EU cân nhắc chuyển nguồn cung khí đốt từ Nga sang Mỹ để tránh cuộc chiến thuế quan với ông Donald Trump
Liên minh châu Âu (EU) có thể tăng cường mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ nhằm thuyết phục Tổng thống Donald Trump không áp đặt thuế nhập khẩu có khả năng gây thiệt hại cho nền kinh tế EU.
Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, thỏa thuận này sẽ giúp giảm thặng dư thương mại của EU với Mỹ – điều mà ông Trump cho rằng làm giàu cho EU trong khi Mỹ phải gánh chi phí bảo đảm an ninh quốc phòng.
Bà Ursula von der Leyen cho biết các nhà lãnh đạo EU đã “đề cập” đến ý tưởng về một thỏa thuận LNG với ông Donald Trump. Ảnh: Stefan Wermu
Tại một cuộc họp thượng đỉnh ở Hungary, bà von der Leyen cho biết các lãnh đạo EU đã đề cập ý tưởng về một thỏa thuận LNG với ông Trump. “Chúng ta có những lợi ích chung,” bà phát biểu ở Budapest. “Hiện tại EU vẫn nhập khẩu nhiều LNG từ Nga. Vậy tại sao không chuyển sang năng lượng Mỹ, vừa có lợi về kinh tế cho chúng ta?”. Bà cũng bày tỏ hy vọng rằng đây là một hướng có thể mở ra đàm phán.
Trong chiến dịch tranh cử năm 2024, ông Trump cam kết áp đặt thuế nhập khẩu nhằm giải quyết tình trạng mất cân đối thương mại và thúc đẩy sản xuất trong nước. Để đối phó, EU đã chuẩn bị danh sách các sản phẩm của Mỹ, như rượu bourbon của bang Kentucky, để áp thuế trả đũa tại các bang do đảng Cộng hòa lãnh đạo. EU hy vọng tránh được nguy cơ này bằng cách xây dựng một chiến lược thương mại hợp tác.
Ủy ban châu Âu, đại diện cho 27 quốc gia thành viên trong các cuộc đàm phán thương mại, đã tích cực tìm cách thay thế khí đốt Nga kể từ khi xung đột Ukraine bùng phát. EU đã cam kết ngừng nhập khẩu LNG từ Nga vào tháng 3/2025, nhưng trong nửa đầu năm 2024, nhập khẩu LNG từ Nga vẫn tăng 11%, đạt mức 16,8%. Mỹ hiện chiếm 46% thị phần LNG nhập khẩu của EU, đóng vai trò chính trong việc thay thế năng lượng từ Nga.
Viện Nghiên cứu Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính ước tính các nước EU đã chi 3,5 tỷ euro để mua LNG từ Nga trong nửa đầu năm 2024, trong đó Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ là những nước nhập khẩu chính.
Ông Donald Trump đã nhắc lại mong muốn áp đặt thuế nhập khẩu gây thiệt hại trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024 của mình. Ảnh: Brian Snyder
Trước đây, vào năm 2018, ông Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu khi đó là ông Jean-Claude Juncker đã đạt thỏa thuận nhằm tăng cường nhập khẩu LNG từ Mỹ, giúp EU tránh được các mức thuế mới sau khi ông Trump áp thuế lên thép và nhôm châu Âu. Bà Giorgia Meloni, Thủ tướng Ý, được dự báo sẽ đóng vai trò trung gian hòa giải trong các cuộc đàm phán thương mại giữa EU và Mỹ.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban, một người ủng hộ ông Trump, cho rằng vấn đề thương mại “sẽ không dễ dàng” vì “tổng thống đắc cử là bậc thầy đàm phán”. Ông cho biết đây sẽ là một cuộc thương lượng nghiêm túc và nếu EU đủ khéo léo, có thể đạt được một thỏa thuận tốt.
Để tránh cuộc chiến thương mại, EU cũng cân nhắc hợp tác với Mỹ trong việc đối phó với Trung Quốc, đối thủ chung về thương mại. Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho rằng hai bên cần đối thoại rõ ràng với ông Trump để giải thích tác động tiềm tàng của thuế quan đối với cả châu Âu và Mỹ. “Chúng ta có đối thủ chung là Trung Quốc, và nếu Mỹ muốn xử lý vấn đề cạnh tranh của Trung Quốc thì EU có thể hợp tác”, ông nói.
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen nhấn mạnh EU và Mỹ là đồng minh thân thiết và cần đoàn kết trong bối cảnh thế giới đầy bất ổn. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng kêu gọi EU tăng cường sản xuất vũ khí và chính sách quốc phòng để đối phó với nguy cơ Mỹ có thể cắt giảm hỗ trợ cho Ukraine.
Theo ông Josep Borrell, nhà ngoại giao hàng đầu của EU, châu Âu sẽ phải “tự chủ và xây dựng một liên minh mạnh mẽ hơn” để đối mặt với các thách thức toàn cầu.
Dũng Phan (Theo The Telegraph)
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận