PVU tổ chức chương trình đào tạo “Nền kinh tế Hydrogen” cho Petrovietnam
Trong hai ngày 7-8/11/2024, Trường Đại học Dầu khí Việt Nam (PVU) đã phối hợp cùng Ban Quản trị Nguồn nhân lực Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tổ chức chương trình đào tạo “Nền kinh tế Hydrogen” tại Hà Nội. Giảng viên là PGS.TS Phạm Hoàng Lương – Giảng viên cao cấp, Giám đốc Viện Khoa học Công nghệ quốc tế Việt Nam – Nhật Bản của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Lễ khai giảng có sự hiện diện của bà Lê Thị Lam Trà, Phó trưởng Ban Quản trị Nguồn nhân lực Petrovietnam và ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng PVU; cùng các học viên đến từ các ban chuyên môn của Tập đoàn, các đơn vị PV GAS, PVFCCo, PVCFC, BSR và PTSC.
Bà Lê Thị Lam Trà phát biểu khai giảng lớp học
Phát biểu tại buổi lễ, bà Lê Thị Lam Trà nhấn mạnh, tầm quan trọng của việc cập nhật kiến thức về các nguồn năng lượng thay thế bền vững như Hydrogen, đặc biệt trong bối cảnh yêu cầu giảm phát thải toàn cầu đang trở nên ngày càng cấp thiết. Hydrogen hiện được coi là một trong những nguồn năng lượng sạch tiềm năng có thể giúp các quốc gia đạt mục tiêu trung hòa phát thải vào năm 2050 (Net Zero Emissions – NZE2050). Khóa học này chính là một phần trong nỗ lực của Petrovietnam nhằm trang bị cho đội ngũ cán bộ, kỹ sư kiến thức cần thiết để ứng dụng công nghệ Hydrogen vào phát triển ngành năng lượng tại Việt Nam, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, giúp Việt Nam hiện thực hóa cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.
PGS.TS Phạm Hoàng Lương chia sẻ bức tranh toàn diện về quá trình chuyển đổi năng lượng với trọng tâm là sản xuất và sử dụng Hydrogen xanh (GH2)
Trong thời lượng hai ngày, PGS.TS Phạm Hoàng Lương đã chia sẻ bức tranh toàn diện về quá trình chuyển đổi năng lượng với trọng tâm là sản xuất và sử dụng Hydrogen xanh (GH2), bao gồm: Khái niệm nền kinh tế Hydrogen, vai trò của Hydrogen trong việc giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo; Các phương pháp sản xuất Hydrogen đa dạng, từ khí hóa than, chuyển đổi mêtan hơi nước, khí hóa sinh khối cho đến điện phân nước, giúp khai thác nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời; Phân tích chi phí sản xuất Hydrogen xanh, bao gồm chi phí vốn (CAPEX), chi phí vận hành (OPEX) và chi phí san bằng (LCOH), nhằm đánh giá tính khả thi của các dự án; Cơ sở hạ tầng cung ứng Hydrogen xanh, các phương pháp lưu trữ và vận chuyển như lưu trữ dạng khí, dạng lỏng và liên kết hóa học; Một số dự án tiêu biểu về sản xuất và sử dụng Hydrogen xanh trên thế giới, đặc biệt là trong sản xuất thép và năng lượng tái tạo. Đây là nền tảng quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững tại Việt Nam và toàn cầu.
Trao đổi, thảo luận tại khóa học
Xuyên suốt khóa học, các học viên đã cùng giảng viên thảo luận sổi nổi các chuyên đề, thực hành bài tập nhóm và nêu ra nhiều ý tưởng, giải pháp gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh tại đơn vị mình.
Đơn vị tổ chức, các giảng viên, học viên tham dự khóa học
Khóa học kết thúc tốt đẹp với đánh giá tích cực từ phía học viên về cả nội dung đào tạo cũng như công tác tổ chức. Ngoài việc bồi dưỡng nâng cao các lĩnh vực dầu khí truyền thống, PVU tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình đào tạo về năng lượng mới cho Petrovietnam và các đơn vị, trong đó có GH2. Việc nghiên cứu và ứng dụng Hydrogen xanh không chỉ giúp Petrovietnam nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực năng lượng mà còn đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải carbon và chuyển đổi sang các nguồn năng lượng bền vững. Việc phát triển nền kinh tế Hydrogen sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và thúc đẩy sự phát triển của công nghệ năng lượng tái tạo, từ đó góp phần bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
P.V
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận