Tác động cuộc chiến Nga – Ukraine và cơ hội giao thương, thu hút đầu tư của doanh nghiệp Việt
Trong bối cảnh cuộc chiến Nga-Ukraine chưa có hồi kết, Việt Nam cần tận dụng cơ hội gia tăng các hoạt động giao thương và thu hút đầu tư dịch chuyển từ các nước nhằm gia tăng nhanh năng lực cung cấp hàng hóa được sản xuất từ Việt Nam…
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) vừa hoàn tất bản bản kiến nghị Quý III/2024 gửi các Bộ ngành. Đây cũng là tài liệu phục vụ cho kỳ họp Quốc hội lần này.
Ngoài kiến nghị riêng về thị trường bất động sản, bản kiến nghị quý III/2024 của NEU tập trung vào 4 nhóm chủ đề: Thúc đẩy phát triển kinh tế số trong bối cảnh hiện nay; Thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam; Thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa trong bối cảnh tác động của cuộc chiến Nga-Ukraine; Từng bước tháo gỡ khó khăn trên thị trường tài chính-tiền tệ, thúc đẩy phát triển kinh tế trong bối cảnh mới.
Cần tận dụng cơ hội
Về chủ đề “Thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa trong bối cảnh tác động của cuộc chiến Nga-Ukraine”, theo các chuyên gia, tác động của “Cuộc chiến Nga- Ukraine” đã làm giảm hiệu ứng của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia.
Khẳng định Việt Nam đã thể hiện và bày tỏ quan điểm rất đúng đắn không ủng hộ bên nào trong cuộc chiến mặc dù sức ép từ nhiều phía, tuy nhiên, theo các chuyên gia, Việt Nam đang có lợi ích với cả các bên trực diện tham gia cuộc chiến lẫn những nước ủng hộ thay đổi cục diện kinh tế, chính trị Châu Âu.
Đặc biệt, Việt Nam có mối quan hệ ngoại giao và kinh tế đối với cả hai quốc gia. Đồng thời Mỹ và EU là hai thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam trong khi Nga lại là đối tác đầu tư khai thác dầu lớn của Việt Nam.
“Xét về mặt thực tiễn cho thấy khi có sự hỗn loạn và thay đổi mạnh mẽ do cuộc chiến chính lại là cơ hội cho các nước khác thâm nhập và cung cấp hàng hóa thiếu hụt cho EU, đặc biệt là những hàng hóa trước đây phải nhập từ Nga và Ukaine. Dấu hiệu EU tăng nhập than củi, dầu mở, hàng thiết yếu…. cho thấy rõ nhu cầu đó nhưng gần như các doanh nghiệp Việt Nam lại không nắm được cơ hội đó. Rất ít doanh nghiệp chen chân vào thay thế nhà cung cấp hàng hóa cho EU….”- Bản kiến nghị nêu thực tế.
Đồng thời lưu ý, khi EU ổn định trở lại và có đủ nhà cung cấp thì việc cạnh tranh và giành thị trường càng thêm khó khăn. Để tận dụng cơ hội này, các chuyên gia đưa ra 3 kiến nghị;
Một là, Việt Nam cần gia tăng các đoàn ra, tham gia mạnh mẽ các diễn đàn về xuất hàng hóa tại Châu Âu, nhanh chóng nắm bắt cơ hội bán hàng hóa tại Châu Âu và là cơ hội tốt nhất thâm nhập sâu thị trường Châu Âu, không vì lo sợ chiến tranh mà né tránh giao thương với Châu Âu.
Rất ít doanh nghiệp chen chân vào thay thế nhà cung cấp hàng hóa cho EU… (Ảnh: Vietrade)
Hai là, cần sớm ổn định tình hình kinh tế và chính trị nội bộ, chú trọng phát triển các điều kiện kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính nhằm đón luồng vốn dịch chuyển FDI từ Mỹ, EU, thậm chí từ Trung Quốc nhằm gia tăng nhanh năng lực cung cấp hàng hóa được sản xuất từ Việt Nam xuất sang các nước, đặc biệt là xuất sang Mỹ và Châu Âu.
Ba là, Tái cơ cấu lại ngành điện, năng lượng Việt Nam chuẩn bị tốt nhất cho công cuộc phát triển kinh tế nói chung và hỗ trợ cho các doanh nghiệp FDI an tâm đầu tư vào Việt Nam. Tiếp tục thực hiện chương trình tiếp nhận công nghệ qua FDI, học hỏi và cải tiến công nghệ nhằm lan tỏa cho các doanh nghiệp Việt Nam. Hiện nay, sản xuất chip nói riêng và sản xuất hàng chế biến chế tạo nói chung đang thiếu điện mà ban quản lý truyền tải điện chưa phát huy hết tiềm năng, đã chuyển về Bộ Công Thương quản lý nhưng cần cơ chế và thủ tục rõ ràng hơn, minh bạch hơn mới thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia.
Tạo cơ chế cùng có lợi…
Trong bản kiến nghị này, các chuyên gia NEU nêu lên một thực tế là hiện nay, Trung Quốc, nước láng giềng và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có tình trạng năng lực sản xuất dư thừa nhưng đang bị Mỹ và EU trừng phạt về hạn chế nhập khẩu hàng của Trung Quốc.
“Vì vậy, cơ hội xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ, EU và các nước đồng minh là có lợi thế. Việt Nam cần tạo cơ chế cùng có lợi để tận dụng cơ hội quốc tế này…”- Chuyên gia đưa ra lời khuyên.
Mặc dù vậy, cần thận trọng với khả năng chịu sự lệ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc khi mà ngày càng có nhiều nguồn vốn FDI của nước này dịch chuyển sang Việt Nam.
Cơ chế Win-Win vẫn là lựa chọn tốt nhất có thể (ảnh:TTXVN)
Vì vậy, rất cần một số lựa chọn thông minh trong bối cảnh này.
Một là, lập quy hoạch phát triển sản xuất xanh, sạch, bền vững nhằm phân lập một số nhóm hàng hóa được phép tiếp nhận FDI Trung Quốc để tăng năng lực như hàng hóa tiêu dùng, hàng hóa xuất khẩu. Những mặt hàng trọng yếu, có tác động lớn tới nền kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng thì hướng đến công nghệ cao hơn, chủ động và tự chủ.
Hai là, chấp nhận một phần lý thuyết “vòng tăng trưởng kép”, “Một vành đai, một con đường” và là quốc gia cầu nối cho Trung Quốc với ASEAN tốt hơn là tẩy chay tất cả. Với Hiệp định RCEP cho thấy Trung Quốc vừa muốn tạo ra khu vực mậu dịch tự do không có Mỹ, EU, Ấn Độ… để dễ bề làm chủ các chuỗi cung ứng khu vực mới. Việt Nam cần phải phân tích kỹ hơn lợi ích-chi phí để tận dụng cơ hội cùng có lợi thay vì né tránh.
“Khi năng lực các doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ và lệ thuộc nhiều vào Trung Quốc từ công nghệ sản xuất tới nguyên phụ liệu mà chưa đủ năng lực tách ra độc lập thì cơ chế Win-Win vẫn là lựa chọn tốt nhất có thể…”- Chuyên gia NEU gợi ý
Liên quan đến chủ đề này, các chuyên gia NEU cũng khuyến nghị Việt Nam cần linh hoạt trong các hình thức đối lưu hàng hóa và đa dạng hàng hóa nhận về từ Nga; Đặc biệt, Việt Nam cần chủ động gia tăng dự trữ cho nền kinh tế trước tình thế “Cuộc chiến Nga- Ukraine” còn tiếp diễn và có nguy cơ lan rộng
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận