạt hơn 16%, vào khoảng 14,7 triệu tỷ đồng.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn đạt hơn 20%. Một số lĩnh vực như lâm nghiệp, thuỷ hải sản xuất khẩu… giải ngân trên 40.000 tỷ, vượt xa so với gói tín dụng 15.000 tỷ đặt ra ban đầu. Ngân hàng Nhà nước đang chuẩn bị trình gói tín dụng 60.000 tỷ đồng cho lĩnh vực này.
Theo nhận định của các chuyên gia, trong giai đoạn cuối năm 2024, nhiều chính sách đáng chú ý có thể tác động đến tín dụng. Và, phía các ngân hàng thương mại cũng khẳng định sẵn sàng mở rộng hạn mức cho các chương trình ưu đãi nếu các doanh nghiệp có nhu cầu.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận