Điểm sáng kinh tế 10 tháng, lạc quan tăng trưởng cuối năm
Xuất khẩu tăng 14,9%, FDI tích cực, khách quốc tế tăng 41,3%, số DN thành lập mới và “hồi sinh” tăng 9,1%… là những con số nổi bật kinh tế 10 tháng 2024. Qua đó củng cố khả năng đạt được tăng trưởng quanh 7% trong năm nay.
Xuất khẩu tăng trở lại, thương mại, du lịch tiếp tục là điểm sáng
Trong tháng 10/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 69,19 tỷ USD, tăng 5,1% so với tháng trước và tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tháng 10 đạt 35,59 tỷ USD, tăng 4,4% so với tháng trước, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, xuất khẩu tháng 9 đã ghi nhận sự sụt giảm (giảm 9,9%) so với tháng 8 và chỉ tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực. Ảnh minh hoạ
Việc xuất khẩu tăng trở lại trong tháng 10 nói riêng và 10 tháng năm 2024 vẫn có được mức tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước là tín hiệu rất đáng mừng, cho thấy những nỗ lực đóng góp cho tăng trưởng. Theo đó, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ xuất siêu 1,99 tỷ USD trong tháng 10 và xuất siêu 23,31 tỷ USD trong 10 tháng.
Cùng với đó, sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 4,0% so với tháng trước và tăng 7,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đáng chú ý so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 8,8%.
Đầu tư, vốn đầu tư từ nguồn NSNN đang được các bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện (10 tháng năm 2024 ước đạt 495,9 nghìn tỷ đồng, bằng 64,3% kế hoạch năm và tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước); Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 31/10/2024 đạt 27,26 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đáng chú ý nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 10 tháng ước đạt 19,58 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 tăng tích cực hơn (tăng 2,4%) so với tháng 9 (chỉ tăng 1,2%) và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.
10 tháng, số doanh nghiệp thành lập mới và “hồi sinh” tăng 9,1% với hơn 202.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Bên cạnh những điểm sáng trên, “bức tranh kinh tế” tháng 10 và 10 tháng cũng ghi nhận kết quả nổi bật đến từ một số lĩnh vực khác. Đơn cử như khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 14,1 triệu lượt người, tăng 41,3% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát được điểm soát; vận tải khách và hàng hóa tiếp tục mức tăng ấn tượng trong tháng 10, lần lượt là 8,8% và 13,2% so với cùng kỳ năm trước…
Phấn đấu tăng trưởng quý IV đạt khoảng 7,5%
Dự báo về tăng trưởng trong thời gian còn lại của năm 2024, các chuyên gia đánh giá còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng nhiều cơ hội và thuận lợi.
Đơn cử xuất khẩu như thay đổi chính sách của các nước, xung đột địa chính trị làm ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng, giá cước vận tải biển vẫn cao.., nhưng xuất khẩu hàng hóa cuối năm vẫn còn dư địa tăng trưởng.
Đó là nhu cầu tiêu thụ cuối năm tại các thị trường lớn khi các nhà bán lẻ toàn cầu tăng cường dự trữ hàng hóa cho các dịp lễ lớn. Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), dự báo trong những tháng cuối năm, cả hai nhóm hàng nông sản và công nghiệp chế biến chế tạo sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng tốt. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay và sự phục hồi của các thị trường chủ chốt, đặc biệt là Hoa Kỳ và EU, khi dấu hiệu lạm phát giảm, sức mua sẽ tăng trở lại.
Với kết quả đạt được trong 10 tháng và tốc độ tăng trưởng gần đây, nhiều chuyên gia, nhà quản lý kỳ vọng, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 sẽ cán mốc kỷ lục mới 800 tỷ USD.
Bức tranh kinh tế của nước ta trong 10 tháng năm nay là một bức tranh đẹp, tạo đà cho sự bứt phá của nền kinh tế nước ta trong thời gian tới. Tôi tin rằng 2 tháng cuối năm, kinh tế của nước ta sẽ phát triển mạnh mẽ để đạt được những mục tiêu trong thời điểm “nước rút” này”. (PGS.TS Nguyễn Thường Lạng- Đại học kinh tế quốc dân)
Cùng với xuất khẩu tăng trưởng nhanh, trong năm 2024, động lực tăng trưởng nổi bật là dòng vốn FDI tiếp tục duy trì xu hướng tích cực. Ông Nguyễn Bá Hùng – Chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng ADB nhận định, Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để hưởng lợi từ sự chuyển hướng thương mại toàn cầu và những thay đổi trong chuỗi cung ứng. Với sự kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế và ổn định vĩ mô, chính sách đầu tư hạ tầng và cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, Việt Nam đang khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư toàn cầu.
Thời gian qua, nhiều địa phương phía Bắc chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, hoạt động du lịch nhanh chóng được phục hồi. “Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, và quý IV hằng năm là mùa cao điểm đón khách quốc tế nên kỳ vọng du lịch bứt tốc những tháng cuối năm, mục tiêu đón 17 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam là khả thi.”- Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ (Tổng Cục Thống kê) Đinh Thị Thúy Phương nhận định.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, từ tháng 10 trở đi là giai đoạn khuyến mãi nhộn nhịp nhất trong năm vì có nhiều sự kiện tiêu dùng để đáp ứng nhu cầu của người dân…Với đà tăng trưởng hiện nay, những tháng cuối năm 2024, chuẩn bị đón Tết Ất Tỵ 2025, nhiều hệ thống bán lẻ đang tích cực tung ra nhiều chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng… thị trường bán lẻ sẽ ghi nhận đạt mức tăng cao.
Nhiều chuyên gia kỳ vọng tăng trưởng GDP năm 2024 ở mức 7% nhưng những khó khăn, thách thức giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 vẫn lớn. Thu ngân sách tăng mạnh, còn chi ngân sách, đặc biệt là chi giải ngân đầu tư công, rất chậm… Những yếu tố đó cho thấy, nền kinh tế rất cần hỗ trợ và chính sách tài khóa. Cần phải có những giải pháp vĩ mô rõ nét hơn trong thời gian tới. Cụ thể, tiếp tục nới lỏng, có thực chất chính sách tài khóa, duy trì việc giảm thuế VAT, cải cách các chính sách thuế, đặc biệt là thuế thu nhập cá nhân; cải thiện môi trường kinh doanh, tăng tốc giải ngân đầu tư công…
Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 (ngày 9/11), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu phấn đấu đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu của cả năm 2024, trong đó tốc độ tăng GDP quý IV khoảng 7,4-7,6%, cả năm đạt trên 7%; kiểm soát lạm phát dưới 4,5%; tăng trưởng tín dụng khoảng 15%; thu ngân sách nhà nước tăng ít nhất 15%. Đồng thời nhấn mạnh, tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực. Đặc biệt chú trọng rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, nếu tháo gỡ được điểm nghẽn về thể chế, tăng trưởng GDP có thể đạt mức 2 con số mỗi năm trong những thập kỷ tới.
Để tạo đà tăng trưởng trong tháng 11 và tháng 12, cần nhanh chóng tháo gỡ 2 điểm nghẽn lớn hiện nay là thể chế và tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nhanh hơn về vốn là rất cần thiết để tạo động lực cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất trong những tháng cuối năm. (Vụ trưởng Vụ thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng Cục Thống kê Phí Thị Hương Nga)
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận