Nguyên nhân khiến đồng rúp Nga lao dốc so với USD?
Tiếp đà mất giá từ tháng 8, đồng rúp mới đây đã giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đô la Mỹ kể từ những tuần đầu cuộc xung đột ở Ukraine, làm tăng khả năng lạm phát và tiếp diễn bất ổn kinh tế ở Nga.
Lệnh trừng phạt mới của Mỹ khiến đồng rúp Nga rơi xuống mức thấp nhất so với USD kể từ đầu cuộc xung đột ở Ukraine. Ảnh: FT
Đồng rúp (ruble) của Nga đã giảm xuống mức thấp nhất so với đồng đô la Mỹ kể từ những tuần đầu tiên của cuộc xung đột toàn diện tại Ukraine, khi đồng tiền này chịu ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với ngân hàng Gazprombank.
Theo tờ Financial Times, đồng rúp hôm 26/11 đã chạm mức 107 rúp / 1 USD lần đầu tiên kể từ tháng 3/2022. Đồng rúp cũng ở mức thấp nhất so với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trong 32 tháng. Tờ Kyiv Post cho rằng sự sụt giảm này làm tăng khả năng lạm phát và tiếp diễn bất ổn kinh tế Nga.
Đây không phải là mức thấp mọi thời đại của đồng rúp so với USD. Vào ngày 7/3/2022, tỷ giá đã đạt 115 rúp / 1 USD. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm rưỡi xung đột, mức 107 rúp là một mốc thấp khác đối với đồng tiền quốc gia của Nga.
Tại sao đồng rúp Nga mất giá?
Sự suy giảm của đồng tiền này được thúc đẩy bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố:
Trước hết vẫn là các lệnh trừng phạt của phương Tây, đặc biệt là đối với ngành năng lượng và tài chính của Nga. Tuần trước, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với các ngân hàng Nga vốn được sử dụng rộng rãi để thanh toán quốc tế, duy trì hoạt động thương mại nước ngoài. Gazprombank đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý hầu hết các khoản thanh toán cho khí đốt mà Nga bán ra nước ngoài. Việc mất kênh này khiến doanh thu từ khí đốt của Nga được dự báo sẽ giảm.
Theo ngân hàng trung ương, thực hiện thanh toán quốc tế là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Nga và là một trong những hạn chế lớn nhất đối với nền kinh tế. Trong lúc các lệnh trừng phạt mới đóng cửa nhiều con đường hơn cho các giao dịch như vậy, cán cân thương mại của Nga dự kiến sẽ xấu đi, đẩy đồng rúp xuống thấp hơn nữa.
“Giờ đây, những người mua khí đốt và dầu mỏ của Nga ở nước ngoài cần tìm phương thức thanh toán thay thế”, Alexander Potavin, nhà phân tích tại FG Finam cho biết. “Những con đường mới để gửi tiền sẽ được tìm ra cho mục đích này, ví dụ như thông qua các tài khoản ở các ngân hàng khác hoặc sử dụng các loại tiền tệ khác trên thế giới. Nhưng điều này cần có thời gian”.
Ông Potavin nói thêm rằng sự mất giá của đồng rúp “sẽ phản ánh tình trạng thiếu hụt tiền tệ”.
Sau hai tháng mất giá, đồng rúp đã giảm mạnh hơn vào 26/11 và vượt xa mức tỷ giá “100 đổi 1 đô la” vốn từ lâu được coi là ranh giới đỏ về mặt tâm lý đối với người Nga. Những mốc như vậy từng là cú sốc, giờ đây được coi là bình thường mới.
Một nguyên nhân khác là, giá năng lượng thế giới thấp hơn: Giá dầu và khí đốt toàn cầu giảm đã ảnh hưởng nặng nề đến thu nhập xuất khẩu của Nga. Bắt đầu từ tháng 9/2023, giá đóng cửa của dầu thô Brent, giỏ OPEC và WTI đã giảm từ gần 100 USD/ thùng xuống còn khoảng 70 USD/ thùng, theo Statista.
Bên cạnh đó, chi tiêu tài chính tăng vọt cho thiết bị quân sự, vũ khí và chi tiêu xã hội cho lương quân nhân cao hơn và các khoản thanh toán một lần cho gia đình quân nhân.
Liệu sự can thiệp của Ngân hàng Trung ương Nga có hiệu quả không?
Ngân hàng Nga gần đây đã tăng lãi suất chủ chốt lên 21% nhằm ổn định đồng rúp, mặc dù lạm phát ở Nga ước tính là 8,5% vào tháng 10/2024. Theo số liệu thống kê của ngân hàng trung ương Nga, lạm phát trước đó đã đạt 9,13% vào tháng 7/2024.
Các nhà phân tích cũng chỉ ra sự sụt giảm trong việc chuyển đổi tiền thu được từ xuất khẩu ngoại tệ – sau khi các quy tắc được đưa ra để ngăn chặn sự sụp đổ của nền kinh tế vào năm 2022 đã được nới lỏng vào đầu năm nay – dẫn đến ít trao đổi hơn để hỗ trợ đồng rúp.
Khi mùa nghỉ lễ mùa đông của Nga đang đến gần, “các doanh nghiệp thường có nhu cầu nhập khẩu và có nhu cầu theo mùa về tiền tệ”, chuyên gia Potavin tại FG Finam cho biết. “Một năm trước, nhu cầu này đã được đáp ứng khá nhanh chóng bằng cách tăng tỷ lệ bán thu nhập ngoại tệ từ các nhà xuất khẩu, nhưng năm nay, chính quyền không muốn làm như vậy”.
Theo ông Potavin, trong lúc thâm hụt ngân sách ngày càng tăng khi Nga tăng chi tiêu quân sự, đồng rúp yếu hơn có thể phù hợp với chính phủ của Tổng thống Vladimir Putin. Quốc gia này nhận được khoảng một nửa doanh thu ngân sách bằng ngoại tệ, chủ yếu thông qua xuất khẩu dầu khí, trong khi chi tiêu chủ yếu bằng rúp.
“Họ cần đồng rúp yếu hơn để lấp đầy ngân sách nhà nước vì chi tiêu quốc phòng rất lớn”, chuyên gia Potavin cho biết. “Các chuyên gia ước tính rằng chỉ cần tỷ giá hối đoái đô la thay đổi 1 rúp có thể làm tăng doanh thu ngân sách dầu khí hàng năm khoảng 100 tỷ rúp”.
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov ngày 26/11 nói rằng chính phủ không tìm cách chống đỡ đồng rúp. “Tôi không nói tỷ giá tốt hay xấu. Tôi chỉ muốn nói rằng tỷ giá hối đoái hiện nay . .rất, rất có lợi cho xuất khẩu”, ông Siluanov được các hãng thông tấn nhà nước trích dẫn phát biểu tại một diễn đàn.
Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Financial Times, Kyiv Post)
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận