Kinh tế châu Á tăng trưởng tích cực: “Đầu tàu” kinh tế nhiều triển vọng
Ảnh minh họa
Với vị trí địa lý chiến lược và môi trường chính trị ổn định hơn so với mặt bằng chung toàn cầu, châu Á đang có những bước tiến vững chắc, khẳng định vai trò là động lực tăng trưởng và có nhiều triển vọng gánh vác trọng trách “đầu tàu” kinh tế toàn cầu.
Trong nửa đầu năm 2024, kinh tế châu Á đã tăng trưởng mạnh hơn dự kiến. Giám đốc phụ trách châu Á – Thái Bình Dương Krishna Srinivasan của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá, châu Á vẫn là động lực tăng trưởng của thế giới, đóng góp tới 60% tăng trưởng toàn cầu. Các nước ở châu Á cũng đã đưa lạm phát về mức thấp và ổn định nhanh hơn các khu vực khác. Điều này đồng nghĩa với việc hầu hết các ngân trung ương châu Á có thể cắt giảm lãi suất, nhất là trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ.
Thực tế, sức tăng trưởng mạnh mẽ này là hệ quả của một quá trình phát triển dài hơi. Châu Á chiếm 57% tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu từ năm 2015 đến năm 2021. Năm 2021, châu Á đóng góp 42% GDP thế giới (tính theo sức mua tương đương), nhiều hơn bất kỳ khu vực nào khác, củng cố vị thế của mình như là một sự hiện diện lớn trong thương mại thế giới. Châu Á chiếm 53% thương mại hàng hóa toàn cầu và từ năm 2001 đến năm 2021, chiếm 59% tăng trưởng thương mại. Lúc này, châu Á có tới 18 trong số 20 hành lang phát triển nhanh nhất và 13 trong số 20 hành lang kinh tế lớn nhất.
Mặt khác, IMF cũng kỳ vọng nhu cầu nội địa ở khu vực châu Á sẽ gia tăng trước các khu vực khác, sau những tác động của các đợt thắt chặt tiền tệ trong quá khứ. Cơ quan này cũng dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ và Trung Quốc tiếp tục vững chắc, mặc dù hai nền kinh tế này sẽ tăng trưởng chậm lại phần nào vào năm 2025. Đối với các thị trường mới nổi ngoài Trung Quốc và Ấn Độ, IMF kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ và rộng khắp. Với niềm tin vững vàng như vậy, IMF quyết định nâng mức dự báo tăng trưởng của khu vực lên 4,6% trong năm 2024 và 4,4% cho năm 2025.
Trong khi đó, châu Âu đang đứng trước nhiều dự báo ảm đạm. Lực lượng lao động già đi và tăng trưởng năng suất thấp được dự báo làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của châu Âu trong 10 năm cho đến năm 2029 chỉ còn 1,45%. Theo Ngân hàng thương mại Hamburg (HCOB), sự giảm sút hoạt động kinh tế trong khu vực đang tập trung ở Đức và Pháp, hai nền kinh tế lớn nhất.
Với diễn biến phát triển trái ngược, không lạ khi các chuyên gia kinh tế đều nhận định châu Á sẽ gánh vác trọng trách “đầu tàu” kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, các ý kiến cũng cảnh báo, kinh tế châu Á vẫn phải cảnh giác với những rủi ro từ tình hình chiến sự Trung Đông. Hiện nay, mỗi ngày có khoảng 14 triệu thùng dầu được vận chuyển qua eo biển Hormuz, trong đó có lượng đáng kể cung cấp cho 2 nền kinh tế hàng đầu châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ. Nếu xung đột leo thang, cả hành lang hàng hải Á – Âu qua vùng biển Ả Rập – vốn là tuyến hàng hải xuất khẩu chính của châu Á, cũng sẽ bị đe dọa. Đó là chưa kể châu Á được dự báo vẫn tiếp tục phải chống chọi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt và những đợt thiên tai nghiêm trọng.
Mặt khác, điều kiện bên ngoài của nền kinh tế châu Á vẫn khắc nghiệt và các nhà hoạch định chính sách quốc gia trong khu vực đang phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn. Các rủi ro đối với triển vọng kinh tế khu vực cũng gia tăng, với dấu hiệu cho thấy nhu cầu toàn cầu có thể suy yếu, sẽ tác động không tốt đối với châu Á vốn phụ thuộc vào sản xuất và xuất khẩu. Nhu cầu nội địa Trung Quốc yếu và việc các quốc gia trên toàn cầu tiếp tục triển khai nhiều hơn các rào cản thương mại, buộc các luồng thương mại phải điều chỉnh, khiến chi phí gia tăng. Điều này sẽ khiến tăng trưởng toàn cầu chậm lại. Và, khi điều này xảy ra, đương nhiên châu Á sẽ bị ảnh hưởng lớn do sự liên kết chặt chẽ với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhìn chung, trong bối cảnh nhiều khó khăn đang kéo tụt nền kinh tế các khu vực vốn “một thời vang bóng”, châu Á đang hội tụ đầy đủ mọi điều kiện cần thiết để bứt phá, trở thành động lực chính dẫn dắt tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Các chuyên gia khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách châu Á nên tập trung vào chính sách tiền tệ và tài khóa, bảo đảm xây dựng được vùng đệm chống lại rủi ro giảm phát, đồng thời bảo toàn nhu cầu để giải quyết các thách thức dài hạn như biến đổi khí hậu và già hóa dân số.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận