CHIA DI SẢN TRONG NHỮNG TRƯỜNG HỢP PHỨC TẠP: TÌNH HUỐNG 12 – 13 – 14
TÌNH HUỐNG 12
Ông A và bà B kết hôn vào năm 1960, có 4 người con chung là anh C, anh D, chị E và chị F. Vào năm 1963, ông A đi thoát ly đến xí nghiệp gỗ Nghề Nông và đã có quan hệ với bà M và sinh ra G và T.
Do ghen tức, bà B đã nhiều lần đến xí nghiệp nơi ông A làm việc để đánh ghen bà M và xỉ nhục ông A, khiến ông bị khai trừ khỏi Đảng và mọi người trong xí nghiệp gỗ đều coi thường lòng chung thuỷ của ông A đối với bà B.
Khi ông A về hưu, ông không chung sống với bà M mà về chung sống với bà B. Tuy ông A đã tỏ ra ân hận vì hành vi trong quá khứ của mình nhưng bà B luôn xúc phạm ông công khai trước các con và hàng xóm, ông A vẫn cắn răng chịu đựng.
Ông A do bị ung thư dạ dày và qua đời vào tháng 02/2006. Ông A có để lại di chúc truất quyền thừa kế của bà B, cho bà M 1/2 di sản, còn 1/2 di sản chia đều cho các con.
Qua sự kiện trên, bà B kiện đến Tòa án quận Q, yêu cầu chia di sản của ông A.
(i) Tài sản chung hợp nhất của ông A và bà B có 360.000.000 đồng;
(ii) Tài sản của ông A và bà M chung nhau có 160.000.000 đồng.
a) Giải quyết tình huống
– Ông A và bà B là vợ chồng nhưng bà M không phải là vợ của ông A. Quan hệ giữa ông A và bà M là quan hệ trái pháp luật, vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Khối tài sản của ông A và bà M thuộc sở hữu chung theo phần. Phần tài sản của ông A được xác định từ khối tài sản chung với bà M, thuộc quyền sở hữu chung hợp nhất của ông bà A, B. Vậy tổng tài sản chung hợp nhất của ông bà A, B = 360.000.000 đồng + (160.000.000 đồng : 2) = 440.000.000 đồng.
– Di sản thừa kế của ông A = 440.000.000 đồng : 2 = 220.000.000 đồng.
– Bà B bị ông A truất quyền thừa kế nhưng vẫn được hưởng theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015, theo đó B = 220.000.000 đồng : 7 x 2/3 = 20.952.380 đồng.
– Bà M thừa kế theo di chúc; theo đó M = 199.047.620 đồng : 2 = 99.523.810 đồng.
– Còn 99.523.810 đồng chia theo di chúc cho tất cả 6 người con của ông A; vậy C = D = E = F = G = T = 99.523.810 : 6 = 16.587.301 đồng.
b) Nhận xét
Bà B đã bị ông A truất quyền hưởng di sản nhưng bà vẫn được hưởng theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 một phần bằng 2/3 suất thừa kế chia theo pháp luật. Bà B do ghen tuông mà xúc phạm ông A nhưng không bị kết án về hành vi đó cho nên bà B vẫn là người được hưởng di sản của ông A không phụ thuộc vào nội dung của di chúc.
TÌNH HUỐNG 13
Ông A và bà B kết hôn vào năm 1945, có 2 người con chung là anh C và chị D. Vào năm 1947, ông A đi bộ đội chống Pháp và trong thời gian ở Thái Nguyên, ông đã yêu bà L. Sau Hiệp định Giơnevơ, ông A giải ngũ về chung sống với bà L tại Thái Nguyên (1954) và sinh được 4 người con chung là anh Q, chị T, anh K và anh M.
Anh C có vợ là H, có 3 người con chung với H là P, G, N.
Ông A đã qua đời vào năm 1990. Khi ông A qua đời, có để lại di chúc truất quyền thừa kế của bà L và bà B; di sản của ông được chia đều cho các con chung với bà B.
Qua sự kiện trên, bà B có đơn yêu cầu Tòa án chia di sản của ông A. Tòa án huyện K xác định được:
(i) Tài sản của ông A và bà B có 960.000.000 đồng;
(ii) Tài sản của ông A và bà L có 720.000.000 đồng.
a) Giải quyết tình huống
– Di sản của ông A trong khối tài sản chung với bà B là 960.000.000 đồng : 2 = 480.000.000 đồng;
– Di sản của ông A trong khối tài sản chung với bà L là 720.000.000 đồng : 2 = 360.000.000 đồng.
Vậy tổng di sản của ông A = 480.000.000 đồng + 360.000.000 đồng = 840.000.000 đồng.
– Bà B và bà L đều là những người vợ của ông A nhưng đều bị ông A truất quyền hưởng di sản. Theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015, bà B = L = 840.000.000 đồng : 8 x 2/3 = 70.000.000 đồng;
– Di sản còn lại của ông A sau khi đã trừ phần được hưởng của bà B và bà L: 840.000.000 đồng – (70.000.000 đồng x 2) = 700.000.000 đồng;
– Phần di sản này được chia cho hai người con của ông A và bà B hưởng theo di chúc (là C và D). Vậy C = D = 700.000.000 đồng : 2 = 350.000.000 đồng
b) Nhận xét
Ông A là người có đồng thời 2 người vợ là bà B và bà L, và quan hệ của ông A với bà B và bà L đều là quan hệ hôn nhân không trái pháp luật vì đều được xác lập trước ngày 13/01/1960. Từ nhận định trên, tài sản của ông A được xác định từ hai quan hệ hôn nhân với bà B và bà L. Ông A là chủ thể kép của hai quan hệ hôn nhân độc lập với bà B và bà L. Tuy nhiên, cả bà B và bà L đều bị ông A truất quyền hưởng di sản và 2 người vợ của ông A đã được hưởng theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015. Họ đều là những người được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc.
Không hiểu vì lý do gì mà ông A lại đồng thời truất quyền hưởng di sản của cả 2 bà vợ và cho 2 người con của ông với bà B là anh C và chị D hưởng toàn bộ di sản. Các con của ông A với bà L không được hưởng di sản của ông A vì di sản của ông đã được định đoạt hết cho 2 người con chung với bà B, mà họ không thuộc những người được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015.
TÌNH HUỐNG 14
Ông A và bà B kết hôn vào năm 1950, có 3 người con chung là anh C, chị D và chị E.
Anh C có vợ là T và có 3 người con chung là F, G, H.
Chị D có chồng là K và có 2 người con chung là M và N.
Chị E có chồng là P, có 1 người con là Q. Các anh C, chị D và chị E đều đã chết trước ông A.
Ông A qua đời vào tháng 11/2005, có để lại di chúc truất quyền thừa kế của bà B.
Qua sự kiện trên, bà B kiện đến Tòa án xin được hưởng di sản của ông A.
Tòa án xác định được tài sản chung hợp nhất của ông A và bà B có 320.000.000 đồng.
a) Giải quyết tình huống
Ông A chết, lập di chúc truất quyền thừa kế của bà B và không định đoạt cho ai hưởng di sản. Tài sản chung hợp nhất của ông bà A, B có 320.000.000 đồng. Vậy di sản thừa kế của ông A = 320.000.000 đồng : 2 = 160.000.000 đồng.
Theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015, bà B là vợ của ông A được hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung của di chúc là: 160.000.000 đồng: 4 x 2/3 = 26.666.666 đồng.
Phần di sản còn lại của ông A = 160.000.000 đồng –
26.666.666 đồng = 133.333.334 đồng được chia theo pháp luật cho các con của ông nếu còn sống được hưởng gồm: anh C, chị D và chị E. Nhưng các con của ông A đều đã chết trước ông, theo quy định tại Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì các con của họ được thừa kế thế vị di sản của ông A. Trước hết, xác định mỗi người con của ông A được hưởng thừa kế theo pháp luật nếu còn sống, để có căn cứ chia cho các con của họ là những người thừa kế thế vị. Nếu còn sống thì C = D = E = 133.333.334 đồng : 3 = 44.444.444 đồng. Nhưng anh C và chị D, chị E đều đã chết trước ông A; vậy các con của anh C, chị D, chị E được thừa kế thế vị.
– Con của anh C thế vị: F = G = H = 44.444.444 đồng : 3 = 14.814.814 đồng.
– Con của chị D thế vị: M = N = 44.444.444 đồng : 2 = 22.222.222 đồng;
– Con của chị E thế vị: Q = 44.444.444 đồng
b) Nhận xét
Vào thời điểm ông A chết, tại hàng thừa kế thứ nhất không có người thừa kế, do 3 người con đã chết trước ông A và bà B là vợ của ông A đã bị truất quyền hưởng di sản. Bà B đã được hưởng di sản của ông A không phụ thuộc vào nội dung của di chúc. Các cháu nội, ngoại mà ông A là ông nội, ông ngoại được thừa kế thế vị nhận di sản của ông A. Theo tình huống trên, tuy hàng thừa kế thứ nhất của ông A không có người thừa kế do bị truất quyền hưởng, đều đã chết trước ông A nhưng di sản của ông A vẫn được chia theo trình tự hàng thừa kế thứ nhất để xác định phần di sản được hưởng của những người thừa kế thế vị là các cháu nội, ngoại của ông A mà ông là ông nội, ông ngoại.
Tham khảo: Pháp Luật Về Thừa Kế Ở Việt Nam-Nhận Thức Và Áp Dụng
PGS.TS. Phùng Trung Tập
MỜI MUA ĐẤT NỀN TÂY NINH
|
Tham gia thảo luận