Việc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine khiến Nga ‘ngạc nhiên’
Mặc dù là một quốc gia thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đặt mục tiêu duy trì mối quan hệ tích cực với cả Nga và Ukraine.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong cuộc phỏng vấn gần đây với báo Hurriyet của Thổ Nhĩ Kỳ đã phàn nàn về việc Ankara cung cấp vũ khí cho Ukraine sử dụng trong cuộc xung đột với Nga trong khi vẫn cố gắng đóng vai trò trung gian trong cuộc xung đột giữa Moscow và Kiev.
Ông Lavrov bày tỏ lòng biết ơn đối với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ “vì đã tạo điều kiện giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine”, đặc biệt đề cập đến các cuộc đàm phán giữa Kiev và Moscow tại Istanbul vào tháng 3/2022 nhưng cuối cùng chưa mang lại kết quả mong muốn.
Đồng thời, nhà ngoại giao Nga cũng chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ vì đã hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến bằng cách cung cấp thiết bị quân sự.
“Tình hình này không thể không gây ngạc nhiên, xét đến tuyên bố của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ rằng họ sẵn sàng đứng ra làm trung gian”, ông Lavrov cho biết trong cuộc phỏng vấn được Hurriyet công bố hôm 1/11.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu tại Diễn đàn Ngoại giao Antalya 2024 tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 1/3/2024. Ảnh: Getty Images
Thực ra Thổ Nhĩ Kỳ đã công khai cung cấp vũ khí cho Ukraine kể từ khi chiến sự nổ ra ở Ukraine vào tháng 2/2022. Ví dụ, một tháng sau khi giao tranh bắt đầu, Kiev cho biết một lô máy bay không người lái Bayraktar TB-2 mới do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất đã được đưa vào sử dụng để thúc đẩy nỗ lực chiến đấu của Ukraine.
Song song với đó, Ankara ngay từ đầu đã cố gắng đóng vai trò dẫn đầu trong các cuộc đàm phán hòa bình giữa Kiev và Moscow. Thổ Nhĩ Kỳ cùng với Liên Hợp Quốc đã đứng ra làm trung gian cho thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen giữa Ukraine và Nga – vốn đã hết hạn sau một năm hiệu lực.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng được cho là đã trở thành “cửa sau” cho dòng dầu của Nga chảy vào Liên minh châu Âu (EU) kể từ khi khối này áp đặt các lệnh trừng phạt năng lượng lên Moscow.
Năm 2023, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành nước mua nhiên liệu hóa thạch lớn nhất thế giới của Nga, nhập khẩu khoảng 42,2 tỷ Euro (45,9 tỷ USD) dầu, khí đốt tự nhiên và than đá từ quốc gia này – tăng gấp 5 lần trong thập kỷ qua.
Tờ Financial Times của Anh hôm 22/10 đưa tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã âm thầm chặn xuất khẩu hàng hóa quân sự có nguồn gốc từ Mỹ sang Nga sau lời cảnh báo từ Washington.
Mặc dù là một quốc gia thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đặt mục tiêu duy trì mối quan hệ tích cực với cả Nga và Ukraine, và thường tìm cách chứng tỏ họ là bên trung gian đáng tin cậy trong bất kỳ nỗ lực mới nào nhằm đảm bảo hòa bình.
Tuy nhiên, việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS ở thành phố Kazan của Nga đã khiến cả Ukraine, Mỹ và EU không hài lòng.
Với việc Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là quốc gia nộp đơn xin gia nhập EU – mặc dù đơn xin gia nhập của nước này đã bị đóng băng ít nhất là từ năm 2018, Brussels đã bày tỏ rõ sự khó chịu của mình trước việc ông Erdogan dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS.
Có lẽ muốn xoa dịu căng thẳng trên mặt trận đó, Tổng thống Erdogan, vào ngày 28/10, đã nói rằng mối quan hệ đang phát triển của đất nước ông với các nước BRICS không có nghĩa là Ankara coi BRICS là một giải pháp thay thế cho con đường tiến tới EU.
Các nhà quan sát cho rằng như thường lệ, Thổ Nhĩ Kỳ đang phòng ngừa rủi ro, cố gắng đặt mình vào vị thế tốt nhất để tận dụng tối đa mối quan hệ với tất cả các cường quốc tùy thuộc vào nhiều kết quả khác nhau, chẳng hạn như diễn biến của cuộc xung đột Nga-Ukraine và kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Minh Đức (Theo Kyiv Independent, bne IntelliNews)
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận