Giao quyền chủ động cho cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp
Để khắc phục những tồn tại, bất cập trong việc cơ cấu, sắp xếp lại vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp (DN), dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại DN quy định, việc thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước đã đầu tư tại DN đảm bảo linh hoạt, kịp thời, phù hợp với cơ chế thị trường, đáp ứng yêu cầu quản lý vĩ mô nền kinh tế đối với từng ngành, nghề, lĩnh vực nhà nước đầu tư vốn.
Việc thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước đã đầu tư tại DN nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả đầu tư vốn tại DN, đảm bảo linh hoạt, kịp thời.
Hiện nay, Luật số 69/2014/QH13 quy định, cơ cấu lại vốn nhà nước tại DN dưới 3 hình thức và Chính phủ quy định hình thức, nội dung, trình tự, thủ tục cơ cấu lại vốn nhà nước tại DN.
DN thực hiện chuyển đổi sở hữu theo các hình thức: (i) Cổ phần hóa; (ii) Bán toàn bộ DN; (iii) Bán một phần vốn nhà nước đầu tư tại DN để chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. DN thực hiện sắp xếp lại theo các hình thức: (i) Hợp nhất, sáp nhập, chia tách DN; (ii) Giải thể, phá sản DN.
Thực tế cho thấy còn vướng mắc đối với việc xác định giá trị các tài sản là công trình, dự án kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh khi chuyển đổi sở hữu, việc xử lý tài chính khi thực hiện giải thể các công ty nông lâm nghiệp, việc sáp nhập các đơn vị chưa có vốn nhà nước đầu tư.
Việc chuyển giao một phần vốn, tài sản giữa các DN với nhau; việc chuyển giao dự án, công trình đầu tư từ cơ quan, tổ chức, quản lý dự án, công trình đầu tư công về DN bản chất là việc Nhà nước đầu tư vào DN bằng các tài sản, không phải hoạt động chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN.
Để khắc phục tồn tại, hạn chế trên, dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại DN xác định nguyên tắc sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại DN. Hoạt động sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước đã đầu tư tại DN là quá trình thực hiện thường xuyên tại các DN đã và đang hoạt động, được thực hiện; đồng thời với việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại DN theo quy định tại Luật này.
Việc thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước đã đầu tư tại DN nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả đầu tư vốn tại DN, đảm bảo linh hoạt, kịp thời, phù hợp với cơ chế thị trường, đáp ứng yêu cầu quản lý vĩ mô nền kinh tế đối với từng ngành, nghề, lĩnh vực nhà nước đầu tư vốn trong từng thời kỳ.
Bên cạnh các nội dung trên, dự thảo Luật quy định, không thực hiện xác định trong giá trị DN khi chuyển nhượng phần vốn nhà nước tại DN đối với tài sản là các công trình, dự án kết cấu hạ tầng đang được giao DN quản lý, khai thác do Nhà nước đầu tư có ý nghĩa quan trọng về kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh. Việc quản lý, sử dụng đất của DN có vốn nhà nước đầu tư thực hiện theo quy định pháp luật về đất đai.
Liên quan tới hoạt động chuyển nhượng, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách DN có vốn nhà nước đầu tư, dự thảo Luật quy định, giao Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quyết định đối với DN có vốn nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thuộc phạm vi quản lý.
Đồng thời, có ý kiến để người đại diện chủ sở hữu vốn biểu quyết quyết định tại Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên đối với DN có vốn nhà nước đầu tư từ trên 50% vốn điều lệ đến dưới 100% vốn điều lệ thuộc phạm vi quản lý; đảm bảo hiệu quả, linh hoạt trong điều hành của cơ quan này.
Hà Phương
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận