Ảnh hưởng của kinh tế thế giới từ những thay đổi ở Mỹ: Sẵn sàng cho những thử thách lớn
Dư âm từ kết quả bầu cử tổng thống cũng như việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất 0,25% được giới quan sát nhận định sẽ mang đến những tác động sâu rộng đối với nền kinh tế toàn cầu.
Thậm chí, nhiều chuyên gia nhận định, kinh tế toàn cầu đang “nín thở” trước “cú sốc vĩ mô” trong năm 2025.
Mọi diễn biến của nền kinh tế Mỹ sẽ tác động sâu rộng tới kinh tế toàn cầu từ cuối năm 2024.
Không khó để nhận ra rằng, chiến thắng của ứng cử viên Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tuần này đã đặt các nhà hoạch định chính sách kinh tế trước hàng loạt thử thách lớn. Một diễn biến được đoán định là việc vị tỷ phú Mỹ ủng hộ tăng thuế quan sẽ dẫn đến lạm phát gia tăng. Điều này khiến các ngân hàng trung ương lập tức phải tính đến việc giảm lãi suất như một biện pháp ứng phó sớm. Đây là cách tiếp cận khác với những dự báo trước đây về việc giảm lãi suất có thể sẽ khó khăn hơn do những lo ngại về giá cả tăng cao buộc các nước phải duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt lâu hơn dự kiến.
Ngay tại Mỹ, FED đã quyết định tiếp tục giảm lãi suất 0,25%, đưa lãi suất chính sách xuống phạm vi 4,50-4,75%. Tương tự, Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông (Trung Quốc) đã cắt giảm lãi suất cơ bản thêm 0,25%, xuống còn 5%. Tại châu Âu, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) giảm lãi suất xuống 4,75%, trong khi hầu hết các ngân hàng trung ương của các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã cắt giảm lãi suất chủ chốt. Dựa trên dữ liệu của Sở Giao dịch chứng khoán London, các nhà giao dịch dự đoán, FED sẽ cắt giảm lãi suất thêm 0,25% vào tháng 12 tới.
Những thay đổi về chính trị, kinh tế tại Mỹ còn tác động tới thị trường tiền tệ và kim loại quý. Chỉ số đồng USD tăng lên mức cao nhất 4 tháng sau chiến thắng của ông Donald Trump, khiến vàng giảm sức hấp dẫn trong con mắt các nhà đầu tư. Chốt phiên giao dịch ngày 8-11 vừa qua, giá vàng thế giới giao ngay tuột mốc 2.700 USD/ounce, khi giảm 22 USD xuống còn 2.683 USD/ounce. Như vậy, tuần này, giá vàng đã giảm 1,8%, là tuần giảm mạnh nhất sau hơn một tháng. Cùng kỳ, các kim loại quý khác cũng đi xuống, với phiên giao dịch gần nhất chứng kiến bạc giảm 2,4% xuống 31,2 USD/ounce; bạch kim mất 2,9% còn 968 USD/ounce… Theo chuyên gia Alex Ebkarian tại Allegiance Gold, với những cam kết chính sách của ông Donald Trump, các tài sản rủi ro sẽ tiếp tục hưởng lợi và dòng tiền có xu hướng “rời” kim loại quý.
Trong thương mại, những tác động từ nước Mỹ càng rõ nét. Trung Quốc, Đức và các nước xuất khẩu khác đang chuẩn bị cho viễn cảnh hàng rào thuế quan dâng cao ở Mỹ cũng như một giai đoạn với các biện pháp đáp trả thương mại. Tổng thống đắc cử trước đó tuyên bố sẽ tăng mạnh thuế quan, siết chặt các hạn chế thương mại và nới lỏng quan hệ an ninh với các đồng minh của Mỹ. Đây cũng là lý do khiến cước vận tải biển tăng mạnh trong bối cảnh các nước chạy đua để nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ, trong khi hàng loạt doanh nghiệp cũng chạy đua để xuất hàng sang Mỹ trước thời điểm ông Donald Trump nhậm chức (ngày 20-1-2025).
Chủ tịch Viện Kinh tế thế giới Kiel – ông Moritz Schularick cho rằng, “sức khỏe” nền kinh tế thế giới tới đây sẽ phụ thuộc rất lớn vào mọi diễn biến kinh tế Mỹ, đặc biệt là cơ chế thuế quan mà chính quyền mới tại Washington D.C áp dụng. Các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) được dự báo sẽ chịu “cú sốc lớn” vì Mỹ chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của khối trong năm ngoái. Hiện nay, giá trị xuất khẩu sang Mỹ của EU (502 tỷ USD trong năm 2023) đang nhiều hơn 46% so với chiều ngược lại. Để ứng phó, EU có thể phải giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng, dù điều này càng làm gia tăng chênh lệch lãi suất giữa khối này và Mỹ.
Đáng chú ý, kinh tế Mỹ tới đây cũng được dự báo biến động khó lường. Fed được dự đoán sẽ cắt giảm lãi suất nhiều lần nữa trong năm 2025, nhưng số lần cụ thể còn phụ thuộc vào các chính sách của Tổng thống đắc cử Donald Trump, trong đó có cắt giảm thuế trong nước, áp dụng thuế quan cứng rắn trên diện rộng… Tuy nhiên, phạm vi đầy đủ của những kế hoạch này, và khi nào bắt đầu tác động đến kinh tế toàn cầu vẫn là một ẩn số. Một xu hướng được cho là dễ thành hiện thực là giá cả hàng hóa tăng, kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh còn các quốc gia khác rơi vào trạng thái giảm phát và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm.
Dù theo kịch bản nào, giới chuyên gia có chung nhận định, nền kinh tế toàn cầu sẽ chứng kiến “cú sốc vĩ mô” trong năm 2025, với những biến động ban đầu có thể cảm nhận rõ từ cuối năm nay.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận