Giảm chi phí logistics: Giải pháp cạnh tranh, thu hút hàng hóa xuất nhập khẩu
Với chi phí cao, thiếu vắng các trung tâm quy mô lớn và cơ sở hạ tầng còn manh mún, ngành logistics vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trên con đường trở thành trụ cột của nền kinh tế.
Trong ảnh: hoạt động xuất nhập khẩu tại khu vực cảng Hải Phòng. Ảnh minh họa: Thái Bình
Nhiều tồn tại
Ngành logistics trong nước vẫn đang tồn tại nhiều vấn đề cần được cải thiện; thị trường bất động sản logistics còn phân tán, thiếu sự liên kết và quy hoạch đồng bộ; chi phí logistics cao, trong khi quy mô doanh nghiệp còn nhỏ và phụ thuộc lớn vào vận tải đường bộ… Đây là những đánh giá được các chuyên gia chia sẻ tại Hội nghị Logistics Việt Nam năm 2024 được tổ chức vào cuối tuần qua tại TPHCM.
Trong đó, tại các khu vực trọng điểm về XNK nông sản như Đồng bằng sông Cửu Long, hệ thống cảng biển, đặc biệt là cảng nước sâu, vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, buộc hàng hóa phải di chuyển qua các cảng lớn như TPHCM và Bà Rịa – Vũng Tàu, tạo ra áp lực lên hạ tầng và chi phí vận tải.
Tại Việt Nam, giá trị thị trường logistics đạt khoảng 40 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng với tỷ lệ khoảng 14 – 15% hàng năm đến năm 2025. Ngành logistics hiện đóng góp khoảng 4 – 5% GDP, và tạo ra công ăn việc làm cho hơn 1 triệu lao động trực tiếp.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, hàng Trung Quốc nhập về Việt Nam có giá rẻ nhờ chi phí logistics thấp. “Làm sao để doanh nghiệp logistics Việt Nam thu hẹp khoảng cách này, nếu không làm được thì các ngành sản xuất trong nước sẽ khó tồn tại”, ông Hải đặt vấn đề.
Theo ông Trần Thanh Hải, sự phát triển của các trung tâm logistics trong thời gian qua ở Việt Nam còn khá manh manh mún và tự phát. Cụ thể, các trung tâm logistics hiện nay đang chủ yếu phục vụ cho thị trường trong nước là chính với hạ tầng khá đơn giản.
“Chúng ta vẫn thiếu các trung tâm quy mô lớn, chuyên ngành, chuyên dụng, hoạt động hiện đại, có tác động đến thị trường và có sự liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp logistics với nhau như trung tâm logistics nông sản lớn, kho lạnh lớn… phục vụ việc lưu trữ, phân phối hàng hoá để đưa đến các hệ thống siêu thị, bán lẻ. Đồng thời, góp phần tạo nên giá trị gia tăng cho hàng hoá xuất khẩu”, ông Trần Thanh Hải nhận định.
Đánh giá về thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đỗ Thành Trung cũng thừa nhận ngành logistics còn tồn tại bốn điểm yếu cần khắc phục.
Thứ nhất là chính sách, thể chế đối với ngành logistics còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa có khung khổ pháp lý đầy đủ.
Thứ hai, thiếu những cảng trung chuyển, gắn liền hệ thống sân bay, trung tâm tài chính. Hiện Việt Nam chỉ mới có các cầu cảng dài 300 – 350m nhưng sau này xuất hiện những cầu cảng dài hàng km nên cần cảng trung chuyển gắn liền khu chế xuất, hệ thống giao thông hiện đại.
Thứ ba, doanh nghiệp ngành logistics mới phát triển còn non trẻ, khả năng cạnh tranh chưa cao.
Thứ tư, đầu tư nhân lực cho ngành logistics còn thiếu và yếu, chưa bắt kịp xu hướng chuyển đổi.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Cao Hồng Phong, Phó Tổng giám đốc Gemalink (đơn vị thành viên của Gemadept) cho rằng, cần phát triển hạ tầng kết nối bao gồm cảng với các hệ thống giao thông khác như đường bộ, đường sắt, đường hàng không để tạo ra một mạng lưới logistics hiệu quả. Ví dụ, đầu tư công trong lĩnh vực thủy nội địa hiện chỉ chiếm gần 2% ngân sách đầu tư, trong khi lĩnh vực này đóng góp đến 20% sản lượng vận chuyển.
Chuyển đổi số – “chìa khóa” bứt phá
Từ thực tế của ngành logistics, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đã nhìn nhận chuyển đổi số là một trong các phương thức hiệu quả kéo giảm chi phí và để ngành logistics bứt phá.
Đầu năm 2024, Tổng công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã triển khai công nghệ robot tự hành trong trung tâm chia chọn hàng ở tổ hợp 32.000m2 tại Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội). Với 200 robot tự hành (robot AGV) có chức năng phân loại hàng nhẹ với tốc độ 2m/s.
Ông Đinh Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Viettel Post cho biết, ở Viettel Post, nhờ dùng robot tự động nên năng suất trong khâu phân loại của Viettel Post tăng khoảng 20-30%, “Chuyển phát nhanh là lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt. Nhờ cạnh tranh, các doanh nghiệp trong ngành đã đẩy nhanh, mạnh chuyển đổi số, nên ba năm trở lại đây chi phí dịch vụ chuyển phát giảm 40%”- ông Sơn chia sẻ.
Công ty TNHH MTV Thương mại và Tiếp vận Bảo Tín (PPL) đã đầu tư trang thiết bị vận tải đặc chủng từ châu Âu để đáp ứng năng lực vận chuyển các cấu kiện siêu trường, siêu trọng đặc thù, như chân đế điện gió ngoài khơi, tuabin và các linh kiện điện gió, máy biến áp…
Từ đầu năm đến nay, PPL đã đầu tư 84 trục SPMT (thiết bị vận tải hàng siêu trường, siêu trọng) tiên tiến nhất thế giới, năng lực vận chuyển các cấu kiện hàng rất lớn, để đón đầu nhu cầu vận tải của ngành năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, PPL đã và đang thực hiện đào tạo chuyên sâu, hợp tác chuyển giao công nghệ vận tải.
Là một trong những cảng có quy mô khai thác lớn, Gemalink cũng chủ động ứng dụng công nghệ vào hoạt động khai thác cảng. Ông Cao Hồng Phong, Phó Tổng giám đốc Gemalink chia sẻ, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng của ngành logistics mà còn là yếu tố sống còn để các doanh nghiệp phát triển bền vững.
Theo ông Phong, số hóa và tự động hóa đóng vai trò then chốt, mang lại hiệu quả vượt trội, giúp tối ưu hóa quy trình, giảm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ, góp phần bảo vệ môi trường và đóng góp vào tiến trình phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, mô hình cảng thông minh đòi hỏi sự tham gia của tất cả các bên liên quan trong toàn chuỗi hoạt động và dịch vụ, như nhà khai thác cảng, khách hàng, đối tác, nhà cung cấp…
Ông Đỗ Hoàng Phương, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại & Tiếp vận Bảo Tín chia sẻ, chuyển đổi số sẽ giúp tự động hóa các quy trình, từ việc quản lý đội xe đến theo dõi lộ trình và tối ưu hóa kho vận. Nhờ đó, công ty có thể giảm thời gian vận chuyển, hạn chế lãng phí và đảm bảo thiết bị đến đúng tiến độ. Đồng thời, còn tăng tính minh bạch và dễ dàng theo dõi tiến độ dự án. Điều này tạo sự tin tưởng cho khách hàng và đối tác, giúp công ty nổi bật trên thị trường logistics bền vững.
Ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Bốn nhiệm vụ cần triển khai
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để các doanh nghiệp logistics Việt Nam có thể nắm bắt, ứng dụng được các công nghệ mới, tận dụng được những tiềm năng sẵn có của đất nước và những cơ hội khách quan mang lại để có đủ sức cạnh tranh cả ở trong nước và quốc tế, để đưa ngành logistics của Việt Nam phát triển xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh của mình.
Để đạt được điều đó, chúng tôi cho rằng các bộ, ngành và địa phương cùng với doanh nghiệp cần phối hợp triển khai 4 nhiệm vụ, giải pháp:
Thứ nhất, về cơ chế chính sách, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics, các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp logistics; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.
Thứ hai, về phát triển kết cấu hạ tầng, cần tiếp tục tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics bao gồm hạ tầng giao thông vận tải và hạ tầng logistics. Tiếp tục rà soát các quy hoạch, kế hoạch về hạ tầng giao thông vận tải để đảm bảo tính đồng bộ, kết nối của hệ thống hạ tầng giao thông, đảm bảo phù hợp với các chiến lược, quy hoạch về sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xuất nhập khẩu cũng như Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội.
Thứ ba, về phát triển nguồn nhân lực, cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan ở Trung ương, các địa phương, các trường đại học, dạy nghề và các doanh nghiệp trong việc xác định các nhu cầu về lao động, giáo dục đào tạo.
Thứ tư, về phía các doanh nghiệp logistics, cần nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua chuyển đổi số, đầu tư vào công nghệ, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao biết sử dụng các công nghệ mới. Thực hiện liên kết, liên doanh, mua bán sáp nhập doanh nghiệp để tạo ra các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh hơn.
Ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa: Phát triển liên kết vùng
Hạ tầng giao thông vận tải của chúng ta đang từng bước được hoàn thiện. Lĩnh vực hạ tầng liên quan đến phục vụ logistics khá phong phú, với hệ thống đường thủy, 37 cảng biển, đường bộ khoảng 595.000 km, trong đó có cao tốc và đường sắt; đội tàu biển hiện nay khoảng hơn 1.000 chiếc phục vụ đường biển gần và xa…
Về hệ thống đường thủy nội địa, hiện chúng ta có hơn 17.000 km. Hệ thống đường thủy nói riêng và hệ thống hạ tầng giao thông vận tải nói chung đã phục vụ khá tốt hoạt động kinh tế – xã hội.
Nhờ hạ tầng ngày càng phát triển, chi phí logistics ngày càng giảm. Trước đây, chi phí logistics chiếm khoảng trên 20% GDP và hiện nay chiếm khoảng 16,8-17% GDP.
Để đẩy mạnh phát triển logistics, vấn đề quan trọng là cần có sự liên kết ngành, liên kết vùng, có nhạc trưởng để đẩy mạnh chuyển đổi từ tư duy, nhận thức, hành động đối với ngành logistics. Hiện các bộ, ngành như Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… đã làm rất tốt, song nếu có sự liên kết, phối hợp tốt hơn nữa thì ngành logistics có thể phát triển hơn nữa.
Ông Yoshihiro Wake, Giám đốc phát triển thị trường quốc tế, Công ty ABeam Consulting: Cải thiện thời gian giao nhận hàng
Tại Nhật Bản có một mạng lưới logistics rất phát triển, phát hàng hôm nay, hôm sau nhận được. Tuy nhiên, tại Việt Nam, thời gian giao nhận hàng hóa vẫn còn là một vấn đề lớn, do đó, Việt Nam cần ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để cải thiện thời gian giao nhận hàng hóa, giảm chi phí.
Khi nói về trung tâm logistics, không chỉ là vấn đề bền vững mà phải tính đến yếu tố thời gian để khách hàng có thể nhận hàng nhanh nhất, thuận tiện nhất, đây cũng là nhu cầu rất thiết yếu của khách hàng. “Chúng tôi đã phát triển các ứng dụng quan trọng tại Việt Nam để làm sao có chiến lược vận chuyển tối ưu nhất, giúp khách hàng liên tục cải tiến, điều chỉnh để thích ứng với môi trường”.
Bên cạnh đó, để giải quyết thách thức trong việc các trung tâm logistics đang phân nhánh và môi trường kinh doanh liên tục thay đổi, Công ty ABeam Consulting đã phát triển bản sao công nghệ số, giúp khách hành phân tích dữ liệu và nên sử dụng phương thức nào để giảm chi phí vận hành. Điểm chính của bản sao số là liên tục giám sát và điều chỉnh để ứng phó với môi trường kinh doanh. Đặc biệt là tại Việt Nam, môi trường thay đổi rất nhanh nên sẽ phù hợp.
Ông Cao Hồng Phong, Phó Tổng giám đốc Gemalink: Doanh nghiệp cần hỗ trợvề chính sách
Việc phát triển cảng thông minh, bền vững là một quá trình dài và đòi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược, lộ trình và đầu tư phù hợp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp rất cần được sự hỗ trợ của Chính phủ, các cơ quan ban ngành và sự hợp tác của các bên liên quan để đạt được mục tiêu này.
Về phía doanh nghiệp, cần chú trọng xây dựng lộ trình phù hợp với hiện trạng, nguồn lực và mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp. Điều này rất quan trọng. Về phía cơ quan quản lý, doanh nghiệp rất cần có sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi từ phía Chính phủ và các cơ quan ban ngành thông qua hỗ trợ về chính sách. Trong đó, giảm thiểu rào cản, đơn giản hóa các thủ tục, giảm bớt các loại phí, lệ phí; ưu đãi về thuế; hỗ trợ tài chính bao gồm nguồn vốn vay ưu đãi, các gói hỗ trợ tài chính để doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi xanh; và hoàn thiện khung pháp lý khuyến khích đầu tư xanh, tạo môi trường kinh doanh ổn định.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương): Kết nối hạ tầng, giảm chi phí
Vấn đề mấu chốt để kéo giảm chi phí logistics là tăng tốc kết nối hạ tầng giao thông với đầu tư phát triển các trung tâm logistics, cảng cạn, đẩy mạnh vận tải đa phương thức.
Hạ tầng là yếu tố tiên quyết thúc đẩy phát triển ngành này. Nhiều công trình, dự án lớn được xây dựng, điển hình là Việt Nam đã có sân bay do tư nhân đầu tư. Việt Nam có 3 cảng biển lọt vào top 50 cảng biển lớn nhất thế giới, cùng nhiều tuyến đường cao tốc mới, tới đây lại có chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc.
Bên cạnh hạ tầng giao thông, hạ tầng kho bãi cũng phát triển. Thời gian qua, số lượng kho bãi tăng lên đáng kể, được trang bị hiện đại hơn, ứng dụng công nghệ tự động, quy mô xử lý hàng hóa cũng cao hơn. Đó là những hạ tầng chúng ta nhìn thấy, còn gọi là hạ tầng cứng. Về hạ tầng mềm như công nghệ thông tin, nhân lực, môi trường pháp lý… cũng đang hoàn thiện. Tất cả các yếu tố này hòa quyện, tạo nên bức tranh tổng thể, hỗ trợ cho các doanh nghiệp logistics triển khai hoạt động kinh doanh của mình.
Lê Thu (ghi)
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận