HPG: Lý do khiến khối ngoại bán ra hàng trăm tỷ ‘cổ phiếu quốc dân’
Luỹ kế sau 5 phiên giao dịch (21-25/10), nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 1.178 tỷ đồng trên toàn thị trường. Riêng trên HoSE, khối này bán ròng 1.043 tỷ đồng, trong đó bán ròng mạnh nhất “cổ phiếu quốc dân” HPG của Tập đoàn Hòa Phát với giá trị 301 tỷ đồng.
Trên thị trường, cổ phiếu HPG cũng diễn biến kém khởi sắc với 3 phiên giảm đỏ và 2 phiên đứng ở mức tham chiếu.
Cổ phiếu đầu ngành thép mất “sức hút” đối với thị trường nói chung, khối ngoại nói riêng được cho là ảnh hưởng bởi làn sóng điều tra chống bán phá giá, bất chấp việc doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh khởi sắc.
Quý III/2024, Hòa Phát ghi nhận 3.022 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước (2.000 tỷ đồng). Lũy kế 9 tháng, Hòa Phát ghi nhận 9.210 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 140% so với cùng kỳ năm trước.
Khối ngoại bán ròng mạnh nhất cổ phiếu HPG với giá trị 301 tỷ đồng trong tuần qua.
Theo thống kê, chỉ trong vòng 4 tháng (từ tháng 6 đến nay) đã có 7 vụ việc các nước sử dụng các biện pháp liên quan đến phòng vệ thương mại mặt hàng thép Việt Nam. Điều này được cho là tạo ra nhiều rủi ro hơn trong bối cảnh các doanh nghiệp đang lên kế hoạch tăng sản lượng, trong đó có Hòa Phát.
“Các vụ điều tra gần đây của các nước đối với sản phẩm thép Việt Nam không phải liên quan đến hành vi lẩn tránh thuế. Trước đây, một số vụ việc điều tra lẩn tránh thuế thép Việt Nam là do doanh nghiệp sử dụng thép cán nóng của Trung Quốc để sản xuất thép cán nguội và một số sản phẩm khác để xuất khẩu. Nhưng hiện tại Việt Nam đã có 2 doanh nghiệp sản xuất thép cán nóng là Hoà Phát và Formosa”, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết.
Tính tới cuối tháng 6, Hoà Phát đã rót 42.384 tỷ đồng vào dự án Khu liên hợp Gang thép Dung Quất, tăng 58% sau một quý. Tập đoàn đang dồn lực triển khai xây dựng dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, quy mô 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng/năm.
Dự kiến cuối năm 2024 sẽ có những sản phẩm đầu tiên của phân kỳ 1 đưa ra thị trường. Khi hoàn thành dự án Dung Quất 2, năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát sẽ đạt trên 14 triệu tấn/năm, tương đương Top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới.
Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 có quy mô 280 ha, tổng vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng.
Để tiêu thụ lượng thép từ Dung Quất 1 và 2, tập đoàn đang phải đẩy mạnh kênh xuất khẩu, trong đó có việc tìm kiếm các thị trường mới.
Theo ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu SSI Research, mức độ rủi ro của ngành thép khi tăng công suất sẽ phụ thuộc nhiều vào áp lực từ các vụ điều tra chống bán giá mà các nước đang tiến hành. Có thể sản lượng của các nhà máy vẫn tốt nhưng họ sẽ phải cắt giảm giá bán nhiều hơn nếu thị trường không như kỳ vọng.
“Nếu thép HRC của Việt Nam bị EU, Ấn Độ áp thuế, nhưng đồng thời Việt Nam cũng áp thuế nhập khẩu với mặt hàng này, các doanh nghiệp hưởng lợi nhiều hơn là thiệt hại. Bởi hơn 6 triệu tấn hàng nhập khẩu đã bị chặn. Nhưng nếu Việt Nam không áp thuế HRC nhập khẩu, Hoà Phát sẽ gặp khó khăn lớn bởi năm sau họ tăng công suất”, ông Châu nói.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận