Mixue trước thềm IPO “bom tấn”: Thống trị ngành kem và trà ở Đông Nam Á, kiếm hàng nghìn tỷ từ Việt Nam, lợi nhuận cho Phê La, Koi Thé “hít khói”
Mixue được ví như “nỗi ám ảnh” của các thương hiệu địa phương và bị nhiều người trong ngành bày tỏ sự quan ngại sâu sắc, không riêng tại Việt Nam.
Thông tin gây chú ý gần đây, Mixue đã nộp hồ sơ niêm yết tại sàn chứng khoán Hongkong. Giới phân tích dự kiến đây sẽ là thương vụ IPO “bom tấn” của mảng F&B trong năm 2024.
Thực tế, từ năm 2022, Mixue từng nộp hồ sơ niêm yết tại sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến, tuy nhiên sau đó hồ sơ được rút lại. Mức định giá của Mixue vẫn đang được đồn đoán nhưng dự kiến sẽ là hàng tỷ USD.
Tương ứng, hai anh em sáng lập nhà Zhang (bao gồm Chủ tịch Hongchao Zhang và CEO Hongfu Zhang mỗi người chiếm 42,8% cổ phần của Mixue) sẽ gia nhập những người giàu nhất Trung Quốc.
Những chiếc kem giá rẻ
Mixue là chuỗi cửa hàng nổi tiếng từ Trung Quốc, được thành lập vào năm 1997. Khởi đầu từ cửa hàng bán đá xay đồ uống hoa quả, với tên gọi sơ khai là Coldsnap Shave Ice, đến năm 1999 chuỗi đổi tên thành Mixue Bing Cheng.
Có 3 lý do chính làm nên thành công của Mixue hiện tại: Kem giá rẻ, tiện lợi và nhượng quyền kinh doanh.
Ảnh: Từ năm 2000, Mixue tăng trưởng cực mạnh với sản phẩm cốt lõi là kem 2 tệ, thay đổi thị trường kem tại Trung Quốc.
Trong đó, từ năm 2000, Mixue tăng trưởng cực mạnh với sản phẩm cốt lõi là kem 2 tệ, từ đó thay đổi thị trường kem tại Trung Quốc. Bên cạnh kem giá rẻ, năm 2007 Mixue bắt đầu nhượng quyền và tập trung chủ yếu ở các thành phố cấp 3-4 tại Trung Quốc, rồi nhanh chóng nhân rộng quy mô chỉ sau thời gian ngắn. Hiện, trong tổng số 36.000 cửa hàng, Miuxe chỉ tự vận hành 60 cửa hàng.
Theo người trong ngành, 2018 có thể được xem là năm bước ngoặt của Mixue khi thuê Hua & Hua – một công ty tư vấn nổi tiếng bậc nhất của Trung Quốc trong mảng F&B – về giúp tái cấu trúc lại Mixue (bao gồm thay đổi nhận diện về logo, tạo ra linh vật snow king – một trong những linh vật phổ biến bậc nhất làng F&B…). Đây cũng là năm đầu tiên Mixue “xuất ngoại”.
Đến hiện tại, Mixue theo các nhận định đã thống trị ngành kinh doanh kem và trà ở Đông Nam Á nhiều năm liền, bao gồm Việt Nam. Cuối năm 2023, không chỉ gần 32.000 cửa hàng tại Trung Quốc, Mixue đang sở hữu 4.000 cửa hàng hoạt động ở mỗi nước tại Đông Nam Á bao gồm Philippines, Thái Lan, Việt Nam và Indonesia – vượt “đàn anh” Starbucks hay McDonalds.
Nỗi ám ảnh bao trùm loạt “local brand” của Việt Nam
Mixue vào Việt Nam từ năm 2018, bắt đầu tại các thành phố lớn như Hà Nội và Tp.HCM. Nhờ mô hình nhượng quyền, đến năm 2023, số lượng cửa hàng của họ đã vượt 1.000.
Sản phẩm chủ lực của Mixue là trà sữa và kem, nổi bật với lợi thế cạnh tranh về giá cả phải chăng, trung bình rơi vào khoảng từ 25.000 – 35.000 đồng. Riêng kem ốc quế có giá chỉ 10.000 đồng. Đây là mức giá được đánh giá là khá rẻ so với sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Lợi thế giá rẻ do Mixue sản xuất hàng loạt nguyên liệu thô tại Trung Quốc. Một nhân viên Mixue cho biết các nguyên liệu như trà và kem sữa đều được sản xuất bởi một công ty con tại Trung Quốc và sau đó xuất khẩu.
Theo giới quan sát, Mixue cũng có sự thay đổi vô cùng linh hoạt tại thị trường Việt Nam, khi thị trường trà sữa đạt đến ngưỡng bão hòa thì Mixue liền chuyển sang kem tươi thành sản phẩm chủ đạo, tinh gọn menu trà sữa, lấy yếu tố giá cạnh tranh đánh vào tệp khách hàng học sinh, sinh viên.
Toco Toco – một thương hiệu cũng từng nổi trội của Việt Nam – cũng chuyển sang bán kem với giá chỉ 8.000 đồng/chiếc. Dù vậy, trong khi Toco Toco lỗ 3 năm liên tiếp thì Mixue tăng trưởng lợi nhuận phi mã. Và Mixue được ví như “nỗi ám ảnh” của các thương hiệu địa phương, không riêng tại Việt Nam.
Ở Indonesia, Mixue đã trở thành một xu hướng trên các nền tảng truyền thông xã hội. Mọi người đăng các bài mô tả sự yêu thích hàng ngày của họ đối với các sản phẩm Mixue, đồng thời pha trò cười với các meme…
Tương tự tại Thái Lan. Trước sự đổ bộ này, một số người lo ngại rằng các thương hiệu Trung Quốc giá rẻ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến ngành thực phẩm và đồ uống trong nước. Ông Charoen Kaowsuksai, Chủ tịch phân ngành thực phẩm và đồ uống tại Liên đoàn Các ngành công nghiệp Thái Lan, cho biết sự gia tăng nhanh chóng của các chuỗi cửa hàng Trung Quốc giá rẻ sẽ gây thiệt hại cho các nhà hàng địa phương.
Ảnh: Lợi nhuận Mixue tại Việt Nam vượt Phê La, KOI Thé.
Theo Vietdata, Mixue đã đạt được tốc độ tăng trưởng doanh thu ấn tượng trong năm 2023 với doanh thu gần 1.260 tỷ đồng, tăng hơn 160% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế của công ty cũng tăng mạnh, tăng hơn 200% so với năm trước, vượt cả KOI Thé và Phê La.
Mixue kiếm tiền như thế nào?
Là chuỗi F&B lớn bậc nhất thế giới, song Mixue cũng được xếp là công ty sản xuất với 5 nhà máy lớn và hệ thống giao vận hậu cần hoàn thiện. Từ năm 2012, Mixue xây nhà máy và sang năm 2014, công ty phát triển thêm hệ thống giao vận. Công ty đang có 5 nhà máy lớn tại Trung Quốc và 30 điểm kho vận trung chuyển ở các quốc gia khác.
Đó cũng là lý do Mixue được nhìn dưới hình thức một công ty sản xuất và vận hành chuỗi cung ứng với dòng tiền chính từ (i) bán máy móc cho bên mua nguyên liệu và (ii) bán nguyên liệu.
Theo BCTC năm 2021, doanh thu của Mixue tăng gấp đôi lên 10,35 tỷ nhân dân tệ (1,45 tỷ USD). Trong đó, bán nguyên liệu cho cửa hàng nhượng quyền là một trong những nguồn doanh thu chính của Mixue, chiếm tới 70% vào năm 2021. Con số này trong năm 2023 được biết hơn 90%.
Ngoài ra, với việc chủ sở hữu Mixue chỉ nắm khoảng 60 trong số hơn 36.000 cửa hàng giúp Mixue chi ít tiền hơn rất nhiều so với mô hình sở hữu trực tiếp được sử dụng bởi nhiều đối thủ của nó như Nayuki và Heytea – những cửa hàng trà sữa có tiếng ở Trung Quốc.
Mixue hướng đến mô hình B2B (Business To Business, kinh doanh hay giao dịch trực tiếp giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp) thay vì B2C (Business To Consumer, kinh doanh hay giao dịch trực tiếp giữa doanh nghiệp và khách hàng). Mixue thậm chí không phát sinh các chi phí liên quan đến hoạt động của cửa hàng như tiền thuê, cho phép nó tạo ra tỷ suất lợi nhuận tương đối cao.
Tri Túc
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận