Vì sao phải giải thể Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa?
Một trong những nội dung được UBND tỉnh trình tại Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026, được đông đảo cử tri quan là Tờ trình ban hành nghị quyết thông qua phương án giải thể Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thái Nguyên. Vậy vì sao sau 9 năm hoạt động lại giải thể quỹ này?
Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu vay vốn để đầu tư mở rộng sản xuất. Trong ảnh: Gia công kết cấu thép tiền chế tại Công ty CP Kết cấu thép và xây dựng Tân Khánh (TP. Phổ Yên). Ảnh: H.C
Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa tỉnh Thái Nguyên được thành lập theo Quyết định số 2279/QĐ-UBND ngày 1/9/2015 của UBND tỉnh. Quỹ hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, theo nguyên tắc tự bảo đảm chi phí, thực hiện bảo toàn vốn và tài sản; bù đắp chi phí và rủi ro trong hoạt động theo các quy định của pháp luật hiện hành.
Quỹ Phát triển đất tỉnh Thái Nguyên là cơ quan điều hành Quỹ Bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa, sử dụng con dấu của Quỹ Phát triển đất tỉnh để quản lý, điều hành và thực hiện nhiệm vụ được giao. Vốn điều lệ của Quỹ Bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa (viết tắt là Quỹ) là 100 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh cấp khi thành lập là 30 tỷ đồng; đối với số còn lại, hàng năm, căn cứ vào khả năng ngân sách tỉnh, UBND tỉnh cân đối trong dự toán ngân sách trình HĐND tỉnh bổ sung theo quy định.
Các quy định này đều được căn cứ theo Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg ngày 15/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tính dụng cho DN nhỏ và vừa.
Theo báo cáo của Quỹ Phát triển đất tỉnh, nguồn vốn hoạt động của Quỹ đến ngày 30/6/2024 là trên 33.996.777.000 đồng, bao gồm vốn điều lệ ngân sách tỉnh cấp là 30 tỷ đồng; vốn bổ sung từ lợi nhuận sau thuế (gồm Quỹ đầu tư phát triển, quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là trên 3,996 tỷ đồng).
Ngay sau khi thành lập, cơ quan điều hành Quỹ đã phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu tham mưu UBND ban hành Điều lệ tổ chức hoạt động; nghiên cứu tham mưu Hội đồng quản lý Quỹ ban hành Quy chế bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa vay vốn tại các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở thực hiện các nhiệm vụ của Quỹ.
Đi đôi với việc xây dựng các quy chế, quy định hướng dẫn nghiệp vụ, cơ quan điều hành Quỹ còn tổ chức tiếp xúc DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh để thực hiện bảo lãnh và đã đạt được một số kết quả nhất định. 3 năm (2016, 2017, 2018), Quỹ thực hiện ký hợp đồng cấp chứng thư bảo lãnh tín dụng cho 3 lượt DN vay vốn tại ngân hàng thương mại với số tiền 12,4 tỷ đồng để đầu tư dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khủng hoảng kinh tế thế giới và cơ chế hoạt động của Quỹ theo quy định của pháp luật hiện nay còn nhiều vướng mắc bất cập, nhất là về tài sản bảo đảm để thực hiện các biện pháp bảo đảm cho bảo lãnh vay vốn tại bên bảo lãnh theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm. Do đó, Quỹ không phát sinh nghiệp vụ bảo lãnh tín dụng cho DN nào.
Tìm hiểu chúng tôi được biết có nhiều nguyên nhân khiến các DN khó được Quỹ đứng ra bảo lãnh, trong đó quan trọng nhất là không có hoặc không còn tài sản bảo đảm. Theo quy định, một trong những điều kiện bắt buộc để DN được bảo lãnh là phải có tổng giá trị tài sản thế chấp, cầm cố tại tổ chức tín dụng (ngân hàng) tối thiểu là 15% giá trị khoản vay và có tối thiểu 15% vốn chủ sở hữu tham gia dự án đầu tư, phương án sản xuất.
Sản xuất gạch không nung tại Công ty cổ phần CNT Group.
Trên thực tế, nếu DN đáp ứng được những điều kiện này thì cơ bản đã được các ngân hàng cho vay vốn, chứ không cần tìm đến Quỹ để rồi phải trả thêm khoản phí 0,8%/năm cho Quỹ, trong khi vẫn phải chịu mức lãi suất thông thường của ngân hàng. Như vậy, chi phí vay vốn thông qua bảo lãnh của Quỹ cao hơn chi phí vay vốn trực tiếp tại các tổ chức tín dụng.
Không những thế, thủ tục bảo lãnh cũng phức tạp hơn, bởi DN phải chịu 2 lần thẩm định, một là của Quỹ bảo lãnh, một là của ngân hàng. Còn về phía Quỹ, trong trường hợp DN không có khả năng trả nợ ngân hàng thì Quỹ phải có trách nhiệm đứng ra trả thay, vì thế có thể nói mọi rủi ro đều thuộc về Quỹ (trong khi số tiền 0,8%/năm/số tiền được bảo lãnh mà DN trả phí cho Quỹ thì có tới 0,75% được trích dự phòng rủi ro/số dư bảo lãnh). Vì thế, việc thẩm định bảo lãnh của Quỹ đối với DN buộc phải thực hiện theo đúng các quy định đưa ra.
Có rất nhiều DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh tuy bắt đầu có dấu hiệu phục hồi sau đại dịch COVID-19 song vẫn còn gặp không ít khó khăn về nguồn vốn để duy trì mở rộng sản xuất. Chính bởi vậy, nhiều DN nợ bảo hiểm xã hội, thuế, bị liệt vào danh sách nợ xấu tại ngân hàng. Cùng với đó là tài sản của DN cơ bản cũng đã thế chấp ngân hàng do đó không đáp ứng được điều kiện để Quỹ có thể đứng ra bảo lãnh. Từ năm 2019 đến nay, do không phát sinh hoạt động cấp bảo lãnh tín dụng nên toàn bộ nguồn vốn hoạt động của Quỹ đang được gửi tại ngân hàng thương mại, dẫn đến việc quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ chưa đúng mục tiêu đề ra.
Hoạt động Quỹ của tỉnh hiện nay thuộc các trường hợp phải giải thể theo quy định tại Điều 51 Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 của Chính phủ quy định: Quỹ bảo lãnh tín dụng không có đủ vốn điều lệ tối thiểu 100 tỷ đồng sau 3 năm hoạt động. Thực tế sau 9 năm hoạt động, vốn điều lệ của Quỹ hiện nay là 30 tỷ đồng. Từ năm 2019 đến nay, Quỹ không phát sinh thêm dư nợ cấp bảo lãnh tín dụng (thấp hơn 10% trong 5 năm liên tiếp).
Việc xây dựng phương án giải thể Quỹ của tỉnh là cần thiết, nhằm thực hiện việc sắp xếp tổ chức đơn vị, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính của tỉnh vào các nhiệm vụ khác hiệu quả hơn. Đối với phương án xử lý các khoản tín dụng và các khoản nợ, các hợp đồng bảo lãnh tín dụng đã cấp 3 năm 2016, 2017, 2018 đã thanh lý hợp đồng. Từ năm 2019 đến nay không phát sinh nghiệp vụ bảo lãnh, do đó không phát sinh việc xử lý các khoản tín dụng và các khoản nợ.
Hằng Nga
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận