Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa, đến cuối tháng 10-2024, tín dụng tăng 7,59% so với cùng kỳ năm 2023. Trong những tháng cuối năm, tăng trưởng tín dụng có sự hồi phục rõ nét, cho thấy nhu cầu tín dụng của nền kinh tế đã có sự cải thiện.
Sức hấp thụ vốn dần cải thiện
Càng về thời điểm cuối năm, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế càng lớn, tạo đà cho tín dụng ngân hàng tăng trưởng. Theo đại diện một số ngân hàng trên địa bàn, chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ và của tỉnh đã phát huy hiệu quả. Kinh tế thế giới cũng có dấu hiệu khởi sắc, đơn hàng của doanh nghiệp (DN) nhiều hơn nên nhu cầu vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh tăng lên. Mặt khác, cuối năm cũng là thời điểm DN dồn sức chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho thị trường dịp Tết nên tín dụng tăng trưởng tốt hơn đầu năm. Một số ngân hàng đã có mức tăng trưởng tín dụng đạt hơn 2 con số vào cuối tháng 9, cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân toàn ngành, như: ACB đạt 13,8%; MBBank đạt 13,5%, HDBank đạt 16,6%…
Nhân viên Agribank Chi nhánh huyện Vạn Ninh thăm mô hình nuôi tôm hùm của một khách hàng .
Theo số liệu từ NHNN Chi nhánh Khánh Hòa, đến cuối tháng 10, dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh đạt 131.662 tỷ đồng, tăng 7,59% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh số cho vay 10 tháng năm 2024 đạt 159.998 tỷ đồng, tăng 9,54% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi trước đó, doanh số cho vay 6 tháng đầu năm chỉ đạt 91.836 tỷ đồng. Các con số này cho thấy sự cải thiện đáng kể của nhu cầu tín dụng và sức hấp thụ nguồn vốn ngân hàng vào những tháng cuối năm. Các chi nhánh tổ chức tín dụng đã chủ động cân đối nguồn vốn cho vay, đáp ứng kịp thời các nhu cầu vốn của khách hàng; thực hiện tốt các chương trình tín dụng, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; tích cực triển khai các chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân như: Điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ,… để hỗ trợ phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
Triển khai các gói tín dụng phù hợp
Năm 2024, ngành Ngân hàng Khánh Hòa đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng trên địa bàn khoảng 15% so với cuối năm 2023, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế; tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Ông Đỗ Trọng Thảo – Quyền Giám đốc NHNN Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng, từ nay đến cuối năm, chi nhánh sẽ tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình kinh tế – xã hội và hoạt động ngân hàng trên địa bàn để kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp với ngành Ngân hàng triển khai chính sách, chương trình tín dụng phù hợp, đặc biệt đối với các lĩnh vực kinh tế trọng điểm, ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ và địa phương. Trước mắt, chi nhánh sẽ chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng và DN trong lĩnh vực lâm sản, thủy sản nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn thực hiện Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao của tỉnh; chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực và chủ động phối hợp với Sở Xây dựng để triển khai hiệu quả Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư.
Khách hàng giao dịch tại một ngân hàng ở TP. Nha Trang.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng; tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay; phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng phù hợp với từng loại hình, nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân, DN. Thời điểm này, nhiều ngân hàng đã đưa ra các gói tín dụng ưu đãi tạo đà cho tăng trưởng tín dụng cuối năm và các năm sau. Có thể kể đến như: Agribank có các gói cho vay ngắn hạn ưu đãi đối với khách hàng cá nhân phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh với lãi suất chỉ từ 4%/năm, quy mô 50.000 tỷ đồng; cho vay trung, dài hạn đối với khách hàng cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi chỉ từ 6%/năm, quy mô 20.000 tỷ đồng; cho vay ưu đãi dành cho khách hàng DN hoạt động xuất nhập khẩu quy mô 20.000 tỷ đồng; khách hàng DN nhỏ và vừa quy mô 50.000 tỷ đồng… Sacombank tiếp tục triển khai gói tín dụng ngắn hạn với quy mô 15.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng DN nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, kích cầu kinh tế trong dịp cuối năm 2024. Cụ thể, khách hàng DN được hưởng lãi suất ưu đãi chỉ từ 4,5% và khách hàng cá nhân chỉ từ 5,5% khi vay sản xuất, kinh doanh, áp dụng cho kỳ hạn vay tối đa 3 tháng…
MAI HOÀNG
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận