Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cuối năm
Theo Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư cần tích cực chủ động giải quyết khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm.
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 11/2024, ước cả nước giải ngân vốn đầu tư công được trên 410.953 tỷ đồng, đạt 54,8% tổng kế hoạch; đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Đầu tư công được coi là đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, tác động lan tỏa tới các ngành, nghề kinh tế, góp phần tạo ra hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Ảnh minh họa: Itn
Tỷ lệ giải ngân ước 11 tháng thấp hơn cùng kỳ năm trước và vốn ngân sách địa phương giải ngân còn thấp. Những vấn đề khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chưa được giải quyết dứt điểm như các vướng mắc về cơ chế chính sách; giải phóng mặt bằng, quy hoạch sử dụng đất và nguồn cung ứng nguyên vật liệu; vướng mắc ở các khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, quy trình giải ngân của các dự án ODA… cần được các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư tích cực chủ động giải quyết để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Riêng với tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay nước ngoài (tính chung cả vốn cấp phát của trung ương và vốn địa phương vay lại) đạt cao hơn cùng kỳ năm 2023 (30,3% so với 24,89%). Mặc dù vậy, kết quả giải ngân này vẫn khá thấp so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đặt ra.
Bộ Tài chính lý giải nguyên nhân giải ngân chậm do: các nguyên nhân trong công tác triển khai thực hiện và giải ngân thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh và các ban quản lý dự án tồn tại đã lâu như vướng mắc về giải phóng mặt bằng; vướng mắc trong khâu đấu thầu hoặc hợp đồng thương mại; chậm tiến hành công tác nghiệm thu, thanh toán hoặc do thiếu kế hoạch vốn (cả cấp phát và vay lại); tình trạng các địa phương tiếp tục chậm giải ngân vốn vay nước ngoài còn do nhiều dự án (22% số dự án đang giải ngân) phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, gia hạn giải ngân, gia hạn thời gian thực hiện, đề nghị sử dụng vốn dư.
Mới đây, tại Hội nghị với các bộ, ngành về tình hình giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài các tháng cuối năm 2024, ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ, Bộ Tài chính nhấn mạnh, những ngày cuối cùng của năm 2024 chuẩn bị kết thúc, Bộ Tài chính cùng các cơ quan liên quan cùng trao đổi, thực hiện rà soát lại tình hình giải ngân năm 2024, xác định rõ những vấn đề, vướng mắc có thể giải quyết dứt điểm được trong những tháng còn lại của năm. Đồng thời đưa ra một số định hướng, giải pháp để công tác giải ngân năm 2025 có thể được đẩy mạnh ngay từ đầu năm.
Bà Nguyễn Thị Quế Hương, Trưởng phòng Tài chính đầu tư Trung ương (Vụ Đầu tư) chia sẻ, với vai trò là cơ quan tham mưu quản lý về giải ngân, hàng tháng, hàng quý Bộ Tài chính đều có tổng hợp báo cáo kịp thời về số liệu giải ngân trong đó có các đánh giá liên quan đến việc phân tích số liệu, các vướng mắc nếu có và cũng đề xuất các giải pháp để Chính phủ kịp thời điều hành.
“Ngoài ra, chúng tôi cũng thường xuyên thực hiện công khai tới từng bộ, cơ quan Trung ương, địa phương tình hình giải ngân của các dự án trọng điểm giao thông, các dự án quan trọng quốc gia, dự án liên vùng. Trong đó có những kiến nghị rất cụ thể để triển khai các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong các tháng cuối năm.
Liên quan trực tiếp đến công tác thanh toán vốn, Bộ Tài chính cũng thường xuyên chỉ đạo Kho bạc Nhà nước triệt để triển khai dịch vụ công trực tuyến. Theo đó, toàn bộ việc thanh toán các dự án đầu tư công đã được thực hiện trên hệ thống điện tử, đảm bảo nguyên tắc theo quy định tại Nghị định 99/2021/NĐ-CP đó là thời hạn giải ngân đối với các dự án kiểm soát trước, thanh toán sau trong vòng một ngày làm việc; công tác tạm ứng đảm bảo trong một ngày làm việc, để làm thế nào nguồn vốn ra nhanh nhất cho các dự án”, bà Hương nói.
Theo Đại biểu Triệu Quang Huy, đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn, chúng ta cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, đồng thời nâng cao chất lượng công tác đầu tư, nhất là với những dự án có vai trò quan trọng. Cụ thể:
Thứ nhất, làm rõ sự phù hợp của danh mục dự án khi đưa vào kế hoạch vốn đầu tư công, đảm bảo phù hợp đối với các quy hoạch có ảnh hưởng đến việc triển khai; lưu ý vấn đề về giải phóng mặt bằng của dự án. Quy định rõ về cơ chế chịu trách nhiệm của người phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, quyết định đầu tư dự án.
Thứ hai, nghiên cứu, bố trí kinh phí và hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương quản lý, sử dụng kinh phí trong công tác chuẩn bị đầu tư theo các quy định của pháp luật về đầu tư ngân sách. Để đảm bảo triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư của năm tiếp theo, cần chủ động triển khai các công việc ngay từ đầu năm.
Có thể thấy đầu tư công được coi là đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, tác động lan tỏa tới các ngành, nghề kinh tế, góp phần tạo ra hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại để tăng năng lực của nền kinh tế, thu hút đầu tư cho phát triển bền vững.
Việc đấy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công được Quốc hội, Chính phủ hết sức quan tâm thông qua các nghị quyết, chỉ thị, công điện, với nhiều cuộc họp, văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã luôn coi công tác giải ngân vốn đầu tư công trong và ngoài nước là một nhiệm vụ trọng tâm, góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trong tình hình mới.
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận