Dấu ấn Tân Long trong chiến lược chuyển dịch của BAF Việt Nam

Dấu ấn Tân Long trong chiến lược chuyển dịch của BAF Việt Nam

Mối quan hệ với Tập đoàn Tân Long giúp mang lại nhiều lợi thế củng cố khả năng tăng trưởng, chiếm lĩnh thị phần ngành chăn nuôi heo của BAF Việt Nam.

Với sự hậu thuẫn của các đối tác và cổ đông lớn, các phương án chuyển dịch cơ cấu doanh thu và mô hình hoạt động sang tập trung vào lĩnh vực chăn nuôi heo của Công ty CP Nông nghiệp BAF Việt Nam tiếp tục cho thấy sự hiệu quả, đem lại kỳ vọng lớn đối với công ty trong đà phát triển thời gian tới.

Trên thực tế, để đạt được kế hoạch tham vọng với công suất 10 triệu con heo năm 2030, sự hỗ trợ về hệ thống sản xuất, chi phí đầu vào, chuỗi bán hàng, … dành cho BAF là vô cùng cần thiết. Điều này sớm được ban lãnh đạo công ty hiện thực hóa trong thời gian qua.

Đẩy mạnh chuyển dịch, chiếm lĩnh thị trường

Công ty CP Nông nghiệp BAF Việt Nam vừa công bố nghị quyết mua lại 49% vốn điều lệ của 5 doanh nghiệp chăn nuôi tại Quảng Trị thông qua việc chuyển nhượng 171.500 cổ phần.

Cụ thể, BAF nhận chuyển nhượng vốn của các công ty bao gồm Công ty CP Thành Sen HT – QT, Công ty CP Hoàng Kim HT – QT, Công ty CP Hoàng Kim QT, Công ty CP Việt Thái HT và Công ty CP Toàn Thắng HT. Tất cả đều có trụ sở tại TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị và được thành lập vào năm 2021.

Đồng thời, BAF cũng vừa nhận chuyển nhượng 95% vốn góp tại Công ty TNHH Chăn nuôi công nghệ cao Khuyên Nam Tiến với giá nhận chuyển nhượng 47,5 tỷ đồng. Công ty có trụ sở chính tại thôn 10, xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk.

Mô hình 3F của BAF. Ảnh VietCap

Động thái trên nối dài chuỗi chuyển dịch mạnh mẽ của BAF khi thu hẹp mảng nông sản và gia tăng mở rộng quy mô mảng chăn nuôi heo theo mô hình khép kín 3F (từ trang trại đến bàn ăn).

Kế hoạch này nằm trong định hướng lâu dài của BAF khi mảng chăn nuôi được đánh giá có biên lợi nhuận cao (20-30%) hơn và thị trường ổn định hơn mảng nông sản (biên lãi chỉ 2%).

Trước đó, BAF đã đưa các trang trại lớn tại tỉnh Tây Ninh vào hoạt động, như Hải Đăng, Tân Châu và Tam Hưng với tổng công suất thiết kế là 10.000 heo nái và 90.000 heo thịt.

Điều này giúp BAF đạt được mục tiêu năm 2024 là 800.000 con heo/năm, đồng thời mở rộng từ miền Nam ra Tây Nguyên và miền Bắc.

Trong quý 4/2024 và năm 2025, BAF có kế hoạch đưa vào hoạt động một số trang trại mới tại Quảng Ninh, Đắk Nông và Thanh Hóa với tổng công suất thiết kế là 22.500 heo nái và 222.000 heo thịt.

Ngoài ra, BAF cũng kế hoạch mở rộng phạm vi hoạt động ra ngoài miền Nam nhằm gia tăng thị phần trong chiến lược phát triển về trung, dài hạn.

Trước đây, phần lớn trang trại của BAF đều tập trung ở miền Nam, chủ yếu tại tỉnh Tây Ninh. Tuy nhiên, công ty đang mở rộng hoạt động ra khắp ba miền Bắc – Trung – Nam, với các cơ sở mới tại khu vực Tây Nguyên và miền Bắc.

Chứng khoán Vietcap đánh giá chiến lược này sẽ giúp BAF tăng thị phần bằng cách tiếp cận những thị trường mới, đồng thời giảm thiểu rủi ro vùng miền nhờ vào hệ thống trang trại trải rộng trên cả nước.

Xu hướng chuyển dịch của BAF càng được đẩy mạnh với những diễn biến trái ngược từ hoạt động kinh doanh ghi nhận trong quý III vừa qua.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, mặc dù doanh thu từ mảng nông sản giảm tới hơn 1.000 tỷ đồng, nhưng nhờ mảng chăn nuôi tăng trưởng gần 250% lên mức 2.283 tỷ đồng giúp doanh thu thuần vẫn đạt 3.927 tỷ đồng, duy trì mức tăng trưởng hơn 8% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận sau thuế đạt mức hơn 214,6 tỷ đồng, tăng mạnh hơn 300% so với cùng kỳ năm 2023.

Mặc dù đóng góp đáng kể vào cơ cấu doanh thu, nhưng mảng nông sản lại có biên lợi nhuận tương đối thấp, chỉ khoảng 1-3% trong giai đoạn 2020-2023.

Công ty cho biết có kế hoạch giảm tỷ trọng doanh thu của mảng kinh doanh nông sản từ 45% trong nửa đầu năm 2024 xuống còn 15% trong trung hạn.

Sự hậu thuẫn mạnh mẽ trong chuỗi sản xuất

Trong chiến lược phát triển, BAF sẽ tiếp tục đẩy mạnh doanh thu của mô hình 3F có biên lợi nhuận cao, biên lợi nhuận gộp tổng hợp của công ty đã được cải thiện trong giai đoạn 2022 – 2023 so với năm 2021.

Tuy nhiên, mức cải thiện biên lợi nhuận là không đáng kể do biến động bất lợi của mảng kinh doanh 3F. Cụ thể, do giá đầu vào vẫn ở mức cao trong khi giá heo hơi biến động, biên lợi nhuận gộp của mảng 3F đã giảm từ mức cao 36% năm 2021 xuống 21% năm 2023.

Mặc dù vậy, biên lợi nhuận gộp mảng 3F của BAF vẫn cao hơn so với các công ty chăn nuôi heo niêm yết khác như Tập đoàn Dabaco, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, hay kể cả ông lớn như Masan MEATLife.

Vietcap cho rằng điều này chủ yếu là do giá đầu vào hợp lý và ổn định hơn của BAF, được cung cấp bởi công ty liên quan – Tập đoàn Tân Long.

Cụ thể, BAF sử dụng nguyên liệu từ Tân Long để sản xuất thức ăn chăn nuôi và phân phối thịt heo thương hiệu “Heo ăn chay” qua hệ thống siêu thị SIBA FOOD và cửa hàng BAF Meat của tập đoàn này.

Theo dữ liệu từ Vietcap, Tập đoàn Tân Long cũng có ảnh hưởng lớn đến cơ cấu quản lý và cổ đông của BAF khi ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT của BAF đồng thời là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long.

Bà Bùi Hương Giang, Tổng giám đốc BAF là Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long. Ba cổ đông lớn nhất của BAF là Công ty CP Siba Holdings (36% cổ phần) – đơn vị liên quan đến Tập đoàn Tân Long, bà Bùi Hương Giang (3%) và ông Nguyễn Anh Tuấn (1,7%) – Tổng giám đốc của Siba Food.

Mối quan hệ giữa BAF và Tập đoàn Tân Long mang lại một số lợi thế, chẳng hạn như tiếp cận nguồn nguyên liệu giá rẻ và mạng lưới phân phối sẵn có, nhưng đồng thời Vietcap cũng lưu ý việc tiềm ẩn rủi ro.

Việc BAF phụ thuộc nhiều vào Tập đoàn Tân Long về nguyên liệu và phân phối khiến công ty dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động nội bộ của tập đoàn này (ví dụ: khó khăn tài chính, gián đoạn chuỗi cung ứng, thay đổi chiến lược).

Ngoài ra, BAF có thể gặp khó khăn nếu giá nguyên liệu tăng mạnh trong khi Tập đoàn Tân Long vẫn giữ nguyên giá bán nội bộ.

Sự ảnh hưởng đáng kể của Tập đoàn Tân Long trong cơ cấu quản lý và cổ đông của BAF có thể dẫn đến những quyết định ưu tiên lợi ích của tập đoàn này hơn BAF.

Đến năm 2030, BAF đặt mục tiêu tham vọng đạt công suất chăn nuôi heo hàng năm 10 triệu con.

Theo đó, bên cạnh “dấu ấn” Tân Long, ban lãnh đạo công ty tự tin sẽ đạt được mục tiêu này với mô hình trang trại heo nhiều tầng từ Tập đoàn Muyuan – đối tác Trung Quốc mà công ty vừa ký kết hợp tác chiến lược gần đây.

Theo ban lãnh đạo, trang trại 6 tầng của Muyuan có thể chứa số lượng heo nái và heo thịt gấp 17 – 22 lần so với cụm Hải Đăng, bao gồm cả một nhà máy cám và giết mổ, tất cả trên một nửa diện tích đất.

BAF cũng có kế hoạch áp dụng công nghệ tiên tiến của Tập đoàn Muyuan tại các trang trại của công ty để giảm thiểu dịch bệnh, nâng cao hiệu quả kinh doanh và giảm chi phí sản xuất trong ngắn hạn.

Những công nghệ này sẽ giúp công ty giảm thiểu rủi ro dịch bệnh, nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm chi phí sản xuất.

Kinh nghiệm của Muyuan cho thấy các công nghệ này có thể giúp giảm 5 – 8% chi phí sản xuất so với mức trung bình của ngành.

BAF dự kiến sẽ triển khai thí điểm những công nghệ này tại cụm trang trại Hải Hà, sau đó sẽ nhân rộng ra các địa điểm khác.

Dũng Phạm-Link gốc

MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH

  • Tài sản bỏ tiền vào túi bạn, còn tiêu sản thì lôi tiền ra khỏi túi bạn. Để được giàu có, bạn phải mua tài sản.
  • Mời bạn cùng tìm mua đất nền tiềm năng tăng giá cao, giá trị đầu tư ban đầu thấp tại đây: https://tritininvest.com/loai-bat-dong-san/dat-nen-tay-ninh/

Bài viết liên quan

Cựu lãnh đạo của ông lớn ngành thép bị bắt, mở rộng vụ án hối lộ tại Quảng Ngãi

Ông Đinh Văn Chung đã tham gia trực tiếp vào công tác quản lý, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng trong quá trình xây dựng và vận hành các siêu dự án thép của Hòa Phát.

Tiếp tục đọc

Vì sao thị trường bất động sản phục hồi chậm?

Một số chuyên gia kinh tế nhận định, có nhiều nguyên nhân khiến cho thị trường bất động sản phục hồi chậm hơn so với dự kiến, trong đó tâm lý "chờ đợi" của nhà đầu tư được xem là nguyên nhân chính. Bên cạnh đó, vướng mắc trong khâu cấp phép dự án vẫn tiếp tục gây sức ép lên doanh nghiệp cũng như nguồn cung mới đưa ra thị trường.

Tiếp tục đọc

‘Doanh nghiệp của người Việt ở nước ngoài đã mở rộng sang công nghiệp số’

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, thay vì tập trung chủ yếu vào kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ, doanh nghiệp của người Việt Nam ở nước ngoài đã mở rộng sang công nghiệp số, công nghệ thông tin.

Tiếp tục đọc

Tham gia thảo luận

Chat zalo với Trí Tín
Chat ngay