Kinh tế toàn cầu sau bầu cử Mỹ – Bài cuối: “Bóng ma” lạm phát quay về?
Các biện pháp được ông Trump công bố “sẽ có thể gây thiệt hại kinh tế ước tính khoảng 33 tỷ euro chỉ riêng ở Đức”, theo tính toán của Viện nghiên cứu kinh tế (IFO).
Xuất khẩu sẽ là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ chính sách thuế quan mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Nhà kinh tế Éric Chaney, chuyên gia liên kết với Viện Montaigne, đã nhận định trong một bài viết trên trang web Telos rằng: “Đối với Liên minh châu Âu, trong bối cảnh Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất chiếm 20% luồng hàng ra nước ngoài, cú sốc [chính sách thuế quan của ông Trump] sẽ đáng kể, đặc biệt là đối với Đức”.
Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế trưởng của công ty kiểm toán và tư vấn BDO Anne-Sophie Alsif chia sẻ, về phía Đức, ngành ô tô, hóa chất và máy công cụ đặc biệt dễ bị tổn thương, trong khi những ngành bị ảnh hưởng ở Pháp sẽ là rượu mạnh, nông sản thực phẩm và dược phẩm”.
Các biện pháp được ông Trump công bố “sẽ có thể gây thiệt hại kinh tế ước tính khoảng 33 tỷ euro chỉ riêng ở Đức”, theo tính toán của Viện nghiên cứu kinh tế (IFO). Cơ quan này đã dự đoán xuất khẩu của Đức sang Mỹ sẽ giảm 15% và sang Trung Quốc giảm 10%.
Nước Mỹ hiện là khách hàng lớn thứ tư của hoạt động xuất khẩu Pháp. Các giao dịch thương mại này do ba ngành chủ đạo chiếm lĩnh, đó là hàng không, dược phẩm và đồ uống – trong đó đứng đầu là rượu vang và rượu mạnh. Đây cũng sẽ là tuyến đầu nếu thuế hải quan được áp đặt. Tuy nhiên, “với thị trường Mỹ, Pháp ít bị ảnh hưởng hơn Đức và sẽ ít bị thiệt hại hơn”, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triển vọng và Thông tin Quốc tế (CEPII) Antoine Bouët đã khẳng định điều này.
Chủ nghĩa bảo hộ này, như chuyên gia Antoine Bouët gọi trong một bài viết trên tạp chí Telos, có thể làm suy yếu tăng trưởng kinh tế châu Âu. Ngân hàng đầu tư Mỹ Goldman Sachs đã tính toán rằng thuế hải quan phổ quát 10% sẽ khiến GDP của Khu vực đồng euro (Eurozone) giảm 1%, “với tác động tiêu cực hơn ở Đức (1,6%) so với nơi khác, “do mức độ mở cửa lớn hơn và sự phụ thuộc vào hoạt động công nghiệp”.
Trong khi đó, các chuyên gia khác cho rằng tác động sẽ nhỏ hơn nhiều, với mức suy giảm chỉ là khoảng 0,1 đến 0,5%. Ảnh hưởng về chi phí thuế hải quan sẽ hạn chế hơn đối với châu Âu, theo Sylvain Bersinger, chuyên gia kinh tế trưởng tại Asterès. “Liên minh châu Âu có thặng dư thương mại với Mỹ và điều này có thể sẽ không biến mất do các loại thuế mới”, sự thay đổi tỷ giá hối đoái sẽ có khả năng bù đắp cho sự giảm khả năng cạnh tranh, ông ước tính.
Ngoài tác động trực tiếp của thuế bổ sung từ Mỹ, châu Âu có thể gián tiếp chịu thiệt hại từ thuế hải quan mà ông Donald Trump dự định áp đặt lên hàng nhập khẩu từ đối thủ Trung Quốc. Và những mức thuế này sẽ không giới hạn ở 10 hoặc 20%, mà có thể lên tới 60%.
“Hậu quả là, Trung Quốc có thể muốn xâm nhập thị trường châu Âu, để tìm thị trường đầu ra khác cho sản phẩm của họ”, chuyên gia Anne-Sophie Alsif cho biết. Điều này có thể dẫn đến các biện pháp trả đũa từ Brussels. “Khó có thể thấy việc áp dụng các đề xuất của ông ấy (Donald Trump) không kích hoạt một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu vào thời điểm mà hợp tác quốc tế chưa bao giờ cần thiết như vậy”, chuyên gia Antoine Bouët chỉ ra. Một kịch bản như vậy sẽ là thảm họa cho các bên liên quan. Thuế hải quan của Mỹ cộng với các biện pháp trả đũa từ Bắc Kinh và EU sẽ khiến kinh tế EU thiệt hại 533 tỷ USD đến năm 2029, kinh tế Mỹ thiệt hại 749 tỷ USD và kinh tế Trung Quốc thiệt hại 827 tỷ USD, theo đánh giá của công ty tư vấn quốc tế Roland Berger.
Song song với thuế hải quan, các nhà công nghiệp châu Âu có lý do để lo ngại về chương trình của ông Donald Trump trong chính sách năng lượng. “Ông ấy muốn tập trung hoàn toàn vào nhiên liệu hóa thạch, điều này có thể mang lại hậu quả đối với giá năng lượng”, Giáo sư danh dự về kinh tế Christian de Boissieu tại Đại học Paris 1 Panthéon-Sorbonne lưu ý.
Ủng hộ khí đốt và dầu đá phiến, tỷ phú thuộc đảng Cộng hòa đã hứa sẽ “khoan hết mức” nếu được bầu. Điều này có thể “làm giảm giá năng lượng ở Mỹ, nhưng sẽ không tốt cho khả năng cạnh tranh của châu Âu”, chuyên gia Anne-Sophie Alsif nhấn mạnh, trong khi giá khí đốt và điện đã rẻ hơn đáng kể ở bên kia Đại Tây Dương. Bù lại, ngành năng lượng tái tạo của châu Âu có thể được hưởng lợi từ chiến thắng của ông Donald Trump, người kiên quyết phản đối Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) – kế hoạch trợ cấp khổng lồ cho quá trình chuyển đổi năng lượng của Tổng thống Joe Biden, hoặc các dự án điện gió ngoài khơi.
Việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ cũng làm sống lại bóng ma của cuộc khủng hoảng lạm phát mà châu Âu đã trải qua sau khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ vào đầu năm 2022. Tổng thống mới đắc cử phản đối viện trợ quốc tế cho Kiev. Việc giảm sự hỗ trợ của Mỹ có thể ảnh hưởng đến tiến trình của cuộc xung đột và gây ra căng thẳng trong nguồn cung cấp một số nguyên liệu thô trên toàn cầu. Chuyên gia kinh tế trưởng của BDO Anne-Sophie Alsif đề cập đến khả năng “tác động đến giá nguyên liệu nông nghiệp toàn cầu, như lúa mỳ và ngô”, trong đó “nước Pháp thiên về nông nghiệp có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn”.
Trên thị trường ngoại hối, khi những kết quả đầu tiên của cuộc bầu cử Mỹ cho thấy khả năng ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng, tỷ giá đồng USD tăng vọt so với các đồng tiền khác, đặc biệt là đồng euro ngay sau ngày bầu cử. Điều này làm tăng chi phí nhập khẩu cho các nước châu Âu.
Chuyên gia Anne-Sophie Alsif thậm chí dự đoán “đồng USD sẽ giảm trong trung hoặc dài hạn” do các rào cản thương mại mà ông Trump muốn thiết lập và căng thẳng địa chính trị phát sinh. Là người ủng hộ đồng USD yếu hơn, ông Donald Trump đã nhiều lần khẳng định muốn có tiếng nói về chính sách tiền tệ và đối với các quyết định của Fed. Tuy nhiên, cơ quan bảo hiểm tín dụng quốc tế Coface cảnh báo: “Nếu tính độc lập của Fed bị thỏa hiệp trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, niềm tin vào chính sách tiền tệ của Mỹ có thể bị lung lay, khiến bất ổn kinh tế toàn cầu gia tăng”.
Ngoài những xáo trộn về kinh tế do những chính sách mà ông Donald Trump có thể áp dụng khi cầm quyền, lập trường hoài nghi về khí hậu của ông, vốn sẵn sàng rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu một lần nữa, có nguy cơ “phá vỡ mọi nỗ lực phối hợp về các vấn đề năng lượng và chính sách khí hậu, và cũng phá vỡ các nỗ lực giảm phát thải và cùng nhau kiểm soát biến đổi khí hậu”, Giáo sư Sébastien Jean tại Conservatoire national des arts et métiers (Cnam) và Giám đốc liên kết tại Institut français des relations internationales (IFRI) đã cảnh báo trên Franceinfo.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận