Tăng trưởng tín dụng xanh vẫn thấp: Nhiều thách thức cần sớm hóa giải
Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng xanh của các tổ chức tín dụng đạt gần 680 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với toàn bộ nền kinh tế.
Mặc dù, nguồn vốn tín dụng xanh tăng trưởng đều qua các năm, nhưng tỷ lệ vẫn thấp so với tổng dư nợ, đặt ra nhiều thách thức cần sớm giải quyết.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Ảnh: Nguyễn Quang
Quy mô tín dụng xanh tăng đều
12 lĩnh vực xanh mà Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho vay tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm 45%) và nông nghiệp xanh (chiếm 31%). Chỉ tính riêng giai đoạn năm 2017-2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 23%/năm. Quy mô và tỷ trọng vốn tín dụng đối với lĩnh vực này tăng trưởng khá qua các năm. Nếu năm 2018, quy mô và tỷ trọng vốn tín dụng của các tổ chức tín dụng đối với lĩnh vực kinh tế xanh chỉ chiếm 3,33% trong tổng tín dụng của nền kinh tế, đến năm 2022 tăng lên 4,2% thì nay đã đạt gần 680 nghìn tỷ đồng.
Về trái phiếu xanh, giai đoạn năm 2016-2020, đã có tổng cộng 4 đợt phát hành trái phiếu xanh, giá trị 284 triệu USD. Giai đoạn năm 2019-2024, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh (trong đó, EVNFinance phát hành 1.725 tỷ đồng năm 2022; Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phát hành 2.500 tỷ đồng năm 2023).
Hiện, nhiều tổ chức tín dụng đã ban hành quy định nội bộ về rủi ro môi trường và tác động xã hội. Theo Ngân hàng Nhà nước, có 80-90% các ngân hàng thương mại đã áp dụng một phần hoặc toàn bộ ESG (chỉ số đánh giá môi trường, xã hội và quản trị) trong hoạt động. Các tổ chức tín dụng tăng cường đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng với dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội dự kiến có thể đạt khoảng 2.485 triệu tỷ đồng, chiếm gần 20%/tổng dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng.
Thực tiễn hoạt động tín dụng xanh đã được một số ngân hàng đưa vào áp dụng, triển khai và đã đạt được những kết quả khả quan. Như BIDV tiên phong trong lĩnh vực cho vay kinh tế xanh, đạt tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh bình quân lên tới 45%/năm… Nhiều ngân hàng khác như Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB)… cũng đạt tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh đối với khách hàng đạt bình quân trên 45% hằng năm.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đã và đang nỗ lực đưa ra các chính sách ưu đãi hơn nhằm thực hiện tốt công tác phát triển ngân hàng theo hướng xanh hóa, bền vững.
Phối hợp hiệu quả hơn để đạt mục tiêu
Để đạt mục tiêu về tăng trưởng xanh, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần nguồn lực rất lớn. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhu cầu tài chính cho các biện pháp giảm phát thải trong từng lĩnh vực theo cam kết môi trường của Việt Nam đến năm 2030 là khoảng 68,75 tỷ USD. Trong đó, nguồn quốc gia tự thực hiện dự báo khoảng 24,722 tỷ USD, chiếm 36% và nhu cầu đối với nguồn lực hỗ trợ của quốc tế dự kiến khoảng 44,028 tỷ USD, chiếm 64%.
Đại diện Vụ Tài chính, tiền tệ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho rằng, chính sách, định hướng phát triển tài chính xanh cũng như tín dụng xanh, trái phiếu xanh đã được ban hành khá đầy đủ, song các doanh nghiệp vẫn gặp khó trong quá trình chuyển đổi xanh. Nguồn vốn vay từ ngân hàng với lãi suất ưu đãi, hay từ quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo vẫn rất khiêm tốn so với nhu cầu.
Từ thực tiễn doanh nghiệp, Giám đốc Phát triển bền vững, tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C (thành phố Hải Phòng) Diệp Thị Kim Hoàn đã chỉ rõ một số khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận tài chính xanh như: Thiếu thông tin về các đơn vị cấp tín dụng xanh; các quỹ tín dụng xanh thường không chấp nhận tài sản bảo đảm, doanh nghiệp cần có bảo lãnh ngân hàng; các dự án quy mô nhỏ khó tiếp cận vốn vay nước ngoài…
Lãnh đạo các ngân hàng thương mại cũng cho biết, hiện chưa có quy định chung về tiêu chí, danh mục dự án xanh, dẫn đến việc thiếu cơ sở để các tổ chức tín dụng xây dựng cơ chế thực hiện các hoạt động xanh và cấp tín dụng xanh. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào các ngành, các lĩnh vực kinh tế xanh, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, công trình xanh thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn hạn, khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc cân đối vốn và bảo đảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định…
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng xanh hiện nay của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam chưa cao, nên mục tiêu cuối năm 2025 tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh đạt 25% so với hiện nay; đạt 30-35%/năm cho giai đoạn năm 2025-2030; tương ứng tỷ lệ trên là mục tiêu tỷ trọng tín dụng xanh trong nền kinh tế từ 4,6% tăng lên 10% vào cuối 2025 và 20% vào cuối năm 2030… Đây là những thách thức rất lớn, mục tiêu khó khăn đối với ngành Ngân hàng. Bởi vậy, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh cần sự phối hợp hiệu quả hơn của nhiều bộ ngành, doanh nghiệp, cũng như sự chung tay nhiều hơn để bảo vệ môi trường xanh của cả người dân.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận