Kết quả thu hồi tài sản về tham nhũng, kinh tế năm 2024 đạt cao nhất từ trước đến nay

Kết quả thu hồi tài sản về tham nhũng, kinh tế năm 2024 đạt cao nhất từ trước đến nay

Ngày 2/12, Tổng cục Thi hành án dân sự tổ chức hội nghị triển khai thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự (THADS), thi hành án hành chính năm 2025. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh dự chỉ đạo hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: TH

Thu hồi hơn 22 nghìn tỷ đồng trong các vụ án tham nhũng, kinh tế

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, về công tác THADS, tổng số việc phải thi hành 1.021.783 việc (có điều kiện thi hành 739.974 việc, đã thi hành xong 620.657 việc (đạt tỷ lệ 83,88%), tăng 0,62% so với năm 2023); tổng số tiền phải thi hành là gần 495 nghìn tỷ đồng (có điều kiện thi hành hơn 224.775 tỷ đồng, đã thi hành xong hơn 116.531 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 51,84%), tăng 5,06% so với năm 2023).

Về kết quả thu hồi các khoản nợ cho các tổ chức tín dụng: Đã thi hành xong 6.252 việc, tương ứng với hơn 30.544 tỷ đồng.

Về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế: Đã thi hành xong 9.211 việc, tương ứng với hơn 22.177 tỷ đồng (đạt hơn 57% tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm 2023). Năm 2024 cũng là năm kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đạt cao nhất từ trước đến nay.

Bên cạnh những kết quả đạt được tích cực, Bộ Tư pháp cho biết, công tác thi hành án thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế thời gian gần đây, và đặc biệt trong thời gian tới đây, đã và đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, vướng mắc, thách thức, do phát sinh các vụ án tham nhũng, kinh tế với giá trị phải xử lý lớn, khối lượng đương sự đông. Đơn cử như vụ Tân Hoàng Minh, giá trị phải thi hành hơn 8.600 tỷ đồng, số lượng người bị hại là 6.800 người; vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1 có giá trị phải thi hành trên 700.000 tỷ đồng, giai đoạn 2 có giá trị phải thi hành trên 30.000 tỷ đồng, số lượng người bị hại trên 43.000 người…

Với khối lượng công việc đồ sộ, tăng đột biến do phát sinh các vụ việc có số lượng tài sản phải xử lý và số lượng đương sự đặc biệt lớn như vậy, nhưng trong bối cảnh nguồn lực về con người cũng như kinh phí hiện có của hệ thống THADS sẽ là khó khăn, thách thức rất lớn đối với các cơ quan THADS trực tiếp tổ chức thi hành vụ việc.

Tập trung nguồn lực để thi hành có hiệu quả các vụ án tham nhũng lớn

Để tổ chức thi hành các vụ việc, án hình sự tham nhũng, kinh tế có số lượng tài sản phải xử lý và đương sự lớn, Tổng cục THADS yêu cầu các cơ quan THADS phải chủ động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng ngay từ giai đoạn điều ra, truy tố, xét xử để rà soát, phân loại tiền, tài sản, vật chứng trong vụ án; cơ quan THADS phải đánh giá, dự báo được tình hình, khó khăn, vướng mắc sẽ gặp phải, trên cơ sở đó dự liệu và chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết để tiếp nhận, ra quyết định và tổ chức thi hành các bản án trong các vụ án lớn như vụ Trương Mỹ Lan và đồng phạm, vụ FLC, chùm vụ án liên quan đến Cục Đăng kiểm Việt Nam, tập đoàn Phúc Sơn,…

Có các giải pháp để tập trung nguồn lực cả về con người và vật chất để bảo đảm thi hành có hiệu quả các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, đặc biệt là các vụ thuộc danh sách án Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Rà soát, đánh giá, xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện; thực hiện rà soát chặt chẽ quy trình thủ tục THADS, hồ sơ pháp lý của tài sản đưa ra bán đấu giá.

Trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, lãnh đạo cục cần phải sát sao chỉ đạo, định kỳ kiểm tra tiến độ, kết quả tổ chức thi hành án của các chấp hành viên. Đối với những địa phương có vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, cần phối hợp với các cơ quan tố tụng trong quá trình xử lý vụ việc. Chấp hành viên cần tăng cường xác minh, kiểm tra thực trạng tài sản, thực hiện các trình tự, thủ tục xử lý tài sản đúng quy định của Luật THADS.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TH

Chủ động có cơ chế kiểm tra, giám sát, phòng ngừa và xử lý vi phạm đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là công tác thẩm định giá, bán đấu giá tài sản; kịp thời phát hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm những sai phạm, tiêu cực trong công tác thu hồi tài sản.

Tranh thủ kịp thời và tối đa sự chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương, nhất là sự vào cuộc chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đối với công tác thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế và sự phát huy hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp trong các mặt công tác THADS, xác định đây là một trong những giải pháp quan trọng để hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ. Đặc biệt là phối hợp với VKSND trên địa bàn để chủ động kiểm sát hồ sơ các vụ việc đưa tài sản ra bán đấu giá, hạn chế tối đa việc phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Kiểm tra, giám sát công tác thu hồi tài sản các vụ án hình sự về tham nhũng

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống THADS đã đạt được những kết quả tích cực trong năm 2024.

Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh đề nghị, năm 2025, hệ thống THADS cần nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Người đứng đầu cơ quan THADS phải nghiên cứu kỹ và quán triệt sâu sắc tới các công chức, cán bộ của đơn vị. Đồng thời khẩn trương tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và đề xuất thực hiện chủ trương sắp xếp tinh gọn bộ máy, mục tiêu gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và chất lượng công việc. Sắp xếp bộ máy cần xuất phát từ chức năng nhiệm vụ, có thể tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Cùng với đó, đẩy mạnh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện thể chế về THADS, THAHC, trọng tâm là xây dựng Luật THADS (sửa đổi). Với sự thay đổi về tổ chức bộ máy, Bộ trưởng lưu ý việc sửa đổi luật phải chú trọng gắn với trách nhiệm, nhiệm vụ, thẩm quyền của tòa án với công tác thi hành án; giảm thiểu và đơn giản tối đa thủ tục thi hành án; tính toán vấn đề phân cấp, phân quyền trong thực hiện nhiệm vụ; tăng cường xã hội hóa công tác THADS.

Đổi mới mạnh mẽ phương pháp công tác, lề lối làm việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ, làm tốt công tác đánh giá, điều động, luân chuyển cán bộ đảm bảo khách quan, thực chất, công tâm.

Cơ quan THADS các cấp cần triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành thắng lợi chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, trong đó đề cao sự chủ động và bản lĩnh của người đứng đầu, nhất là trong bối cảnh nhiều thay đổi, người đứng đầu cần là chỗ dựa về tinh thần và chuyên môn cho công chức, cán bộ của đơn vị.

Bộ trưởng yêu cầu toàn hệ thống THADS tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra, giám sát nội bộ, bởi nếu chưa làm tốt công tác này thì chưa hoàn thành nhiệm vụ quản lý Nhà nước. Trong đó tập trung kiểm tra, giám sát công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, chức vụ; thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng; thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án… Sau khi nhận diện được vấn đề cần kiến nghị giải pháp về thể chế.

Cùng với đó, nâng cao hiệu quả công tác theo dõi thi hành án hành chính, chủ động phối hợp cơ quan tòa án, kiểm sát và cấp ủy chính quyền địa phương, tận dụng các cơ chế như tiếp dân, giao ban nội chính. Thông qua các buổi làm việc, kiểm tra liên ngành, kiên quyết chỉ ra một số địa phương mà Chủ tịch UBND tỉnh chậm, trây ỳ, không thi hành án hành chính để báo cáo, đề xuất xử lý.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực THADS. Coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng và ưu tiên của toàn hệ thống. Quan tâm hơn tới việc bảo đảm nguồn lực kinh phí đầu tư công, kho vật chứng, trụ sở cơ quan THADS.

Thái Hải

Link gốc

MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH

  • Tài sản bỏ tiền vào túi bạn, còn tiêu sản thì lôi tiền ra khỏi túi bạn. Để được giàu có, bạn phải mua tài sản.
  • Mời bạn cùng tìm mua đất nền tiềm năng tăng giá cao, giá trị đầu tư ban đầu thấp tại đây: https://tritininvest.com/loai-bat-dong-san/dat-nen-tay-ninh/

Bài viết liên quan

Xuất khẩu nhiên liệu của Nga giảm mạnh do suy thoái lọc dầu

Nga ghi nhận xuất khẩu nhiên liệu qua đường biển giảm 9%, xuống 2,2 triệu thùng/ngày, do ưu tiên nội địa và ảnh hưởng từ căng thẳng địa chính trị.

Tiếp tục đọc

Giá gạo xuất khẩu tiếp tục biến động

Giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua có sự giảm nhẹ. Giá gạo xuất khẩu cũng giảm, có thời điểm gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức dưới 500 USD/tấn.

Tiếp tục đọc

EU tăng cường nhập khẩu dầu Nga

Trong tháng 10 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã mua dầu từ Nga với tổng trị giá 687,5 triệu euro (khoảng 735,6 triệu USD), mức cao nhất kể từ tháng 2 năm nay.

Tiếp tục đọc

Tham gia thảo luận

Chat zalo với Trí Tín
Chat ngay