So kè kết quả kinh doanh 3 “ông lớn” ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2024
9 tháng đầu năm 2024, Vietcombank, BIDV và VietinBank đều ghi nhận đà tăng trưởng tích cực về lợi nhuận và tài sản. Tuy nhiên, tỉ lệ nợ xấu của cả ba đều tăng cho thấy áp lực trong quản trị rủi ro vẫn còn lớn.
Mới đây, 3 ông lớn thuộc nhóm 4 ngân hàng quốc doanh là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank – HoSE: CTG), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – HoSE: BID) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – HoSE: VCB) đã công bố báo cáo tài chính quý III/2024 với nhiều chỉ tiêu tăng trưởng khả quan.
Vietcombank dẫn đầu về lợi nhuận
Theo đó, Vietcombank tiếp tục là ngân hàng ghi nhận mức lợi nhuận cao nhất trong số 3 ông lớn với khoản lãi sau thuế luỹ kế 9 tháng đầu năm 25.283 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ. Tính riêng quý III/2024, Vietcombank lãi sau thuế gần 8.573 tỷ đồng, tăng gần 18%.
Kế tiếp là BIDV với khoản lãi ròng sau thuế gần 17.330 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Trong quý III, BIDV cũng báo lãi tăng 10% so với cùng kỳ lên 6.498 tỷ đồng.
VietinBank đứng thứ 3 về lợi nhuận với khoản lãi 15.604 tỷ đồng sau 9 tháng, tăng 12% so với 9 tháng năm 2023. Ngân hàng này lãi 5.193 tỷ đồng trong quý III, tăng 33%.
Tại Vietcombank, động lực tăng trưởng chính cho lợi nhuận của ngân hàng không phải thu nhập lãi thuần khi khoản này chỉ tăng nhẹ 8% so với cùng kỳ lên 13.578 tỷ đồng.
Đa số nguồn thu ngoài lãi của ngân hàng cũng thụt lùi khi lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm 155 xuống 1.347 tỷ đồng, lãi từ chứng khoán kinh doanh cũng giảm 13% xuống 36 tỷ đồng trong khi chi phí hoạt động tăng 11% lên 5.811 tỷ đồng trong quý III/2024.
Nhờ tiết giảm chi phí dự phòng rủi ro 78% trong quý III và 44% trong 9 tháng năm 2024, từ 6.052 tỷ đồng xuống còn 3.347 tỷ đồng đã cứu cánh cho lợi nhuận của ngân hàng này.
Tương tự, động lực tăng trưởng lợi nhuận của BIDV cũng đến từ việc việc kiểm soát chi phí hoạt động đồng thời tiết giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 25% so với cùng kỳ xuống còn 4.453 tỷ đồng.
Do trong quý III, thu nhập lãi thuần của BIDV chỉ tăng 1% so với cùng kỳ lên hơn 13.989 tỷ đồng. Cùng với đó, các mảng kinh doanh ngoài lãi của ngân hàng như dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư đều suy giảm so với cùng kỳ. Duy chỉ có lãi từ hoạt động khác của BIDV tăng mạnh 103% lên gần 1.505 tỷ đồng.
Ngược lại với 2 ông lớn trên, lợi nhuận của VietinBank tăng là nhờ thu nhập lãi thuần của ngân hàng tăng 19% so với cùng kỳ lên 15.578 tỷ đồng.
Các nguồn thu ngoài lãi của ngân hàng cũng khả quan với lãi từ hoạt động khác tăng 181%, mang về gần 4.000 tỷ đồng.
Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh kỳ này cũng đem về khoản lãi 16 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 20 tỷ đồng.
Ngược lại, VietinBank cũng ghi nhận khoản lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 1% xuống 1.801 tỷ đồng và lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm 465 xuống 609 tỷ đồng.
Trong kỳ, ngân hàng đã tăng chi phí hoạt động thêm 20% lên 6.095 tỷ đồng và chi phí dự phòng rủi ro tăng 25% lên 9.269 tỷ đồng.
Ngôi vương tổng tài sản gọi tên BIDV
Kết thúc quý III/2024, BIDV là ngân hàng ghi nhận quy mô tổng tài sản lớn nhất đạt gần 2,58 triệu tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm.
Trong đó, số dư cho vay khách hàng đạt 1,95 triệu tỷ đồng, tăng 10% và tiền gửi của khách hàng đạt 1,87 triệu tỷ , cũng tăng 10% so với đầu năm.
Nối tiếp BIDV là VietinBank với tổng tài sản đạt 2,23 triệu tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 9%, đạt 1,6 triệu tỷ đồng và tiền gửi của khách hàng đạt gần 1,52 triệu tỷ đồng, tăng 8%.
Là quán quân về lợi nhuận nhưng Vietcombank chỉ ngậm ngùi xếp thứ 3 với tổng tài sản tăng 5% so với đầu năm lên hơn 1,93 triệu tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng của ngân hàng tăng 10,3% so với cùng kỳ lên 1,4 triệu tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng cũng tăng 2,5%, lên 1,43 triệu tỷ đồng.
Điểm chung giữa 3 ngân hàng quốc doanh trong kỳ này là đều ghi nhận tỉ lệ nợ xấu tăng so với hồi đầu năm. Cụ thể, tại VietinBank, kết thúc tháng 9, tổng nợ xấu của ngân hàng tăng gần 40% lên 23.225 tỷ đồng. Tỉ lệ nợ xấu/tổng dư nợ theo đó tăng từ 1,13% đầu năm lên 1,45%.
Chủ yếu do nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) của ngân hàng tăng 292% so với năm trước lên gần 9.823 tỷ đồng và nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 555 lên gần 7.432 tỷ đồng.
Tại BIDV, tổng nợ xấu của ngân hàng này cũng tăng gần 50% so với đầu năm lên 33.385 tỷ đồng. Tỉ lệ nợ xấu/tổng dư nợ vay theo đó tăng từ 1,26% lên 1,71% với 3 nhóm nợ đều ghi nhận sự tăng so với cùng kỳ.
Nợ nhóm 3 và 4 đều tăng 61% so với năm trước lên lần lượt 6.161 tỷ đồng và 8.933 tỷ đồng. Nợ nhóm 5 tăng 45% lên 18.291 tỷ đồng.
Với Vietcombank, kết thúc 9 tháng năm 2024, tổng nợ xấu của ngân hàng tăng 36% so với đầu năm lên 17.133. Kéo theo tỉ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay của ngân hàng tăng từ 0,99% lên 1,22% chủ yếu do nợ có khả năng mất vốn tăng 39% so với đầu năm lên 11.092 tỷ đồng.
Nguyễn Thị Thu Hương
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận