Doanh nghiệp ngành chăn nuôi phục hồi mạnh mẽ trong quý III/2024
Kết thúc quý III/2024, mặc dù vẫn có doanh nghiệp sụt giảm về doanh thu nhưng lợi nhuận của các công ty ngành chăn nuôi vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng.
Trong quý III/2024, ngành chăn nuôi tại Việt Nam đã có những biến động đáng chú ý, thể hiện qua kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp lớn. Mặc dù có sự khác biệt rõ rệt giữa các công ty, bức tranh chung cho thấy sự phục hồi và khả năng thích ứng của ngành trong bối cảnh thị trường đầy thách thức.
Khi heo ăn chuối không còn là “vật cưng”
Từng là một trong những sản phẩm kinh doanh chiến lược nhưng trong nhiều quý trở lại đây, tỷ trọng doanh thu từ heo của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL; HoSE: HAG) đều ghi nhận sụt giảm.
Theo đó, quý III/2024, doanh thu thuần của HAGL đạt 1.431 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước. Các lĩnh vực kinh doanh chủ lực của công ty đều gặp khó khăn, trong đó lĩnh vực heo ghi nhận sụt giảm mạnh nhất với 52% xuống còn 233 tỷ đồng, trong khi doanh thu từ trái cây cũng giảm 12%, đạt 880 tỷ đồng.
Dù doanh thu giảm, HAGL vẫn ghi nhận lợi nhuận gộp tăng từ 518 tỷ đồng lên 609 tỷ đồng, tương đương mức tăng 17%, nhờ vào việc tiết giảm giá vốn hàng bán. Biên lợi nhuận gộp của công ty cũng cải thiện từ 27,5% lên 42,6%. Bên cạnh đó, chi phí tài chính giảm 28% xuống còn 165 tỷ đồng chủ yếu nhờ lãi vay giảm, trong khi nợ phải trả giảm 5% xuống còn 13.532 tỷ đồng.
Kết thúc quý III/2024, HAGL đạt lợi nhuận 351 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của HAGL đạt 4.192 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế tăng 20% lên 851 tỷ đồng. Mặc dù còn lỗ lũy kế 626 tỷ đồng, HAGL đã thực hiện 54% kế hoạch doanh thu và 64% mục tiêu lợi nhuận cho năm 2024.
Báo lãi tăng bằng lần
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC) lại có một quý kinh doanh đầy khởi sắc khi ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.525 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù giá vốn hàng bán tăng cao, lợi nhuận gộp vẫn tăng gấp 2,2 lần lên 623 tỷ đồng, kéo biên lợi nhuận gộp tăng mạnh lên 17,7%.
Dabaco cho biết, tình hình giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước và nhập khẩu tương đối ổn định đã góp phần quan trọng trong việc gia tăng lợi nhuận. Công ty cũng thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ về kỹ thuật, quản lý và phát triển thị trường, giúp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả và tăng trưởng lợi nhuận.
Trong quý III/2024, mặc dù ngành chăn nuôi cả nước chịu áp lực dịch bệnh, Dabaco đã duy trì hoạt động hiệu quả nhờ vào các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh và an toàn sinh học.
9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Dabaco đạt 9.962 tỷ đồng, tăng 17%, trong đó doanh thu từ mảng bán thành phẩm sản xuất chiếm phần lớn với 9.780 tỷ đồng, tăng 30%.
Cùng chiều kinh doanh tăng trưởng, Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (HoSE: BAF) ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.525 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ.
Bất chấp giá vốn hàng bán tăng cao, lợi nhuận gộp trong kỳ vẫn tăng gấp 2,2 lần lên 623 tỷ đồng. Nhờ đó mà biên lợi nhuận gộp tăng mạnh lên 17,7% so với mức 10,4% của quý III/2023.
Ở chiều ngược lại, tất cả các chi phí đều ghi nhận phát sinh so với quý III/2023. Tuy nhiên, sau khi trừ các khoản chi phí, công ty báo lãi 312 tỷ đồng gấp 25 lần cùng kỳ năm trước.
Giải trình chênh lệch lợi nhuận, Dabaco cho biết, trong quý vừa qua, tình hình giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước và nhập khẩu tương đối ổn định; công ty cũng nghiên cứu, áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ về kỹ thuật, quản lý và phát triển thị trường…, do vậy, lợi nhuận các đơn vị chăn nuôi tăng cùng kỳ năm trước.
Quý III/2024, ngành chăn nuôi cả nước vẫn tiếp tục chịu áp lực dịch bệnh, tuy nhiên do áp dụng các giải pháp về phòng ngừa dịch bệnh, an toàn sinh học, tiêm phòng vắc-xin… nên các công ty chăn nuôi thuộc tập đoàn đã kiểm soát được dịch bệnh.
Mặt khác giá heo hơi trên thị trường tăng giúp cho lợi nhuận của các công ty chăn nuôi tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, lợi nhuận của các hoạt động khác cũng ghi nhận tăng trưởng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, “đại gia” chăn nuôi Bắc Ninh ghi nhận doanh thu thuần đạt 9.962 tỷ đồng, tăng 17%. Sau thuế, công ty báo lãi sau thuế tăng gấp hơn 28 lần lên 530 tỷ đồng.
Cùng chung tín hiệu của các doanh nghiệp cùng ngành, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) cũng đã có những thành công trong quý III/2024 với doanh thu mảng nông nghiệp tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lợi nhuận tăng đột biến tới 80%.
Sản lượng heo bán ra trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt 443.000 con, tăng 34%. Sản lượng trứng cung cấp ra thị trường tăng 5%, trong khi sản lượng thức ăn chăn nuôi tăng trưởng 4%. Nhờ vậy mà lợi nhuận sau thuế quý III/2024 của Hòa Phát đạt 3.022 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước.
Kết thúc 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của tập đoàn đạt 9.210 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ năm 2023.
Có thể thấy, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp ngành chăn nuôi trong quý III/2024 cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ và khả năng thích ứng với những biến động của thị trường.
Cuối năm có nhiều thuận lợi
Bộ NN&PTNT đánh giá, dù còn nhiều thách thức, nhưng những tháng cuối năm 2024, ngành chăn nuôi được dự báo sẽ thuận lợi hơn so với các năm trước. Hiện nay, giá các sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt giá thịt heo tăng, đảm bảo giúp chăn nuôi có lãi. Hơn nữa, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm trong nước tăng trưởng ở mức tăng 5,5%/năm, đầu ra cho chăn nuôi rộng mở hơn.
Tương lai của ngành chăn nuôi vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt trong bối cảnh giá thịt và sản phẩm chăn nuôi đang có xu hướng tăng, cùng với việc ngày càng nhiều doanh nghiệp áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất.
Bộ NN&PTNT đánh giá, dù còn nhiều thách thức, nhưng những tháng cuối năm 2024, ngành chăn nuôi được dự báo sẽ thuận lợi hơn so với các năm trước.
Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã giảm 2 – 3 đợt. Nhờ đó, doanh nghiệp và nông dân kỳ vọng giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ duy trì xu hướng giảm trong các tháng cuối của năm 2024, do giá nguyên liệu nhập khẩu đã giảm rất mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ triển khai những giải pháp thúc đẩy mô hình liên kết sản xuất nông hộ nhỏ, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, kết hợp tổng hợp và hài hòa các giải pháp kiểm soát dịch bệnh; sử dụng chế phẩm sinh học trong phòng chống dịch bệnh, xử lý chất thải chăn nuôi, tiết kiệm đầu vào nâng cao chất lượng đầu ra.
Cùng với đó, thúc đẩy sử dụng phế phụ phẩm của các ngành trồng trọt, lâm nghiệp, chế biến thủy sản để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm; đồng thời sử dụng chất thải chăn nuôi sản xuất phân bón cho cây trồng, để tạo nên tuần hoàn của ngành chăn nuôi theo tiêu chí bền vững, an toàn thân thiện với môi trường.
Nguyễn Phương Anh
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận