GS.TS Nguyễn Xuân Thắng – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: “Ngành cao su đã có những đóng góp quan trọng, toàn diện cho đất nước”
Việt Nam là quốc gia có những điều kiện thuận lợi cho việc trồng và khai thác cao su thiên nhiên.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: CTV
Từ cuối thế kỷ XIX, chính quyền thực dân và tư bản Pháp đã tìm cách du nhập, trồng thử nghiệm nhiều giống cao su khác nhau ở Việt Nam. Năm 1897, gần 2.000 cây cao su hévéa brasiliensis đã được trồng thử nghiệm thành công ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, đặt dấu mốc quan trọng mở đầu cho lịch sử trồng và khai thác cao su thiên nhiên ở Việt Nam.
Cùng với sự ra đời của các đồn điền cao su, đội ngũ công nhân cao su đã từng bước phát triển mạnh mẽ. Phát huy truyền thống yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc, những người công nhân cao su đã đứng trên tuyến đầu trong cuộc đấu tranh chống lại sự bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp, bảo vệ quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, từng bước giác ngộ lý tưởng cách mạng dưới ngọn cờ của Đảng quang vinh. Ngày 28/10/1929, tại Làng 3 đồn điền cao su Phú Riềng, xã Thuận Lợi (nay là xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước), Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên ở miền Đông Nam Bộ đã được thành lập, đánh dấu mốc son chói lọi và trở thành Ngày truyền thống của ngành cao su Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đội ngũ công nhân cao su đã cùng với giai cấp công nhân, quân và dân cả nước có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, viết nên những trang sử truyền thống vẻ vang của ngành cao su Việt Nam Anh hùng.
Trong công cuộc đổi mới hôm nay, lĩnh vực trồng trọt, khai thác và chế biến cao su đã được đầu tư, phát triển trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, nâng tầm giá trị của nguồn tài nguyên quý giá, “vàng trắng” của đất nước. Đến nay, tổng diện tích cao su trên cả nước đạt gần 1 triệu ha, trải dài từ Tây Bắc, Nam Trung Bộ đến Tây Nguyên, Đông Nam Bộ… và phát triển sang nước bạn Lào, Campuchia. Việt Nam trở thành nước sản xuất và xuất khẩu cao su thiên nhiên lớn thứ ba trên thế giới. Cùng với giá trị to lớn về kinh tế, ngành cao su đã có những đóng góp quan trọng, toàn diện vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, củng cố quốc phòng – an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, tăng cường hợp tác quốc tế… của đất nước ta. Sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện, hiện đại của ngành cao su Việt Nam hôm nay ghi nhận vai trò quan trọng, có ý nghĩa quyết định của VRG với những nỗ lực, cống hiến to lớn của nhiều thế hệ CB.CNV LĐ của Tập đoàn.
Cây cao su đã chứng minh được tính phát triển bền vững thông qua việc phủ xanh đất trống đồi trọc, tăng độ che phủ; giải quyết việc làm và thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động ở vùng sâu vùng xa; phát triển cây cao su gắn với xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội như điện – đường – trường – trạm; hình thành các khu thị trấn thị tứ, củng cố quốc phòng an ninh; thắt chặt mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa 3 nước Đông Dương.
Những thành tựu và kinh nghiệm được đúc kết trong suốt cả chặng đường xây dựng và phát triển, là nền tảng và cơ sở vững chắc để VRG kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang và những tiềm năng, thế mạnh để tiếp tục tiến lên giành những thắng lợi mới trong chặng đường phía trước, vì mục tiêu phát triển ngành cao su bền vững, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
CSVN
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận