Meta đang xây dựng một tuyến cáp ngầm trị giá 10 tỷ USD vòng quanh thế giới
Dự án có thể tiêu tốn hơn 10 tỷ USD, với chiều dài dự kiến khoảng 25.000 dặm (40.230 km).
Meta có kế hoạch xây dựng một tuyến cáp ngầm vòng quanh thế giới. Ảnh: Business Insider.
Meta, công ty mẹ của Facebook, Instagram và WhatsApp, đang triển khai kế hoạch xây dựng một tuyến cáp quang ngầm dưới nước có khả năng phủ sóng toàn cầu.
Theo TechCrunch, dự án có thể tiêu tốn hơn 10 tỷ USD, với chiều dài dự kiến khoảng 25.000 dặm (40.230 km). Đây sẽ là một trong những dự án cáp ngầm quy mô lớn nhất mà Meta từng tham gia, nhằm củng cố khả năng kết nối mạng toàn cầu.
Theo nguồn tin từ Business Insider, Meta sẽ sở hữu toàn bộ công suất của tuyến cáp này. Hiện tại, dự án vẫn đang trong giai đoạn đầu và các thông tin chi tiết về công suất hay lộ trình của cáp chưa được công bố chính thức. Tuy nhiên, hoạt động lập kế hoạch được cho là đang được văn phòng của Meta tại Nam Phi điều phối.
Cáp quang ngầm là công nghệ quan trọng trong việc truyền tải tín hiệu viễn thông trên phạm vi quốc tế, đặc biệt qua các vùng nước rộng lớn. Trước đây, Meta đã là đồng sở hữu của các dự án cáp ngầm khác, nổi bật là 2Africa, một tuyến cáp trải dài khắp bờ biển châu Phi.
Theo doanh nhân Sunil Tagare, người đầu tiên tiết lộ thông tin này, tuyến cáp sẽ có lộ trình từ Bờ Đông Hoa Kỳ đến Ấn Độ, với điểm dừng tại Nam Phi để cung cấp năng lượng và phục hồi. Sau đó, cáp sẽ được tiếp tục từ Ấn Độ đến Bờ Tây Hoa Kỳ, qua Darwin (Úc), tránh các khu vực căng thẳng địa chính ở thời điểm hiện tại.
Việc chọn Ấn Độ làm một trong các điểm đến của tuyến cáp được cho là do chi phí xây dựng trung tâm dữ liệu tại đây rẻ hơn đáng kể so với Hoa Kỳ. Tagare ước tính ban đầu dự án sẽ tiêu tốn 2 tỷ USD, nhưng tổng chi phí có thể tăng lên hơn 10 tỷ USD trong 5-10 năm tới.
Dự án cáp quang này không chỉ nhằm tăng cường khả năng kết nối của Meta mà còn giúp công ty giảm thiểu rủi ro liên quan đến căng thẳng địa chính trị. Việc định tuyến tránh các điểm dễ tổn thương như Biển Baltic hay Biển Đỏ cho thấy Meta đang tập trung vào tính bền vững và ổn định lâu dài.
TechCrunch nhận định dự án sẽ cần nhiều năm để hoàn thành do hạn chế về nguồn lực, đặc biệt là số lượng tàu chuyên dụng để lắp đặt cáp. Tuy nhiên, nếu thành công, tuyến cáp này sẽ đánh dấu một bước tiến lớn trong tham vọng toàn cầu hóa mạng lưới viễn thông của Meta, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho các kế hoạch mở rộng trong tương lai.
Theo Business Insider
Tiến Dũng
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận