Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công
Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phát động Chiến dịch “60 ngày, đêm tăng tốc hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công năm 2024”. Mục tiêu đến ngày 31-12-2024, toàn tỉnh phải giải ngân 100% vốn đã được Chính phủ giao, bất luận khó khăn, thách thức.
Theo tổng hợp của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 10-2024, ước cả nước giải ngân được hơn 355.616 tỷ đồng, đạt 47,43% tổng kế hoạch; đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tại Thanh Hóa, ước tỷ lệ giải ngân 10 tháng năm 2024 đạt 70,57% kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 64,59% kế hoạch do tỉnh giao, đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân cao so với cả nước. Mặc dù là địa phương có kết quả giải ngân vốn đầu tư công cao so với cả nước nhưng tỉnh Thanh Hóa không chủ quan, thỏa mãn dừng lại, mà còn đề ra nhiều giải pháp, bảo đảm giải ngân hơn 30% vốn đầu tư công còn lại.
Ảnh minh họa: TTXVN
Những năm gần đây đã có nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vẫn chưa được giải quyết dứt điểm như vướng mắc về cơ chế, chính sách; giải phóng mặt bằng, quy hoạch sử dụng đất và nguồn cung ứng nguyên vật liệu; vướng mắc ở các khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, quy trình giải ngân của các dự án ODA… Trong điều kiện đó, Thanh Hóa đã đề ra chiến dịch giải ngân vốn đầu tư công, mục tiêu toàn tỉnh phải giải ngân 100% vốn đã được Chính phủ giao.
Cùng với chiến dịch là đồng bộ nhiều giải pháp căn cơ, trong đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phải sâu sát, quyết liệt, cụ thể, nắm tình hình thực hiện đến từng dự án để chỉ đạo; xác định rõ “điểm nghẽn” của từng địa phương, đơn vị, từng dự án để có biện pháp khắc phục vướng mắc. Đồng thời, sớm cụ thể hóa các luật, nghị định mới ban hành; thống nhất chủ trương điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm sử dụng sang dự án giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn, bảo đảm giải ngân hết số vốn đã được giao và yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…
Nhìn lại quá trình giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Thanh Hóa, ngay từ đầu năm, tỉnh luôn đặt nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công lên hàng đầu, thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương, đơn vị bám sát chỉ tiêu được giao, tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm đẩy nhanh tiến độ giải ngân theo kế hoạch được giao từng tháng, từng quý, từng dự án cụ thể…
Có thể thấy, việc giải ngân vốn đầu tư công phải được thực hiện trong suốt quá trình, gắn với thực hiện đồng bộ các giải pháp, ngay từ đầu năm, không phải “nước đến chân mới nhảy”, hay như dồn sức để chạy nước rút trong những ngày cuối năm là có thể thực hiện được. Nguồn vốn đầu tư công của các địa phương, đơn vị được phân bổ ngay từ đầu năm, do đó, việc chủ động xây dựng kế hoạch, dự kiến các khó khăn, vướng mắc, có giải pháp sát đúng để khắc phục phải nằm trong kế hoạch cụ thể của từng địa phương, đơn vị…
Vấn đề còn lại chính là tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, người đứng đầu địa phương, đơn vị trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ hằng ngày; đó cũng chính là ý thức “7 dám” của cán bộ hiện nay mà cả hệ thống chính trị của chúng ta đang hướng đến, không chỉ riêng trong thực hiện mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công mà trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ “công bộc” hằng ngày trước toàn dân, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới.
HOÀNG KHÁNH TRÌNH
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận