Vì sao nền kinh tế lớn nhất châu Âu rơi vào khủng hoảng?

Vì sao nền kinh tế lớn nhất châu Âu rơi vào khủng hoảng?

Vấn đề quan tâm nhất của cử tri Đức trong cuộc bầu cử sớm sắp tới là liệu chính phủ mới có thể khôi phục nền kinh tế đang rơi vào khủng hoảng của nước này.

Nền kinh tế lớn nhất Châu Âu đang rơi vào khủng hoảng. Ảnh: Reuters.

Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu – đang bước vào năm thứ 2 không tăng trưởng. Nước này đã ghi nhận mức tăng trưởng 0,1% trong giai đoạn tháng 7 đến tháng 9, nhưng dự báo tiếp tục suy giảm trong cả năm.

Các nhà kinh tế dự đoán rằng Đức sẽ khó quay trở lại đà tăng trưởng vào năm 2025 nếu chính phủ mới không thực hiện các thay đổi đáng kể một cách nhanh chóng, theo The New York Times.

Liên minh 3 đảng cầm quyền do Thủ tướng Olaf Scholz lãnh đạo đã trải qua một năm bất đồng quan điểm về các vấn đề năng lượng, nhập cư trước khi sụp đổ vào tháng 11. Cuộc bầu cử sớm vào ngày 23/2/2025 tới đây có thể xác định một chính phủ mới với cơ hội xoay chuyển tình thế.

Giá năng lượng cao, bộ máy quan liêu phức tạp, cơ sở hạ tầng công cộng cũ kỹ và những diễn biến địa chính trị đã làm suy yếu nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

GDP của Đức tính đến quý III/2024 và dự báo năm 2025. Biểu đồ: Bloomberg.

Cái giá của sự bất ổn chính trị

Các công ty công nghiệp Đức đã chứng kiến sản lượng giảm hơn 12% kể từ năm 2018. Nhiều doanh nghiệp cho rằng nguyên nhân chính là do thiếu các tín hiệu rõ ràng từ Berlin về định hướng đầu tư.

Quyết định đột ngột chấm dứt trợ cấp cho xe điện vào cuối năm ngoái nhằm giảm chi ngân sách là một ví dụ điển hình. Điều này đã khiến các nhà sản xuất ôtô Đức, vốn đang đẩy mạnh sản xuất xe điện, đối mặt với sự sụt giảm mạnh trong nhu cầu tiêu dùng.

Hệ quả là hàng loạt việc làm bị cắt giảm trong ngành công nghiệp ôtô Đức. Bosch – nhà cung cấp ôtô lớn nhất nước Đức đã thông báo kế hoạch cắt giảm 5.500 nhân sự từ năm 2027, với 2/3 các vị trí là tại Đức. Tương tự, Ford Motor cũng đã thông báo sẽ cắt giảm 4.000 việc làm ở châu Âu, phần lớn là ở Đức.

Volkswagen đã cắt giảm lương công nhân và đe dọa đóng cửa 3 trong số 10 nhà máy tại Đức. Nhà sản xuất xe hơi này cũng đang triển khai chương trình tái cấu trúc lớn, dẫn đến các cuộc đình công quy mô lớn của công nhân bắt đầu từ tháng 12.

Về năng lượng, sau khi mất nguồn cung khí đốt từ Nga vào năm 2022 do xung đột ở Ukraine, chính phủ Đức chuyển sang nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Dù điều này vẫn giữ ấm cho các hộ gia đình và đảm bảo dự trữ năng lượng, nó cũng làm giá năng lượng tại quốc gia này tăng 40% so với năm trước đó.

Bất chấp xu hướng này, Đức vẫn quyết định đóng cửa nhà máy điện hạt nhân cuối cùng, khiến các doanh nghiệp khó dự đoán chi phí năng lượng và lập kế hoạch đầu tư dài hạn.

Chính sách thiếu nhất quán và sự bất ổn từ chính phủ do Thủ tướng Olaf Scholz lãnh đạo góp phần làm suy giảm khả năng cạnh tranh của kinh tế Đức. Ảnh: Reuters.

Những chính sách thiếu nhất quán này đã tạo ra sự bất ổn lớn, làm giảm lòng tin và sự lạc quan trong giới công nghiệp Đức. Theo khảo sát của Viện Ifo tại Munich, tâm lý bi quan đang ở mức kỷ lục.

Stefan Sauer, một nhà nghiên cứu kinh tế, nhận xét: “Sự thiếu rõ ràng từ chính phủ là nguyên nhân lớn gây bất ổn và suy giảm khả năng cạnh tranh của kinh tế Đức”.

Trước tình hình này, các nhà kinh tế cảnh báo Đức cần phải thay đổi chính sách thuế và phúc lợi, cũng như giảm bớt quy định và tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng. “Nếu không có những thay đổi chính sách lớn, tiềm năng tăng trưởng dài hạn của kinh tế Đức là cực kỳ hạn chế”, Salomon Fiedler, một nhà kinh tế tại ngân hàng tư nhân Berenberg cảnh báo.

Khủng hoảng trong lĩnh vực công nghiệp

Tâm điểm của các vấn đề kinh tế Đức đang gặp phải chính là ngành công nghiệp từng rất hùng mạnh nay đang suy yếu. Theo số liệu từ Hiệp hội Công nghiệp Đức (BDI), sản lượng ngành này dự báo giảm 3% năm nay, đánh dấu năm suy giảm thứ 3 liên tiếp.

Đối mặt với giá năng lượng tăng cao, các quy định nghiêm ngặt về môi trường cùng sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Trung Quốc, các công ty công nghiệp Đức từng chiếm lĩnh các lĩnh vực như ôtô, máy móc, sắt thép giờ đây phải cắt giảm chi phí, tái cấu trúc để tồn tại.

“Ngành công nghiệp Đức đang chịu áp lực khủng khiếp”, Tanja Gönner, Giám đốc điều hành của BDI, nói và nhấn mạnh: “Không có triển vọng hồi phục vào năm 2025”.

Trong tháng 11, nhà sản xuất thép lớn nhất nước Đức – ThyssenKrupp – đã buộc phải giảm giá trị tài sản của bộ phận kinh doanh thép xuống 1 tỷ euro (khoảng 1,04 tỷ USD) sau khi công bố khoản lỗ ròng hàng năm ở mức 1,4 tỷ euro (1,47 tỷ USD). Công ty này đã vật lộn trong nhiều năm để khử carbon trong quá trình sản xuất thép, trong khi chi phí vận hành các nhà máy luyện cốc hiện tại tăng vọt.

Ford đã thông báo sẽ cắt giảm 4.000 việc làm ở châu Âu, phần lớn là ở Đức. Ảnh: Reuters.

Bên cạnh các tập đoàn công nghiệp lớn, nền kinh tế Đức cũng phụ thuộc vào sự đổi mới và chuyên môn. Tuy nhiên, trong một thế giới ngày càng số hóa, Đức đang thiếu các start-up mới, những công ty có thể thúc đẩy thế hệ tăng trưởng tiếp theo.

Chính phủ Đức vẫn có các khoản tài trợ để hỗ trợ doanh nhân khởi nghiệp nhưng khi cần mở rộng quy mô, nhiều doanh nghiệp lại chuyển sang Mỹ – nơi có nguồn vốn mạo hiểm dồi dào hơn và thuế suất thấp hơn.

Danyal Bayaz, Bộ trưởng Tài chính bang Baden-Württemberg đã bày tỏ sự thất vọng khi phát biểu tại Hội nghị Đức – Mỹ ở Harvard: “Vấn đề chính của chúng ta không phải là những gì đang xảy ra với ThyssenKrupp mà là tại sao start-up thành công cuối cùng của Đức đã cách đây 50 năm”.

Thay đổi quan hệ thương mại và rủi ro thuế quan từ ông Trump

Không chỉ những vấn đề nội tại, những rủi ro thương mại toàn cầu cũng đang đè nặng lên đôi vai nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Đức là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới, nổi tiếng với các sản phẩm ôtô, hóa chất và máy móc. Tuy nhiên, cả 3 lĩnh vực này đang gặp khó khăn khi những biến động địa chính trị và sự thay đổi chuỗi cung ứng trong những năm gần đây làm gián đoạn hoạt động thương mại toàn cầu.

The Economist dẫn nhận xét của Pictet Wealth Management cho biết sự thay đổi trong mối quan hệ thương mại của Đức với Trung Quốc đã góp phần ảnh hưởng tới nền kinh tế nước này.

Trong những năm 2010, tăng trưởng của 2 nước này đóng vai trò bổ sung cho nhau. Đức bán ôtô, hóa chất và máy móc cho Trung Quốc và ngược lại mua hàng tiêu dùng, hàng hóa đầu vào trung gian như pin, linh kiện điện tử của quốc gia châu Á.

Hiện nay, xuất khẩu từ Đức sang Trung Quốc đã suy giảm mạnh khi đất nước tỷ dân có thể tự sản xuất phần lớn mặt hàng họ từng phải nhập khẩu. Thậm chí với một số sản phẩm, Trung Quốc đã trở thành đối thủ cạnh tranh gay gắt trên thị trường xuất khẩu, không chỉ trong mặt hàng chủ lực cũ của Đức là ôtô.

Năm ngoái, Mỹ đã vượt Trung Quốc để trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức, với giá trị hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ đạt 157,9 tỷ euro (164,3 tỷ USD). Tuy nhiên, việc Tổng thống đắc cử Donald Trump cam kết áp đặt thuế quan trên diện rộng dự báo gây thêm tổn thất cho kinh tế Đức.

Một nhà máy Volkswagen tại Chattanooga (Mỹ). Các nhà máy này có thể bị ảnh hưởng bởi các chính sách thuế và cắt giảm đạo luật mới của ông Trump. Ảnh: Volkswagen.

Nhiều hãng xe hơi Đức như BMW, Mercedes-Benz, Volkswagen và hàng chục nhà cung cấp linh kiện ôtô khác, các công ty hóa chất, dược phẩm hàng đầu đã đầu tư lớn vào thị trường Mỹ nhờ giá năng lượng thấp và chính sách ưu đãi từ Đạo luật Giảm lạm phát (IRA).

Tuy nhiên, những công ty này cũng xuất khẩu các mặt hàng từ nhà máy tại Mỹ và có thể chịu ảnh hưởng nếu ông Trump hủy bỏ các ưu đãi thuế này. Khả năng xảy ra chiến tranh thương mại cũng sẽ khiến các doanh nghiệp này chịu thiệt hại nặng nề.

Ngoài ra, ông Trump từng nhiều lần chỉ trích thặng dư thương mại của Đức với Mỹ, vốn đạt 63,3 tỷ euro vào năm 2023. Điều này có thể trở thành vấn đề lớn trong nhiệm kỳ mới của ông Trump.

Theo Carsten Brzeski, nhà kinh tế tại ING Bank, chính sách kinh tế của Mỹ, từ áp thuế quan bổ sung với hàng nhập khẩu vào Mỹ đến cắt giảm thuế cho doanh nghiệp nội địa đều khó mang lại lợi ích cho Đức. Thay vào đó, những thay đổi này có thể làm suy yếu khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Đức trên trường quốc tế.

Phương Linh-Link gốc

MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH

  • Tài sản bỏ tiền vào túi bạn, còn tiêu sản thì lôi tiền ra khỏi túi bạn. Để được giàu có, bạn phải mua tài sản.
  • Mời bạn cùng tìm mua đất nền tiềm năng tăng giá cao, giá trị đầu tư ban đầu thấp tại đây: https://tritininvest.com/loai-bat-dong-san/dat-nen-tay-ninh/

Bài viết liên quan

Thị trường bất động sản tại Hà Nội: Chung cư vào “sóng” mới, đất nền giảm hấp dẫn

Đón đầu cơ hội tăng trưởng thị trường căn hộ trên địa bàn thành phố Hà Nội, với lượng hấp thụ lên tới 80-90%, nhiều chủ đầu tư đã ra hàng ngay từ quý IV-2024, thay vì năm 2025 như kế hoạch.

Tiếp tục đọc

Cơ chế hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Mỹ phát huy hiệu quả trong năm 2024

Các cơ chế hợp tác hiện nay về kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Mỹ đang được vận dụng tương đối hiệu quả, tích cực, chủ động, đáp ứng được những nhiệm vụ đề ra trong mối quan hệ song phương.

Tiếp tục đọc

Năm 2024, thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt khoảng 420 nghìn tỷ đồng

Tổng cục Hải quan cho biết, thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2024 dự kiến đạt 418.000 - 420.000 tỷ đồng, bằng 111,5 % - 112 % dự toán được giao, tăng 13,4% - 13,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Tiếp tục đọc

Tham gia thảo luận

Chat zalo với Trí Tín
Chat ngay