Tăng trưởng tín dụng 15% là khả thi
Trong bối cảnh lạm phát thấp và chỉ còn 2 tháng để đạt được chỉ tiêu theo định hướng tăng trưởng tín dụng 15% đã đặt ra, nhiều đại biểu muốn 'thúc' tín dụng tăng mạnh hơn, đồng thời kiểm soát được nợ xấu.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng
Tín dụng có thể tăng nhanh 2 tháng cuối năm
Lạm phát bình quân đến nay thấp hơn mục tiêu, tại sao không đẩy mạnh tín dụng hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế? Tín dụng đến 31/10 mới tăng 10,08%, liệu còn 2 tháng nữa thì có đạt được chỉ tiêu theo định hướng tăng 15% đã đặt ra? Đây là một số câu hỏi được Đoàn Thị Lê An (đoàn Cao Bằng) và đại biểu Quàng Thị Nguyệt (đoàn Điện Biên) đặt ra trong chất vấn Thống đốc NHNN.
Đại biểu Đoàn Thị Lê An
Trả lời nội dung này, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, như báo cáo Quốc hội trước đó, khi lạm phát được kiểm soát, NHNN đã thực hiện các giải pháp để ưu tiên tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, muốn đẩy tín dụng ra vẫn phải phụ thuộc vào khả năng tiếp cận của doanh nghiệp và người dân, bởi sau đại dịch Covid-19 nhiều doanh nghiệp và người dân rất khó khăn nên cũng chưa có đầu ra sản phẩm hoặc chưa cải thiện được tình hình. Đến nay khi xu thế chính sách tiền tệ thắt chặt trên thế giới đã giảm bớt, đơn hàng và tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn nên kỳ vọng trong thời gian tới tín dụng có thể sẽ tăng lên.
Thống đốc cũng chia sẻ, trong Chỉ thị 01 đầu năm 2024, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, và có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn. Vì đầu năm đưa ra chỉ tiêu định hướng nhưng các biến số kinh tế vĩ mô diễn biến thường xuyên, liên tục và bản chất của chính sách tiền tệ là ngắn hạn, cho nên NHNN cần phải theo dõi những diễn biến và nếu cần thiết thì có thể điều chỉnh tăng hoặc điều chỉnh giảm, tương tự như những năm trước đây.
Dù đến 31/10, tăng trưởng tín dụng mới tăng 10,08% so với cuối năm 2023 (tăng 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái) nhưng vẫn có nhiều khả năng đạt được định hướng đề ra vì tăng trưởng tín dụng thường tăng cao trong giai đoạn cuối năm, đặc biệt là 2 tháng cuối năm. “Chúng tôi thống kê tăng trưởng tín dụng 2 tháng cuối năm của mấy năm gần đây thì thấy đều tăng khá cao, có những năm tăng 4-5%. Vì đây là khoảng thời gian có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, thiết bị phục vụ Tết và những khoản vay ngắn hạn tăng để mua hàng, cung ứng hàng dịp Tết. Do đó chúng tôi cho rằng, khả năng tăng trưởng tín dụng có thể đạt được khoảng 15%”, theo Thống đốc.
Đại biểu Quàng Thị Nguyệt
Một chất vấn khác cũng được đại biểu Quàng Thị Nguyệt đưa ra là nếu tín dụng tăng mạnh thì có lo ngại dẫn đến tình trạng nợ xấu tăng? Thống đốc cho biết, nếu nguyên nhân của nợ xấu là những yếu tố khách quan và từ doanh nghiệp thì ngân hàng khó có thể kiểm soát. Tuy nhiên, để hạn chế nợ xấu phát sinh, NHNN luôn chỉ đạo các TCTD phải tăng cường các biện pháp kiểm soát nợ xấu khi cho vay thông qua thẩm định, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng hay khi cho vay đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro phải hết sức thận trọng và cân đối nguồn vốn.
Tuy nhiên để kiểm soát nợ xấu, ngoài ngành Ngân hàng cần có nhiều giải pháp từ các chủ thể khác. Đối với các doanh nghiệp và người dân, cần tăng cường các khả năng về quản trị tài chính, hoạt động và quản trị dòng tiền. “Trên thực tế, có những doanh nghiệp có tiền nhưng quản trị dòng tiền không tốt, có thể họ có rất nhiều tài sản nhưng thanh khoản để trả cho một khoản vay có khi vào thời điểm nhất định lại không đáp ứng được, nên về phía doanh nghiệp cũng cần có những giải pháp như vậy”, Thống đốc nói.
Sẽ bỏ công cụ hạn mức tín dụng khi điều kiện của thị trường cho phép
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà
Chuyển đến Thống đốc các câu hỏi của cử tri, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) chất vấn 2 nội dung. Một là về lộ trình tiến tới xóa bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng; hai là Fed đã hạ lãi suất và dự kiến sẽ tiếp tục chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ, việc này sẽ tác động như thế nào tới tỷ giá, thị trường ngoại tệ và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp?
Liên quan đến vấn đề về hạn mức tăng trưởng tín dụng, Thống đốc cho biết, NHNN đã tổ chức đánh giá, rà soát, phân tích rất kỹ lưỡng về tình hình thực trạng của nền kinh tế cũng như hệ thống các tổ chức tín dụng hiện nay, trong đó đã tổ chức các buổi tọa đàm, tham vấn của chuyên gia kinh tế và đại biểu Quốc hội. Qua quá trình phân tích, đánh giá, NHNN thấy rằng xét về bối cảnh, điều kiện hiện nay chưa thể bỏ cách thức điều hành theo hạn mức tín dụng.
Bởi với thực trạng nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào vốn của hệ thống ngân hàng, nếu không kiểm soát mà mỗi một tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng đến vài chục phần trăm như những năm trước đây sẽ tiềm ẩn những rủi ro, nhất là khi phân khúc của thị trường tài chính để đáp ứng nhu cầu về trung, dài hạn như là trái phiếu doanh nghiệp, phát hành cổ phần cổ phiếu thông qua thị trường chứng khoán chưa giải quyết được.
Hiện nay, dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam đang ở mức cảnh báo. Như WB, ADB hay các tổ chức định chế tài chính và các chuyên gia quốc tế khi phân tích đều nhắc tới điều này. Cho nên, NHNN cũng báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là chưa thể bỏ hạn mức tín dụng. “Trong quá trình chưa bỏ hạn mức này, thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã linh hoạt hơn và có những giải pháp để có thể đáp ứng được nhu cầu tín dụng”, Thống đốc nhấn mạnh.
Theo đó, NHNN đánh giá và cấp hạn mức tín dụng theo đánh giá xếp loại của cơ quan thanh tra, giám sát NHNN để thấy rằng các tổ chức tín dụng nào có khả năng mở rộng tín dụng nhưng vẫn đi đôi với kiểm soát rủi ro. Cùng với đó, NHNN cũng cân nhắc đối với những mục tiêu ưu tiên của Chính phủ trong từng giai đoạn. Ví dụ như ưu tiên đối với các lĩnh vực như là nông nghiệp, nông thôn hay là ưu tiên xuất khẩu và những lĩnh vực kiểm soát rủi ro như thị trường bất động sản hay đầu tư vào kinh doanh chứng khoán… sẽ có những điểm cộng, điểm trừ.
Đối với room tín dụng, cuối năm 2023, NHNN đã thực hiện thông báo tăng trưởng tín dụng của cả năm 2024 cho tất cả các tổ chức tín dụng với chỉ tiêu định hướng là khoảng 14-15%. Đến tháng 8 năm nay, NHNN chủ động thông báo về tăng trưởng tín dụng và cũng cho nguyên tắc được điều chỉnh tự động khi các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng vượt 80% mức tăng trưởng NHNN thông báo. “Đấy là lộ trình chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, khi điều kiện của thị trường cho phép thì chúng tôi sẽ bỏ công cụ điều hành này”, Thống đốc cho biết.
Về câu hỏi thứ hai mà đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà chất vấn, Thống đốc thông tin khi Fed giảm lãi suất, thoạt đầu có vẻ áp lực đối với tỷ giá và thị trường ngoại hối giảm bớt. Tuy nhiên, như NHNN đã báo cáo Quốc hội, tỷ giá và thị trường ngoại hối chịu tác động bởi rất nhiều các yếu tố, không chỉ yếu tố lãi suất của Fed và còn đặc biệt phụ thuộc vào cung, cầu ngoại tệ thực của nền kinh tế. Nếu xuất khẩu của Việt Nam cải thiện, thu hút đầu tư tiếp tục được tăng lên thì cung – cầu thuận lợi, tỷ giá sẽ thuận lợi hơn. Nếu trong trường hợp chúng ta vẫn khó khăn đầu ra, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu để phục vụ sản xuất trong nước tăng lên… sẽ ảnh hưởng không thuận đến cung – cầu ngoại tệ. Ngoài ra còn có yếu tố tâm lý kỳ vọng, đầu cơ, găm giữ.
Theo Thống đốc, trong điều hành chính sách tiền tệ NHNN luôn đảm bảo làm thế nào kiên định với mục tiêu lạm phát để ổn định giá trị của Việt Nam đồng; kết hợp giữa chính sách lãi suất và tỷ giá để Việt Nam đồng hấp dẫn hơn, khuyến khích người dân chuyển hóa ngoại tệ ra Việt Nam đồng… “Cho nên, tại sao NHNN luôn báo cáo với Quốc hội chia sẻ là phấn đấu giảm lãi suất thì NHNN rất mong muốn, nhưng nếu giảm lãi suất nhiều quá sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá và thị trường ngoại hối. NHNN phải điều hành làm thế nào để cân bằng, hài hòa được các mục tiêu. Đây là một câu chuyện cũng rất khó. Nhưng rõ ràng là khi thị trường ổn định thì hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mới có thể ổn định”, Thống đốc chia sẻ.
Lê Đỗ
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận